16:47 24/02/2009

Lạm phát tăng hơn nhưng đã hết lực đẩy

Anh Quân

Đúng như dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này lại “ngược dòng” mạnh mẽ, khi tăng 1,17% so với tháng trước

Có hai sự kiện tác động mạnh đến chỉ số giá của tháng 2/2009, đó là Tết Nguyên đán Kỷ Sửu và rằm tháng riêng. Nhiều mặt hàng lương thực và thực phẩm đã tăng mạnh, kéo giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đồng loạt lên mức cao - Ảnh: AP.
Có hai sự kiện tác động mạnh đến chỉ số giá của tháng 2/2009, đó là Tết Nguyên đán Kỷ Sửu và rằm tháng riêng. Nhiều mặt hàng lương thực và thực phẩm đã tăng mạnh, kéo giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đồng loạt lên mức cao - Ảnh: AP.
Đúng như dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này lại “ngược dòng” mạnh mẽ, khi tăng 1,17% so với tháng trước.

Đây là tháng thứ hai liên tiếp, CPI thể hiện xu hướng tăng (tháng 1/2009 tăng 0,32%). Còn trước đó, chỉ số giá đã kéo dài thành một chu kỳ giảm trong ba tháng liên tiếp cuối năm 2008.

Có hai sự kiện tác động mạnh đến chỉ số giá của tháng 2/2009, đó là Tết Nguyên đán Kỷ Sửu và rằm tháng Giêng. Nhiều mặt hàng lương thực và thực phẩm đã tăng mạnh, kéo giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đồng loạt lên mức cao.

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 2/2009, so với tháng trước đó, đã tăng 1,67%. Trong nhóm, chỉ số giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tháng này tăng khá mạnh, đạt mức 2,63%. Chỉ số giá các mặt hàng thực phẩm tăng 1,72%, chủ yếu do tăng giá các loại thịt gia súc, gia cầm và thực phẩm chế biến. Chỉ số giá lương thực cũng đã tăng 0,82% do giá gạo, lương thực chế biến như bún, phở, mỳ… tăng cao.

Cao hơn mức tăng của chỉ số chung còn có hai nhóm khác, đó là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,59%, chủ yếu do giá gas tăng mạnh; nhóm đồ dùng và dịch vụ khác tăng 2,01% do giá các dịch vụ cho nhu cầu cá nhân tăng trong dịp Tết.

Tách biệt với nhóm hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu trong dịp Tết, có hai nhóm chỉ số giảm trong tháng này, đó là nhóm phương tiện đi lại, bưu điện giảm 0,05% và nhóm văn hóa, thể thao, giải chí giảm 0,07%. Ngoài ra, những nhóm còn lại tăng thấp hơn chỉ số chung, từ 0,04% đến 0,8%.

Trở lại với chỉ số giá tháng này, mức tăng trên 1% đã được một chuyên gia từ Tổng cục Thống kê nhận định cách đây gần 2 tháng, trong một cuộc trao đổi với VnEconomy.

Cũng vị chuyên gia này cho rằng chỉ số giá tháng 2/2009 so với tháng 12/2008 sẽ vào khoảng 1,5%. Tức là so với con số công bố hiện nay đã khá chính xác. Như vậy, có thể cho rằng diễn biến CPI đang đi đúng quy luật và có thể dự báo.

Liên quan đến chỉ số giá các tháng tới, căn cứ vào nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành thống kê, có thể cho rằng với xu thế tiêu dùng không còn tăng mạnh và nguồn cung hàng hóa vẫn còn nhiều, chỉ số giá tháng 3/2009 sẽ không đủ “lực đẩy” để tăng cao như trong tháng 2/2009.

Hơn nữa, thông thường thì sau một tháng tết tăng cao, CPI tháng tiếp sau bao giờ cũng tăng thấp hơn, thậm chí có năm giảm. Và quy luật này nhiều khả năng sẽ xảy ra trong năm nay.

Sự kiện giá rau giảm mạnh mẽ, nhiều người trồng rau thậm chí phải đổ ra ruộng, cho thấy thị trường đã xuất hiện dấu hiệu thừa cung ở một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Và với việc giảm giá của một loạt mặt hàng quan trọng trong thời gian gần đây, CPI tháng 3 tới sẽ có thêm “lý do” để giảm tốc.

* Mặc dù tăng khá cao so với tháng trước, nhưng mức tăng CPI tháng 2 vẫn thấp hơn con số tương ứng trong tháng 2/2008 (tăng 3,56%), và trong tháng 2/2007 (tăng 2,17%). Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 2/2009 đã tăng tới 14,78%. CPI bình quân hai tháng đầu năm 2009 so với hai tháng đầu năm 2008 tăng 16,13%.