08:54 19/08/2022

Lạm phát gần 80%, Thổ Nhĩ Kỳ gây sốc khi hạ lãi suất

Ngọc Trang

Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBRT) ngày 18/8 đã gây sốc cho thị trường khi quyết định hạ lãi suất cơ bản, bất chấp lạm phát tại nước này đang ở mức gần 80%...

Một người đàn ông bán dép ở Eminonu, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5/5/2022 - Ảnh: Getty Images
Một người đàn ông bán dép ở Eminonu, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5/5/2022 - Ảnh: Getty Images

Đồng nội tệ Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 0,9% so với đồng USD, giao dịch ở mức hơn 18,1 Lira đổi 1 USD sau thông báo hạ lãi suất của CBRT - một mức thấp kỷ lục.

Sau 7 tháng duy trì ở mức 14%, lãi suất cơ bản tại quốc gia này đã được hạ xuống 13% - động thái đi ngược với xu hướng tăng lãi suất để chống lạm phát của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới.

“Lại một động thái ngu ngốc khác”, ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại BlueBay Asset Management, bình luận về động thái của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ trên Twitter. “Thật điên rồ khi lạm phát gần 80% nhưng vẫn hạ lãi suất tới 1 điểm phần trăm xuống còn 13%. Tất nhiên họ có tiền mặt từ Nga và vùng Vịnh và cho rằng mình có thể hạ lãi suất mà vẫn giữ giá đồng Lira”.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua đã có nhiều hoạt động đàm phán ngoại giao với các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ, hàn gắn mối quan hệ có phần căng thẳng trước đó nhằm thu hút đầu tư. Quốc gia này cũng vẫn nhiệt tình mở cửa cho hoạt động kinh doanh và thương mại với Nga, bất chấp các biện pháp cấm vận của phương Tây do cuộc chiến ở Ukraine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - Ảnh: Reuters
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - Ảnh: Reuters

Trước đó, các nhà phân tích dự báo nước này sẽ không điều chỉnh lãi suất. Do đó, việc ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ hạ lãi suất đã gây bất ngờ lớn cho thị trường. Chỉ số BIST của chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ đã đảo ngược đà tăng trong phiên giao dịch 18/8, sụt 0,8% sau quyết định trên, nhưng một giờ sau lại tăng 0,2%, theo dữ liệu của Reuters.

Trong thông báo ngày 18/8, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng cơ quan này kỳ vọng "quá trình giảm lạm phát sẽ bắt đầu” và “có những tín hiệu cho thấy các hoạt động kinh tế bất động lực”.

Lạm phát tháng 7 của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 79,6% so với cùng kỳ năm trước – mức cao nhất trong 24 năm. Quốc gia này đang phải vật lộn với giá cả thực phẩm và năng lượng leo thang chóng mặt. Cách đây 5 năm, tỷ giá đồng Lira so với đồng USD là 3,5/1, nhưng giờ đây tỷ giá là 18/1.

Giá cả tiêu dùng tăng mạnh đang bóp nghẹt cuộc sống của 84 triệu người đân nước này và không nhiều người hy vọng mọi thứ sớm được cải thiện vì chiến tranh Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn, giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu tăng lên cũng như động Lira đang mất giá đáng kể.

 

Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ đối mặt nhiều rắc rối hơn nữa phía trước. Động thái này (giảm lãi suất) có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tiền tệ mới.

Thâm hụt tài khoản vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng lớn, cùng với đó là nợ nước ngoài ngắn hạn lớn và dự trữ ngoại hối thấp đến mức nguy hiểm.

Nhà kinh tế Jason Tuvey, Capital Economics

Những năm trước, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng nhanh, nhưng vài năm gần đây, Tổng thống Tayyip Erdogan kiên quyết không thắt chặt chính sách tiền tệ để hạ nhiệt lạm phát. Ông mô tả lãi suất là “mẹ của mọi tội ác”.

Kết quả là đồng nội tệ Lira sụt mạnh và sức mua của người dân nước này giảm đáng kể. Từ đầu năm đến nay, đồng Lira đã giảm 26% giá trị so với đồng USD và giảm 80% trong 5 năm qua.

Ông Erdogan đã chỉ đạo ngân hàng trung ương liên tục giảm lãi suất cho vay trong năm 2020 và 2021, kể cả khi lạm phát tiếp tục tăng. Những người đứng đầu ngân hàng trung ương phản đối việc này đều bị sa thải. Trong vòng 2 năm tính tới mùa xuân năm 2021, ngân hàng trung ương nước này đã thay thống đốc 4 lần.

Theo các nhà phân tích, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện một loạt các biện pháp phi truyền thống để cố gắng nâng giá đồng Lira, trong đó chủ yếu liên quan tới việc chi tiêu dự trữ ngoại hố hoặc ngăn chặn các khoản vay bằng đồng Lira cho những công ty được cho là đang nắm giữ quá nhiều ngoại tệ. Đây là các biện pháp mà nhiều nhà kinh tế cảnh báo là thiếu bền vững.

“Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ đối mặt nhiều rắc rối hơn nữa phía trước. Động thái này (giảm lãi suất) có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tiền tệ mới”, ông Jason Tuvey, nhà kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Capital Economics (London, Anh) nhận định trong một báo cáo ngày 18/8. “Thâm hụt tài khoản vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng lớn, cùng với đó là nợ nước ngoài ngắn hạn lớn và dự trữ ngoại hối thấp đến mức nguy hiểm. Nếu CBRT tiếp tục hạ lãi suất trong những tháng tới, chúng tôi ngờ rằng nước này sẽ chuyển sang thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn mạnh tay hơn nữa”.