16:13 29/12/2010

Làm ăn kém, thưởng Tết khó mà cao được!

Vũ Quỳnh

Cuối năm 2010, việc nhiều doanh nghiệp thật sự gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến "hầu bao" cho việc thưởng Tết Tân Mão

Thưởng Tết đang có mức chênh lệch rất lớn.
Thưởng Tết đang có mức chênh lệch rất lớn.
Làm ăn kém là một trong những lý do đầu tiên được các doanh nghiệp đưa ra khi giải thích cho thực tế thưởng Tết năm nay thấp hơn năm ngoái.

Mặc dù năm nay mức thưởng tết cao nhất lên đến 532 triệu đồng, thuộc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Tp.HCM, cao hơn mức cao nhất của năm ngoái là 111 triệu, nhưng mặt bằng chung vẫn được nhìn nhận là thấp hơn.

Đã có sự "đổi ngôi"

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp.HCM đã thông báo tình hình thưởng Tết năm 2011 trên cơ sở tổng hợp số liệu từ báo cáo của 1.140 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn thành phố.

Theo đó, đối với 909 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp - khu chế xuất, thưởng tết cao nhất thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 532 triệu đồng, thấp nhất là 1,5 triệu đồng, bình quân là 2,7 triệu đồng.

Đối với 231 doanh nghiệp  nằm trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, mức thưởng cao nhất thuộc về doanh nghiệp trong nước với mức 376 triệu đồng, thấp nhất là 900 nghìn đồng, bình quân 1,9 triệu đồng. Các doanh nghiệp FDI nằm trong khu vực này có  mức thưởng cao nhất là 120 triệu đồng, thấp nhất 1,2 triệu đồng và bình quân là 1,6 triệu đồng.

Trong số này, có 121 doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả lương, thưởng năm 2011. Nguyên nhân là do kinh doanh thua lỗ, không thu hồi được công nợ, quyết toán công trình chậm… ảnh hưởng đến tình hình tài chính cuối năm, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Vĩnh, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hà Trang cho biết, tỷ giá biến động thất thường gây không ít khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là các mặt hàng nhập bằng USD mà bán bằng VND.

Ông Vĩnh cho rằng, vì thế công ty cũng phải “thắt lưng buộc bụng” cho một cái Tết Tân Mão, khó để có một mức thưởng cao hơn năm ngoái.

Tình hình tại Công ty Hà Trang cũng là thực trạng chung cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo của các doanh nghiệp cho biết, họ vẫn cố gắng thực hiện việc trả lương, thưởng cho người lao động đúng thời hạn và đúng thỏa thuận đã được ghi tại thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động.  
 
Đánh giá về tình hình lương thưởng tại Tp.HCM, ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đang có một sự khác biệt trong việc chi tiền thưởng năm nay. Nếu như năm 2007, 2008 mức thưởng cao thuộc về các doanh nghiệp chứng khoán, ngân hàng, địa ốc, năm 2009 là các ngân hàng thì năm nay mức thưởng cao nhất lại thuộc về nhiều ngành sản xuất  như điện tử, sản xuất sữa, nhựa, dịch vụ giao nhận, kinh doanh địa ốc và kinh doanh vàng.

Cũng theo ông Xê thì nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Tp. HCM “kêu” họ thật sự gặp khó khăn.

Thưởng cao để "giữ chân" lao động

Trao đổi với VnEconomy, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mặc dù thông tin thị trường lao động ở Việt Nam chưa thật sự cập nhật và chi tiết song vẫn dễ dàng nhận thấy một điều, doanh nghiệp tại một số ngành thâm dụng và đang khan hiếm lao động bắt đầu chú trọng hơn đến chuyện thưởng Tết. Thay vì để ra Tết tìm kiếm lao động thì  họ đã biết thưởng Tết cao để "giữ chân" họ.

Nhận xét của bà Minh trùng hợp với thực tế  nhu cầu sử dụng lao động trong một số ngành tại Tp.HCM năm 2010.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực của thành phố này, ngành điện tử có nhu cầu tuyển dụng cao, chiếm 5,96% tổng nhu cầu tuyển dụng, ngành nhựa chiếm 10,52%, cao nhất trong 36 ngành nghề được xếp loại…đều là những ngành có mức thưởng Tết cao.

Đối với các ngành sản xuất gia công như dệt may, da giầy, thủy sản, mặc dù không phải là những ngành “hot” như bất động sản, tài chính nhưng tình hình khan hiếm lao động diễn ra quanh năm cũng khiến họ có cái nhìn dài hơi hơn trong việc trả lương, thưởng.

Một số doanh nghiệp may mặc cho biết, với mức thưởng một tháng lương năm nay với họ là không khó. Thậm chí, nhiều công ty may còn “hào phóng” thưởng Tết đến 3 tháng lương.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May 10  lạc quan thông báo, năm nay ngành dệt may đạt được nhiều thuận lợi như kim ngạch xuất khẩu về đích sớm, nhiều đơn đặt hàng cho năm 2011 đã ấn định đến tháng 6... Vì thế,  đời sống cũng như mức thưởng tết cho công nhân cũng khả quan hơn, nhiều công nhân có mức thưởng xấp xỉ 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), dù ngành dệt may, da giầy có cố gắng để tăng mức tiền lương, tiền thưởng thì những ngành gia công này vẫn nằm trong top ngành có thu nhập thấp, đời sống công nhân vẫn vô cùng khó khăn.