Làm lộ, lọt đề thi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Hai thí sinh làm lộ, lọt đề thi môn Toán, Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đã bị đình chỉ thi. Còn các cán bộ liên quan bị tạm dừng nhiệm vụ coi thi.
Sáng 29/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin về việc xử lý thí sinh chụp đề thi gửi qua mạng. Theo đó, vào ngày 28/6 và buổi thi môn Toán vào chiều cùng ngày, có sự việc đề thi bị chụp ảnh và gửi qua mạng.
Ngay khi tiếp nhận thông tin trên, Ban chỉ đạo Kỳ thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) của Bộ Công an, các Ban chỉ đạo cấp tỉnh liên quan xác minh làm rõ sự việc.
Theo thông tin từ A03 của Bộ Công An, đã xác định được 1 thí sinh làm bài thi môn Ngữ Văn tại tỉnh Cao Bằng và 1 thí sinh làm bài thi môn Toán tại tỉnh Yên Bái đã dùng điện thoại chụp ảnh đề thi và gửi qua mạng. Hiện Cục A03 của Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với Ban chỉ đạo Kỳ thi cấp quốc gia, cấp tỉnh, địa phương và các bên liên quan để tiếp tục xác minh, điều tra và xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật.
Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng thi liên quan đình chỉ thi 2 thí sinh trên do vi phạm quy chế thi, đồng thời tạm dừng nhiệm vụ coi thi đối với các cán bộ liên quan.
“Sự việc trên không ảnh hưởng đến Kỳ thi vì theo kết quả xác minh sự việc, đây là hành vi sai phạm của cá nhân các thí sinh và hiện chưa ghi nhận có thông tin giải đề hoặc hướng dẫn giải đề từ bên ngoài gửi vào phòng thi”, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay.
Ngay sau khi kết thúc ngày thi thứ nhất, cùng với việc lưu ý các Hội đồng thi tiếp tục tăng cường phương án phòng ngừa thiết bị công nghệ cao để hạn chế tối đa việc có thể gian lận trong phòng thi, quản lý chặt chẽ đề thi theo quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công điện số 1111/CĐ-BGDĐT về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn Kỳ thi gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo quy định tại Điều 1 Quyết định 809/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thí chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai nằm trong danh mục bí mật Nhà nước độ Tối mật.
Khi những tài liệu này chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố mà do một cá nhân làm lộ ra bên ngoài thì có thể bị coi là có hành vi làm lộ bí mật của Nhà nước.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết, tuỳ theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, người làm lộ đề thi có thể bị xem xét kỷ luật theo quy định của cơ quan công tác, bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hành chính, theo khoản 4, khoản 5 Điều 19 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức có hành vi làm lộ bí mật Nhà nước có thể bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với cá nhân; từ 40-60 triệu đồng với tổ chức, đồng thời bị buộc gỡ bỏ tài liệu bí mật Nhà nước đã làm lộ.
Với các hành vi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đơn cử như vụ việc 2 giảng viên ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thuộc “phím” đề thi môn Sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 cho người thân, quen bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Hai giảng viên này là thành viên tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và Hội đồng ra đề thi môn Sinh học. Cả hai đã lợi dụng chức vụ để mang tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi, sắp xếp câu hỏi vào các vị trí để được rút ra làm nguồn đề thi chính thức thức và định hướng chọn các tổ hợp câu hỏi do mình biên soạn để xây dựng thành đề thi chính thức. Sau đó, họ dùng câu hỏi trên để giảng dạy, ôn thi cho 8 học sinh lớp 12.
Theo cơ quan tố tụng, hai bị can này có động cơ cá nhân, làm trái công vụ, xâm phạm trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến thiếu tính công bằng trong kỳ thi.