09:07 23/08/2007

Lãi suất thi nhau “phá rào”

Minh Đức

Nhiều ngân hàng thương mại đã “phá rào” lãi suất thỏa thuận, bỏ qua nỗ lực “dàn xếp” của các bên thời gian qua

Nhiều ngân hàng thương mại đã “phá rào” lãi suất thỏa thuận, bỏ qua nỗ lực “dàn xếp” của các bên thời gian qua.

Một lần nữa, Hiệp hội Ngân hàng lại lên tiếng đề nghị các ngân hàng căn theo các mức lãi suất huy động VND đã thỏa thuận để tránh cạnh tranh không lành mạnh.

Trước đó, ngày 11/4/2007, Hiệp hội đã có thông báo cụ thể về các mức lãi suất thỏa thuận và có những nhắc nhở các thành viên trong thực hiện. Tuy nhiên, lãi suất của hầu hết các ngân hàng thương mại, cả quốc doanh lẫn cổ phần, hiện đều đã vượt rào.

Cụ thể, ngay ở khối quốc doanh, lãi suất ở các kỳ hạn 3, 6, 9 và 12 tháng đều cao hơn “trần” lãi suất mà các ngân hàng thỏa thuận với nhau từ 0,03 – 0,04%/tháng; lãi suất kỳ hạn 3 tháng hiện phổ biến từ 0,6 - 0,63%/tháng, kỳ hạn 6 tháng từ 0,63 - 0,65%/tháng, kỳ hạn 9 tháng từ 0,65 - 0,68%/tháng và kỳ hạn 12 tháng từ 0,69 - 0,72%/tháng.

Ở khối cổ phần, phần vượt rào vượt trội hơn ở các kỳ hạn 3, 6 và 9 tháng, cao hơn thỏa thuận từ 0,02 – 0,12%/tháng. Hiện lãi suất của khối này ở kỳ hạn 3 tháng phổ biến từ 0,68 - 0,74%/tháng, kỳ hạn 6 tháng từ 0,69 - 0,77%/tháng, kỳ hạn 9 tháng từ 0,69% - 0,78%/tháng; riêng kỳ hạn 12 tháng từ 0,69 - 0,80%/tháng, thấp hơn từ 0,02 - 0,09%/tháng.

Trước diễn biến trên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đã phải mời đại diện các ngân hàng ngồi lại với nhau để thống nhất thực hiện các mức lãi suất đã thỏa thuận.

Sau những cuộc họp và đề nghị của Hiệp hội Ngân hàng, một số ngân hàng đã điều chỉnh, kéo lãi suất một số kỳ hạn về mức thỏa thuận. Tuy nhiên, phần lớn các thành viên khác đều khó thực hiện.

Trao đổi với VnEconomy, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần nói thẳng rằng ông không muốn đến những cuộc họp đó bởi đã nói về vấn đề “phá rào” quá nhiều và trên thực tế đó là việc khó thực hiện. “Việc thỏa thuận lãi suất, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh là cần thiết nhưng còn tùy theo từng thời điểm của thị trường”, ông này nói.

Một số ý kiến khác đề cập đến khả năng điều chỉnh lãi suất thỏa thuận thay vì níu kéo yêu cầu thị trường hiện nay.

Cụ thể, lạm phát đã và đang tăng cao, quyền lợi của người gửi tiền bị ảnh hưởng, cạnh tranh huy động vốn ngày một lớn. Trong khi đó lãi suất huy động VND từ đầu năm đến nay vẫn chưa có điều chỉnh lớn, thậm chí một số ngân hàng đã cắt giảm. Nếu tính theo lạm phát, người gửi tiền đang hưởng lãi suất âm.

Còn theo tính toán của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm này lạm phát có biến động nhưng nếu tính bình quân 12 tháng thì mức tăng là 7,2%. Nếu tính lãi suất tiền gửi trung bình 6 tháng là 0,75 - 0,8%/tháng thì lãi suất tiết kiệm một năm là 9 - 9,6%. Như vậy, mức lạm phát vẫn thấp hơn lãi suất tiền gửi. “Còn nếu chỉ tính chỉ số giá cả, lạm phát của riêng tháng 7 thì nó cao hơn nhưng không phản ánh đúng cả quá trình”, vị lãnh đạo này nói.

Theo Hiệp hội Ngân hàng, hiện tốc độ huy động vốn đang lớn hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng, trong khi vốn khả dụng của toàn hệ thống dư thừa kéo dài. Dự báo trong quý III/2007, các luồng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài vào Việt Nam vẫn ở mức cao. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị các ngân hàng thực hiện các mức lãi suất đã được thỏa thuận, tránh cạnh tranh không lành mạnh.

Nhưng việc thực hiện và tôn trọng “trần” lãi suất thỏa thuận khó đảm bảo khi có lo ngại những ngân hàng mới chuyển đổi, công cụ cạnh tranh “dễ” nhất là lãi suất, thay vì công nghệ, mạng lưới hay phát triển dịch vụ. Ngoài ra, việc thực hiện theo cơ chế thỏa thuận giữa các thành viên, không có chế tài xử lý như trước đây.

Trước thời điểm tháng 6/2002, Ngân hàng Nhà nước từng sử dụng trần lãi suất, hoặc dùng lãi suất cơ bản cộng thêm biên độ. Tuy nhiên, từ sau tháng 6/2002, Ngân hàng Nhà nước chuyển sang thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận, các tổ chức tín dụng tự ấn định lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay trên cơ sở cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm đối với từng khách hàng.

Căn theo cơ chế này, một số lãnh đạo ngân hàng cho rằng lãi suất khó bị bó trong khuôn khổ trần, mà cần theo sát các tín hiệu của thị trường. Bản thân các ngân hàng là người trong cuộc, nắm rõ bước chân mình đặt ở đâu để tiến hoặc lùi.