Lãi suất âm, nới lỏng định lượng có đủ để vực dậy kinh tế châu Âu?
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/9 có động thái “mở van” mạnh tay để cứu tăng trưởng kinh tế
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/9 có động thái "mở van" mạnh tay, bằng động thái kép cắt giảm lãi suất sâu hơn dưới 0 và tung một gói nới lỏng định lượng (QE) để hỗ trợ nền kinh tế khu vực đang suy yếu.
Trong cuộc họp chính sách tiền tệ được chờ đợi, ECB hạ lãi suất cơ bản 0,1 điểm phần trăm, về ngưỡng âm 0,5%. ECB tuyên bố sẽ giữ lãi suất ở mức này hoặc giảm thêm cho tới khi triển vọng lạm phát cải thiện.
Cùng với đó, ECB tuyên bố bắt đầu in tiền trở lại, theo đó chi 20 tỷ Euro (22 tỷ USD) mỗi tháng để mua vào trái phiếu và các tài sản tài chính khác bắt đầu từ tháng 11. Việc bơm tiền, hay còn gọi là nới lỏng định lượng (QE) này được ECB cam kết duy trì "cho tới khi nào không còn cần thiết".
Lãi suất âm khuyến khích các ngân hàng cho vay thay vì giữ vốn, trong khi việc mua trái phiếu sẽ kéo lợi suất giảm xuống, qua đó giảm lãi suất đi vay đối với chính phủ và doanh nghiệp.
ECB cho biết sẽ triển khai các biện pháp để bảo vệ hệ thống ngân hàng khỏi ảnh hưởng tiêu cực của lãi suất âm. Trong nhiều năm qua, lãi suất âm đã khiến các ngân hàng ở châu Âu gặp khó khăn trong kinh doanh.
Động thái của ECB đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của thị trường. Đồng Euro giảm giá 0,5%, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức và Italy cùng giảm, trong khi chứng khoán châu Âu tăng điểm. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, lợi suất trái phiếu Đức và tỷ giá Euro cùng tăng trở lại.
Giới phân tích cho rằng những biện pháp mà ECB vừa đưa ra có thể là quá muộn màng hoặc không đủ để tạo ra sự chuyển biến trong nền kinh tế khu vực.
Lãi suất ở châu Âu đã giữ ở mức thấp kỷ lục trong thời gian dài nên việc hạ lãi suất sâu hơn dưới ngưỡng âm chưa chắc đã phát huy tác dụng. Cùng với đó, ECB vào năm ngoái tin rằng nên kinh tế đủ vững vàng để dừng chương trình mua tài sản sau khi đã bơm 2,6 nghìn tỷ Euro (2,9 nghìn tỷ USD) từ năm 2015.
Đánh giá này đã cho thấy sai lầm. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - hiện đang ngấp nghé bờ vực suy thoái do sức ép của thương chiến Mỹ-Trung.
Phát biểu ngày 12/9, Chủ tịch ECB Mario Draghi nói rằng sự giảm tốc hiện nay của kinh tế châu Âu "chủ yếu phản ánh tình trạng suy yếu của thương mại quốc tế trong một môi trường bất ổn toàn cầu kéo dài".
Ông Draghi nhấn mạnh ngành sản xuất của châu Âu chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Trên cơ sở đánh giá này, ECB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực còn 1,1% trong năm nay, từ mức 1,2% đưa ra trong lần dự báo trước. Mức dự báo cho năm 2020 giảm còn 1,2% từ 1,4%.
Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích việc ECB quay lại với QE. Ông Trump nói ECB "đang cố gắng và đã thành công trong việc làm cho đồng Euro mất giá so với đồng USD đang rất mạnh, gây bất lợi cho xuất khẩu của Mỹ".
Tiếp đó, ông Trump nhắc lại lời kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hành động. Trước đó trong tuần này, ông Trump đã đòi FED hạ lãi suất về 0 hoặc dưới 0.
Khi được hỏi về lời chỉ trích mà ông Trump đưa ra đối với ECB, ông Draghi đáp rằng nhiệm vụ của ECB là đạt lạm phát ổn định. "Nhiều khi, chúng tôi không đặt mục tiêu về tỷ giá", ông nói.
Đây là cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của ECB trong nhiệm kỳ Chủ tịch của ông Draghi. Tháng 11 tới, ông sẽ chuyển giao cương vị này cho bà Christine Lagarde, cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Nhân dịp này, ông Draghi nhấn mạnh rằng ông tin ECB đã làm tất cả những gì có thể làm, và giờ là lúc các nhà hoạch định chính sách khác cần hành động để hỗ trợ nền kinh tế.
"Các chính phủ với không gian tài khóa nên có hành động hiệu quả và đúng thời điểm", ông Draghi nói, cho rằng chính sách tài khóa nên trở thành công cụ chính để kích thích lạm phát.
Chính phủ Đức mấy ngày gần đây đã bàn về triển khai một gói kích cầu, nhưng giới phân tích không tin chắc vào khả năng này, bởi Đức vốn là một quốc gia luôn đặt nặng ưu tiên cân bằng ngân sách.
Đối với ông Draghi - người có công lớn trong việc giữ cho đồng Euro khỏi sụp đổ trong cuộc khủng hoảng nợ công chau Âu - quyết định chính sách cuối cùng trên cương vị Chủ tịch ECB cho thấy ông đã cố gắng hết sức. Động thái hạ lãi suất ngày 12/9 của ECB không nằm ngoài dự báo, nhưng việc ECB không đưa ra một thời hạn cụ thể cho QE đã gây nhiều ngạc nhiên.
"Những quyết định của ngày hôm nay đã củng cố di sản của ông Draghi ở ECB", chuyên gia kinh tế trưởng tại Đức của ngân hàng ING, ông Carsten Brzeski, nhận xét. "Lời hứa ‘làm bất kỳ điều gì cần thiết’ của ông ấy đã trở thành ‘hành động cho tới khi không còn cần thiết’".