17:33 12/10/2023

Làm rõ lý do "tiếp ít, ủy quyền nhiều” trong công tác tiếp công dân

Hà Lê

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong năm 2023, tình hình công dân đến cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng so với năm 2022.

Theo đó, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 37,5% so với năm 2022 với tổng số người được tiếp tăng 41,8% về hơn 294.000 vụ việc (tăng 33,2%). Tòa án nhân các cấp đã tiếp 285 lượt người về 253 vụ việc (không có đoàn đông người), trong đó: 170 vụ việc khiếu nại; 83 vụ việc tố cáo. 

Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính tiếp nhận 446.805 đơn các loại; đã xử lý 422.801 đơn. So với năm 2022, số đơn các loại tăng 29,6%, đơn khiếu nại tăng 20,5%, đơn tố cáo tăng 23,5%.

 

Các bộ, ngành, địa phương tiến hành 1.531 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm (tăng 20,7%) thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo; đã ban hành 1.283 kết luận thanh tra. Qua thanh tra kiến nghị xử lý hành chính đối với 233 tổ chức, 520 cá nhân; đã xử lý 190 tổ chức, 460 cá nhân.

Thời gian tới, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước tiếp tục xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm. Các cơ quan tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân, chủ động, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Qua Báo cáo của Chính phủ cho thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, đạt kết quả tích cực, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật đối với 81,8% vụ việc khiếu nại, 86,2% vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, Thường trực Ủy ban đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và những kết quả đạt được trong công tác này của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán nhà nước, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực.

Về công tác tiếp công dân, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ lý do của việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ “tiếp ít, ủy quyền nhiều”. 

Bên cạnh đó, trong Báo cáo gộp số ngày Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp trực tiếp tiếp công dân với số ngày ủy quyền cho cấp phó tiếp là chưa bảo đảm theo đúng theo quy định của Luật Tiếp công dân, chưa phản ánh chính xác trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc trực tiếp tiếp công dân.

Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, Chính phủ cần làm rõ lý do dẫn đến số lượng đơn thuộc trách nhiệm xử lý của bộ, ngành tăng cao, số đơn đủ điều kiện xử lý càng lên cấp cao càng giảm để có giải pháp khắc phục phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng của công tác này.

Qua phân tích số liệu kết quả giải quyết tố cáo, số tố cáo có nội dung đúng chiếm 23,5%, so sánh với tỷ lệ năm 2022 là 18,7% cho thấy tình hình sai phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức cao hơn năm trước.

Bên cạnh đó, số tố cáo tiếp có nội dung đúng chiếm 33,5%, so sánh với năm 2022 là 36,1% cho thấy tỷ lệ sai sót trong giải quyết tố cáo lần đầu của các cơ quan nhà nước tuy có giảm, nhưng vẫn còn cao. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp phù hợp, quyết liệt hơn nữa để nâng cao chất lượng của công tác giải quyết tố cáo.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh rõ tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, với nhiều số liệu cụ thể; đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; trên cơ sở đó đề ra một số giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa đạt yêu cầu (chỉ đạt 45%). Do đó, bà Lê Thị Nga đề nghị cần làm rõ, công khai những đơn vị mà người đứng đầu không trực tiếp tiếp công dân, kể cả cấp tỉnh, thủ trưởng, bộ trưởng các bộ, ngành. Nếu công khai thì tình hình tiếp công dân năm sau sẽ chuyển biến tích cực.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, so với năm 2022, số người, vụ việc và đoàn đông người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh năm 2023 tăng mạnh; theo đó, tăng 37,5% về số lượt, 41,8% về số người và 33,2% về số vụ việc. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị phân tích, làm rõ nguyên nhân của tình trạng này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý Báo cáo bổ sung rõ “địa chỉ” cá nhân, cơ quan, đơn vị chưa trực tiếp tiếp công dân để xác định trách nhiệm, có chế tài xử lý thích hợp; từ đó giúp cho công tác này chuyển biến tích cực hơn.

Qua tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, đối với các vụ việc khiếu nại đông người kéo dài liên quan đến đất đai nông lâm trường, các giải pháp chưa thể hiện sự căn cơ, cụ thể, nhất là vấn đề hoàn thiện, tổ chức và thi hành pháp luật. Cho rằng đây là khâu cốt lõi để giải quyết căn bản kiến nghị của cử tri, khiếu nại của người dân, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị quan tâm, làm rõ vấn đề này…