09:33 20/08/2008

“Lãi suất cho vay sẽ giảm, nhưng rất chậm!”

Thanh Hải

Tổng giám đốc Ngân hàng VPBank bình luận xung quanh vấn đề lãi suất tại Việt Nam

Theo ông Lê Đắc Sơn, với đầu ra là 21%/năm và đầu vào lớn hơn 21%/năm, nếu cứ tiếp tục huy động và cho vay ra như hiện nay các ngân hàng sẽ bị lỗ.
Theo ông Lê Đắc Sơn, với đầu ra là 21%/năm và đầu vào lớn hơn 21%/năm, nếu cứ tiếp tục huy động và cho vay ra như hiện nay các ngân hàng sẽ bị lỗ.
Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoài quốc doanh (VPBank) bình luận xung quanh vấn đề lãi suất tại Việt Nam.

Nhiều ngân hàng đã có điều chỉnh lãi suất huy động, phải chăng đây là dấu hiệu lãi suất huy động sẽ giảm mạnh trong thời gian tới?

Trong thời điểm hiện nay, khi tình hình thanh khoản của các ngân hàng tạm ổn, các ngân hàng đang cơ cấu lại nguồn vốn theo đúng quy luật trước đây, khi đó lãi suất các kỳ hạn ngắn hạn sẽ thấp hơn các kỳ hạn dài hạn.

Bên cạnh đó, theo lãi suất cơ bản trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay ra không được vượt quá là 21%/năm. Nhưng với lãi suất huy động bình quân hiện nay là 18%/năm cộng với các khoản chi phí khác thì lãi suất đầu vào ở các ngân hàng đang ở mức lớn hơn 21%/năm.

Với đầu ra là 21%/năm và đầu vào lớn hơn 21%/năm, nếu cứ tiếp tục huy động và cho vay ra như hiện nay các ngân hàng sẽ bị lỗ.

Vì lẽ đó, các ngân hàng vẫn đang loay hoay tìm cách để giảm  lãi suất sao cho đầu vào nhỏ hơn hoặc bằng 21%/năm, khi đó các ngân hàng mới bắt đầu hòa vốn và có thể lãi chút ít thì mới cho vay nhiều hơn. Để làm được điều này, lãi suất huy động sẽ phải giảm xuống mức 15%/năm.

Bên cạnh việc giảm lãi suất huy động, thời gian qua một số ngân hàng lớn đã thực hiện việc giảm lãi suất cho vay. Theo ông, điều này có ảnh hưởng như thế nào đối với các ngân hàng nhỏ?

Vừa qua một số ngân hàng lớn, những ngân hàng quốc doanh đã thông báo giảm lãi suất cho vay xuống còn 19-20%, đó mới chỉ là tín hiệu chứ không thể trở thành phong trào giảm lãi suất cho vay. Giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng đó chủ yếu nhắm vào đối tượng khách hàng ưu đãi, đó là những khách hàng có thể mang lại 80% lợi nhuận cho những ngân hàng.

Thông thường, tại mỗi ngân hàng đều có những khách hàng VIP, những khách có thể sử dụng nhiều dịch vụ do ngân hàng cung cấp hay có quan hệ lâu dài và có uy tín với ngân hàng. Giảm lãi suất cho vay chỉ được các ngân hàng thực hiện cho những khách hàng quan trọng, không phải thực hiện đồng loạt.

Tuy nhiên, với lãi suất 21%/năm, mức tín dụng cho những khách hàng cũng sẽ ít hơn nhiều so với trước đây. Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, việc giảm lãi suất cho vay cũng sẽ được thực hiện với những khách hàng quan trọng của ngân hàng.

Tuy nhiên, việc cho vay này sẽ phải dựa trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng và đánh giá chính xác về doanh nghiệp, xem đó có phải là khách hàng thực sự gắn bó lâu dài với ngân hàng không, lợi ích thu được từ khách hàng đó với ngân hàng là như thế nào.

Với những khách hàng mới, chỉ quan hệ vay tín dụng với ngân hàng mà không sử dụng dịch vụ, thì lúc này không thể tiếp cận được với ngân hàng ở mức lãi suất vay nhỏ hơn hoặc bằng 21%/năm.

Tại VPBank, tùy từng khách hàng chúng tôi sẽ đưa ra mức lãi suất cụ thể, có khách hàng sẽ vay mức lãi suất 20%/năm, có khách hàng vay mức 20,5%/năm nhưng cũng có khách hàng sẽ được vay ở mức 19%/năm, tùy theo tầm quan trọng và sự sử dụng dịch vụ của khách hàng với VPBank.

Theo tôi, xu hướng giảm lãi suất cho vay này sẽ lan truyền từ ngân hàng này đến ngân hàng khác, vì ngân hàng nào cũng có khách hàng truyền thống và những khách hàng lớn.

Vậy ông có nhận định như thế nào về xu hướng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2008?

Các ngân hàng vẫn sẽ thực hiện việc cho vay, nhưng cho vay vẫn sẽ dựa trên cơ sở lựa chọn khách hàng để cho vay. Từ nay cho đến cuối năm 2008, xu hướng lãi suất cho vay sẽ thay đổi theo hướng giảm dần nhưng rất chậm; khó có thể có mức lãi suất cho vay dưới 19%/năm.

Bởi vì, muốn giảm lãi suất cho vay thì lãi suất đầu vào phải giảm, nhưng từ nay đến cuối năm 2008 lãi suất đầu vào không thể giảm mạnh từ 18%/năm xuống 15%/năm được. Để lãi suất cho vay ở mức 19-20%/năm, bình quân lãi suất đầu vào của các ngân hàng phải là 15%/năm.

Giảm từ 18%/năm xuống 15%/năm sẽ là một khoảng cách rất xa, mỗi một lần hạ lãi suất các ngân hàng chỉ giảm tối đa là 0,5% và với chu kỳ giảm có thể là 1 tháng 1 lần.

Vì vậy, để giảm lãi suất đầu vào xuống 15%/năm sẽ phải trải qua 5-7 lần hạ lãi suất. Hành trình này phải đến hết năm 2008 đầu năm 2009 mới thực hiện được.