13:42 16/08/2013

Lai Vu bị “bỏ quên” đến bao giờ?

Công Lý

Giữa chính quyền tỉnh Hải Dương và 316 hộ dân xã Lai Vu chưa tìm được tiếng nói chung

Sáng 15/8, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức họp báo nhằm thông báo về kế hoạch hỗ trợ chủ đầu tư khu công nghiệp Lai Vu hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự kiến được thực hiện sau ngày 25/8 tới.
Sáng 15/8, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức họp báo nhằm thông báo về kế hoạch hỗ trợ chủ đầu tư khu công nghiệp Lai Vu hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự kiến được thực hiện sau ngày 25/8 tới.
Năm 2003, khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương) được Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) khởi công xây dựng trên diện tích hơn 200 ha, với mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng.

Thời điểm đó, cái tên Vinashin đang nổi lên là một doanh nghiệp Nhà nước lớn mạnh với hàng loạt các dự án do tập đoàn này đầu tư rầm rộ khắp nơi trong cả nước và kéo theo đó là những kỳ vọng về một khu công nghiệp Lai Vu lớn mạnh.

Tuy nhiên, 10 năm qua khu công nghiệp Lai Vu gần như hoang phế.

Hàng nghìn tấc vàng bỏ hoang

Không ít người khi đi trên quốc lộ 5, đoạn qua địa phận huyện Kim Thành, Hải Dương đã phải lắc  đầu tiếc nuối về một dải đất đẹp, mặt tiền kéo dài theo quốc lộ 5 với tường rào bao quanh nhưng lại bị bỏ hoang...

Khi chúng tôi đến khu công nghiệp Lai Vu, một không khí đìu hiu bao trùm, chỉ có 3 nhân viên bảo vệ. Bên trong khu công nghiệp, căn nhà 3 tầng làm trụ sở Công ty TNHH Một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu với một vài nhân viên ngồi trò chuyện.

Lác đác những khối sắt, bê tông, những khung mái nhà nằm chơ vơ. Đó là dấu tích còn lại của những dự án đã không hoàn thành.

Ông Phạm Sỹ Thảo, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương nói, theo kế hoạch khu công nghiệp Lai Vu (trước là Cụm công nghiệp Tàu thủy Hải Dương) được triển khai theo đề án phát triển Vinashin giai đoạn 2001-2010. khu công nghiệp được đầu tư xây dựng theo nhiều giai đoạn và sẽ hoàn chỉnh vào năm 2009.

khu công nghiệp này sẽ tạo công ăn việc làm cho trên 10.000 lao động địa phương và sẽ là một động lực mạnh cho kinh tế địa phương phát triển. Đến nay đã có 11 dự án trong và ngoài nước đầu tư vào khu công nghiệp, trong đó có 9 dự án đã xây dựng nhà máy. Tuy nhiên từ năm 2008 đến nay, các dự án đã ngừng hoạt động, chỉ có hai dự án hoạt động cầm chừng.

Nguyên nhân khu công nghiệp Lai Vu trở nên hoang phế được UBND tỉnh Hải Dương lý giải một phần do những hệ quả từ Vinashin để lại. Tuy nhiên nguyên nhân lớn nhất vẫn là do sự phản đối của 316 hộ dân (với số tiền khoảng 20,436 tỷ đồng) trong tổng số 1.154 hộ trong diện giải phóng mặt bằng.

Trở lại quá khứ, ông Phạm Sỹ Thảo cho biết, ngày 12/1/2004, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 116 thu hồi 212,89 ha đất của xã Lai Vu, giao cho Ban quản lý dự án Cụm công nghiệp Tàu thủy Hải Dương triển khai thực hiện. Ngay sau đó Ban quản lý đã tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân có đất, và tính đến nay đã bồi thường xong cho 838 hộ dân (chiếm 72,61%), nhưng vẫn còn 316 hộ dân (bằng 27,39%) chưa nhận tiền bồi thường.

Tuy nhiên, sau “sự cố” Vinashin được Thủ tướng Chính phủ cho tái cơ cấu và  ngày 18/6/2010 Thủ tướng Chính phủ có QĐ  số 926/TTg chuyển giao toàn bộ Cụm công nghiệp Tàu thủy Hải Dương cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).

Ngay sau đó, Petro Vietnam giao cho Công ty TNHH Một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu (thuộc Petro Vietnam) trực tiếp quản lý. Đến ngày 30/9/2011, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành tiếp Quyết định số 1757/TTg đổi tên Cụm công nghiệp Tàu thủy Hải Dương thành khu công nghiệp Lai Vu.

Cái lý của người dân

Trao đổi nhanh với chúng tôi, ông Đặng Cao Sơn, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu cho biết, khi tiếp nhận bàn giao khu công nghiệp Lai Vu, phía Petro Vietnam xác định sẽ  nỗ lực thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định để khu công nghiệp nhanh chóng thu hút nhà đầu tư, tránh sự hoang phí đất. "Chúng tôi đã chuyển trả 20,436 tỉ đồng tiền bồi thường và trả cả mức lãi suất cao nhất phát sinh là 19,252 tỉ đồng vào tài khoản của Ban Giải phóng mặt bằng huyện Kim Thành, nhưng các hộ dân vẫn không chấp nhận".

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái nêu, từ năm 2012 đến nay hàng ngày có khoảng 30 - 40 người dân xã Lai Vu vào khu công nghiệp trồng cây, gây cản trở hoạt động triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.

Gần đây nhất, ngày 18/6/2013 Công ty TNHH May Tinh Lợi và Cty TNHH Dệt Paciffic Crystal đã đưa thiết bị, máy móc đến để triển khai xây dựng nhà xưởng trong khu công nghiệp nhưng gặp phải sự phản đối mạnh của người dân nên phải dừng thi công. Nếu người dân vẫn ngăn cản nhà đầu tư, họ sẽ đi nơi khác và đó là sự thiệt thòi lớn cho người dân Lai Vu nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung.

Để lắng nghe người dân, chúng tôi tìm đến gia đình ông Bùi Khắc Đờn, một trong những người được xem là “đầu đơn” khiếu nại đòi đất tại khu công nghiệp Lai Vu. Nghe tin có nhà báo về, hàng chục người dân Lai Vu tập trung tại nhà ông Đờn để bày tỏ ý kiến.

Theo thông tin chúng tôi ghi nhận, số hộ dân phản đối dự án là 336 hộ (theo báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương là 316 hộ), trong đó có 20 hộ đã nhận một phần tiền bồi thường, còn 316 hộ chưa nhận đồng nào. Hiện nay các hộ dân đã thống nhất lập chòi canh giữ đất ngay trong khu công nghiệp, tại chòi liên tục có người thay phiên nhau canh giữ nếu có động tĩnh gì lập tức báo về làng để người dân kéo ra đấu tranh.

Ông Bùi Duy Tôn, người cũng được xem là dẫn đầu dân đi khiếu kiện cho chúng tôi biết, lý do người dân phản đối là đến nay UBND tỉnh Hải Dương chưa có một quyết định thu hồi đất nào, do đó đất khu công nghiệp Lai Vu vẫn thuộc về người dân. Quyết định số 116 ngày 12/1/2004 là quyết định “cho thuê” đất chứ không phải quyết định “thu hồi” đất vì trong phần trích yếu của Quyết định chỉ có chữ “cho thuê” mà không có chữ “thu hồi”.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ

Vấn đề này, nay đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.

Tại điều 1 Quyết định 116 có ghi “thu hồi 2.128.956 m2 đất do các hộ gia đình và UBND xã Lai Vu đang quản lý, sử dụng” do đó bản chất của Quyết định này là quyết định “thu hồi và cho thuê”. Cho dù trong phần trích yếu của quyết định không có cụm từ “thu hồi” nhưng không làm thay đổi bản chất của quyết định. Quyết định 116 đúng pháp luật và sai sót trên chỉ mang tính chất kỹ thuật văn bản, do đó quyết định này vẫn có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, ông Bùi Duy Tôn nhấn mạnh, một quyết định ảnh hưởng đến đời sống của hơn 6.000 người dân lại bị lỗi kỹ thuật văn bản, lỗi ở cụm từ nhạy cảm nhất mà vẫn cho là có hiệu lực pháp luật, thì không công bằng.

Khi được hỏi về yêu cầu của người dân hiện nay, ông Bùi Khắc Đờn đại diện cho các hộ dân đề nghị UBND tỉnh Hải Dương phải ra một quyết định thu hồi đất mới và đền bù theo đúng mức giá quy định của Nhà nước.

Theo tính toán của ông Đờn, nếu cộng cả các khoản hỗ trợ thì những người dân mất đất cho khu công nghiệp Lai Vu sẽ nhận được hơn 200 nghìn đồng/m2 (mức giá đền bù thu hồi đất đang trả cho các hộ dân là 19.300 đồng/m2). Ngoài ra, còn phải đền bù cho người dân khoản thiệt hại do 10 năm qua không được canh tác trên đất của mình.

Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định việc tăng giá đền bù là không thể được vì không có căn cứ pháp lý, Thanh tra Chính phủ đã khẳng định điều đó trong kết luận thanh tra. Nếu tăng giá đền bù đền “vừa lòng” những hộ dân đang phản đối sẽ thiếu công bằng đối với những hộ dân có đất tại khu công nghiệp Lai Vu đã chấp hành nghiêm Quyết định 116 và các quy định của pháp luật. Ngoài ra, Hải Dương còn rất nhiều khu công nghiệp khác, việc tăng giá đền bù cho một dự án lấy đất cách đây 10 năm sẽ gây không ít xáo trộn.

Ông Hiển còn nhấn mạnh, đất khu công nghiệp đã được lấp cát, xây dựng xong hạ tầng để đón nhà đầu tư, Quyết định 116 đã có hiệu lực có nghĩa diện tích đất này không còn thuộc quyền quản lý, sử dụng của các hộ dân Lai Vu, nên mọi hành vi xâm phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Căn cứ của chính quyền tỉnh

Ông Phạm Sỹ Thảo, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương cho biết, thực ra người dân mất đất ở Lai Vu đã nhận được khá nhiều sự ưu ái.

UBND tỉnh đã chỉ đạo hỗ trợ kinh phí với tổng số vốn hỗ trợ là 65,284 tỷ đồng cho các dự án, công trình của xã như: dự án phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng dâu nuôi tằm được hỗ trợ 1.660.292 triệu đồng; hỗ trợ các cơ sở hạ tầng như trụ sở UBND xã, trường học là 4.608,701 triệu đồng; xây dựng trạm y tế 3 tỷ đồng; hỗ trợ việc làm, xây dựng dự án thoát nước, giao thông, cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Ngoài ra còn quy hoạch 50 ha đất nông nghiệp tại xã Cộng Hòa (huyện Kim Thành) và cải tạo 20 ha đất ngoài đê để người dân Lai Vu sản xuất nông nghiệp.

Một việc chưa có trong tiền lệ là số tiền 20,436 tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng cho 316 hộ dân nhưng các hộ chưa nhận và số tiền lãi suất phát sinh từ số tiền này tính đến ngày 31/12/2011 là 19,252 tỷ đồng đã được Công ty TNHH Một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu chuyển đầy đủ vào tài khoản Ban Giải phóng mặt bằng huyện Kim Thành. Như vậy ngoài tiền đền bù gốc, 316 hộ dân này còn được hưởng tiền lãi suất phát sinh được tính theo lãi suất ngân hàng cho gần 10 năm qua.

Ngay trong giá đền bù, theo Nghị định 22/CP thì hệ số K được xác định là 0,907 nhưng UBND tỉnh Hải Dương đã nâng hệ số K lên bằng 1 để người dân có lợi và mức giá đền bù là 19.300 đồng/m2. Nếu cộng cả tiền bồi thường đào tạo nghề là 6.700 đồng/m2, tiền UBND xã Lai Vu hỗ trợ 10.850 đồng/m2 thì đất nông nghiệp hạng 1 của Lai Vu nhận được 36.850 đồng/m2 và hạng 2 nhận được 34.350 đồng/m2. Ngoài ra UBND tỉnh Hải Dương và chủ đầu tư còn hỗ trợ 1 triệu đồng/học viên đào tạo nghề cho xã Lai Vu.

Ông Phạm Sỹ Thảo nhấn mạnh, nếu so sánh với các dự án khác của Hải Dương thì đây là mức bồi thường, hỗ trợ cao nhất tại thời điểm đó.

Bài toán khó giữa chính quyền và dân


Như vậy, giữa chính quyền tỉnh Hải Dương và 316 hộ dân xã Lai Vu chưa tìm  được tiếng nói chung. Trong khi đó ông Bùi Ngọc Lợi, Bí thư Đảng ủy xã Lai Vu lại đang lo lắng cho tình hình an ninh trong xã.

Ông Lợi cho biết, diện tích mà khu công nghiệp Lai Vu lấy chiếm tới 85% đất canh tác của toàn xã nên người dân trong xã khó tránh khỏi khó khăn trong đời sống.

Hiện toàn xã còn có 37 ha đất lúa và gần 30 ha hoa màu nhưng đất không đẹp nên năng suất không cao. Người dân không chịu nhận đất canh tác tại xã Cộng Hòa vì cho rằng đó không phải là đất của xã mình, sẽ rủi ro sau này, việc đi làm đồng lại xa, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã quan tâm giải quyết việc làm như đã mở 3 lớp học đan lát, móc len sợi cho gần 300 người và 3 lớp chăn nuôi thú y, 3 lớp đào tạo nghề cơ khí được mở ra nhưng phần lớn học xong rồi để đấy vì không có việc làm.

Ông Lợi tha thiết, cần có một chính sách lao động phù hợp, nếu không người dân Lai Vu chẳng biết dựa vào nghề gì để sinh sống dài lâu. 10 năm, hơn 200 ha đất ở một trong những vị trí đẹp nhất của tỉnh Hải Dương bị bỏ hoang, đó là một sự lãng phí lớn mà thiệt hại cho cả nguồn thu ngân sách Nhà nước và người dân Lai Vu. Chỉ cần hai dự án May Tinh Lợi và Dệt Paciffic Crystal đã giải quyết được việc làm cho gần 23.000 lao động địa phương, bên cạnh đó là sự phát triển của các dịch vụ phục vụ khu công nghiệp... Đó là cơ hội lớn người dân Lai Vu cần nắm bắt.

Bài toán khó song không thể không có lời giải.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)