07:47 23/11/2024

Làm rõ đề xuất xây biệt thự ven hồ Than Thở tại Đà Lạt

Ban Mai

Dự án “Nâng cấp, phục hồi cảnh quan khu du lịch hồ Than Thở” tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, có quy mô 118 ha, gồm khu vực bảo vệ di tích là 31,5 ha, còn lại là khu vực nâng cấp, tôn tạo và khai thác…

Khu vực Hồ Than Thở, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Khu vực Hồ Than Thở, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án “Nâng cấp, phục hồi cảnh quan khu du lịch hồ Than Thở” tại phường 12, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, do Công ty TNHH Thùy Dương làm chủ đầu tư.

Theo giấy chứng nhận đầu tư năm 2010, dự án có quy mô sử dụng đất 118 ha, bao gồm: đất bảo vệ di tích khu vực 01 khoảng 31,5 ha; đất khu vực 02 khoảng 86,5 ha (nâng cấp, tôn tạo, khai thác...). Tổng vốn đầu tư dự án hơn 29,6 tỷ đồng, tiến độ thực hiện 03 năm.

Trong đề xuất ban đầu, dự án không quy hoạch xây dựng các công trình nghỉ dưỡng, thấp tầng, khách sạn… bên hồ Than Thở.

Liên quan đến dự án này, UBND tỉnh Lâm Đồng trước đó cũng đã gửi văn bản tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo hướng tăng tổng vốn đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án, bổ sung đầu tư khu đô thị nghỉ dưỡng, tham quan giải trí và tổ hợp khách sạn nhằm phục vụ du khách trong, ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng.

Cụ thể, theo hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 4.544 tỷ đồng, gấp 151 lần phê duyệt ban đầu. 

Công ty đề xuất điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án tách thành 02 giai đoạn. Giai đoạn 01 quy mô khoảng 39 ha thực hiện từ quý 2/2024 đến quý 1/2026, giai đoạn 02 quy mô gần 79 ha thực hiện từ quý 2/2024 đến quý 1/2027. Trong đó, đề nghị bổ sung đầu tư khu đô thị nghỉ dưỡng, tham quan giải trí và tổ hợp khách sạn.

Sau khi hoàn thành, dự án điều chỉnh sẽ trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế và khu vực, phù hợp với không gian lễ hội hoa và ánh sáng đặc trưng của vùng đất Đà Lạt; đầu tư xây dựng các công trình đô thị nghỉ dưỡng, thăm quan giải trí…, nhằm phục vụ du khách trong nước và quốc tế đến lưu trú, thăm quan nghỉ dưỡng…

Tuy nhiên, theo văn bản của Bộ Xây dựng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng cho rằng trong 118 ha đất thuộc dự án có khoảng 39 ha đã có quy hoạch chi tiết 1/500 (được phê duyệt tại Quyết định số 3151/QĐ-UBND ngày 20/10/2023 của UBND TP. Đà Lạt) không quy hoạch việc xây dựng các công trình trên đất đô thị hỗn hợp, dịch vụ; đất lưu trú và nghỉ dưỡng (công trình nghỉ dưỡng thấp tầng, khách sạn…).

Đối với phần diện tích còn lại của dự án (ngoài 39 ha) không có thông tin quy hoạch chi tiết được phê duyệt. 

Ngoài ra, trong hồ sơ tài liệu cũng không có thông tin về các quy hoạch phân khu của khu vực thực hiện dự án được phê duyệt. 

Bộ Xây dựng cho rằng chưa đủ cơ sở đánh giá sự phù hợp việc điều chỉnh mục tiêu, quy mô của dự án, trong đó, có điều chỉnh bổ sung quy mô bao gồm việc xây dựng các công trình trên đất đô thị hỗn hợp, dịch vụ; đất lưu trú và nghỉ dưỡng (công trình nghỉ dưỡng thấp tầng, khách sạn…) so với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị tại khu vực thực hiện dự án.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị chủ đầu tư làm rõ cơ cấu, số lượng sản phẩm, xác định phương án, hình thức kinh doanh đối với các công trình nghỉ dưỡng thấp tầng, khách sạn… để kinh doanh du lịch hoặc để bán, cho thuê.

Ngoài ra, mục tiêu của dự án là nâng cấp, phục hồi cảnh quan hồ nhưng lại xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng, khu liền kề nghỉ dưỡng, khách sạn. Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Lâm Đồng và Công ty TNHH Thùy Dương rà soát, đánh giá tính khả thi về thời gian thực hiện dự án, rà soát, chịu trách nhiệm đảm bảo sự phù hợp giữa đề xuất dự án với danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn tỉnh.

“Việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thuộc giai đoạn 02 (có 22,15 ha đất cho lưu trú, nghỉ dưỡng) cần có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Luật Di sản văn hóa”, văn bản Bộ Xây dựng nêu rõ.