20:07 10/11/2021

Làm thế nào để vừa chống dịch vừa sản xuất hiệu quả?

Vũ Khuê

Doanh nghiệp Hà Nội đã bắt đầu hoạt động trở lại sau thời gian “ngủ đông” dài, nhưng “gánh nặng” vẫn đè trên vai khi doanh nghiệp vừa sản xuất vừa “căng mình” chống dịch...

Áp lực với doanh nghiệp logistics vừa phải đảm bảo thời gian giao hàng vừa phải thực hiện đầy đủ các nguyên tắc an toàn 5K
Áp lực với doanh nghiệp logistics vừa phải đảm bảo thời gian giao hàng vừa phải thực hiện đầy đủ các nguyên tắc an toàn 5K

Ngày 9/11 Hà Nội đã ghi nhận số F0 cao nhất từ khi dịch bùng phát với 222 ca bệnh. Nhiều ổ dịch mới phức tạp cũng đã xuất hiện trên địa bàn thành phố từ sau khi nới lỏng giãn cách. 

Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng sẽ tiếp tục phải “căng mình” chống dịch khi vừa quay trở lại sản xuất trong khi “sức khỏe” doanh nghiệp còn rất yếu. 

LO DỊCH BỆNH LAN RỘNG ẢNH HƯỞNG TỚI SẢN XUẤT

Báo cáo của UBND TP Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2021 và kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới chỉ rõ, sự phục hồi sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Thành phố gặp một số khó khăn. 

Cụ thể, các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, việc khôi phục chuỗi cung ứng cần chính sách đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Bên cạnh đó, giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu - đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và các công trình xây dựng có nhiều biến động, đặc biệt, thiếu nguồn cung lao động. Đó là chưa kể tới khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn do không có tài sản thế chấp hoặc phương án sản xuất kinh doanh không khả thi trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch…

Kết quả khảo sát nhanh đến ngày 27/10/2021 do Cục Thuế Thành phố Hà Nội thực hiện đối với 28.377 doanh nghiệp trên địa bàn cũng cho thấy, chỉ có 30,4% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang hoạt động bình thường, tốt; trên 25% số doanh nghiệp có khó khăn về tiếp cận nguồn vốn; 30% có khó khăn do phát sinh chi phí chống dịch; trên 14% gặp khó khăn do thiếu nguồn lao động trở lại làm việc sau dịch; trên 20% không mua được nguyên liệu hoặc phải mua với giá cao…

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, dịch bệnh đã làm giảm mạnh hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp logistics. Không những thế, chi phí chống dịch khá cao khiến các doanh nghiệp trong hiệp hội đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. 

“Trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp logistics hiện tại chính là việc vừa phải đảm bảo thời gian giao hàng dự kiến vừa phải thực hiện đầy đủ các nguyên tắc an toàn 5K, điều này tạo áp lực về cả vật chất lẫn tinh thần cho cả đội ngũ”, đại diện VLA cho biết.

Đáng chú ý, ngay cả những doanh nghiệp có lợi thế chuyển đổi số và hoạt động trên nền tảng công nghệ như thương mại điện tử cũng không tránh khỏi các khó khăn này. 

“Là đơn vị bán lẻ, nên khi các đơn vị sản xuất đều hoạt động ổn định trở lại thì chúng tôi mới phát triển được. Chúng tôi đang rất lo lắng vì dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp trên diện rộng trong khi doanh nghiệp hoạt động “trong trạng thái bình thường mới” chưa được bao lâu. Cộng thêm nữa, chi phí nhân công, quản lý trong giai đoạn này cũng rất tốn kém. Đặc biệt khi vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm, với tình hình hiện tại, việc giao nhận hàng hóa kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng”, đại diện một doanh nghiệp thương mại điện tử băn khoăn.

Với ngành gỗ, tình trạng còn bi đát hơn. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) thông tin, đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng 70 – 75% lao động của doanh nghiệp ngành gỗ đi làm trở lại. Công suất của các doanh nghiệp đạt 70-80% so với trước dịch. Song điều đáng buồn hơn là việc người lao động chậm trở lại làm việc do tỷ lệ tiêm vaccine chưa cao, một số địa phương đang có dấu hiệu gia tăng ca nhiễm Covid-19 khiến người lao động e ngại… cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất của doanh nghiệp. 

TẠO THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP “MỞ CỬA”

Để tháo gỡ khó khăn, cũng như tạo tâm lý yên tâm cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong thời điểm này, tại hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19” mới đây, TP Hà Nội cam kết sẽ đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cùng doanh nghiệp bứt phá.

Song nhiều doanh nghiệp Hà Nội bày tỏ nguyện vọng chính quyền Thành phố sẽ gia tăng thêm các biện pháp hỗ trợ về phòng chống dịch đặc thù tại các khu công nghiệp, khu chế xuất bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi về mặt lưu thông hàng hóa để doanh nghiệp và người lao động yên tâm tập trung sản xuất.

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội kiến nghị, thành phố cần nhanh chóng có các giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để khôi phục, phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. 

Đồng thời, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vaccine đối với các doanh nghiệp. Có hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ đối với khu vực kinh tế này, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát triển có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Sơn, cần chủ động xây dựng các phương án hoạt động để đối phó kịp thời với các diễn tiến của dịch Covid-19, nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động và khả năng chống chọi với dịch bệnh để phát triển bền vững.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10 cho rằng, quan trọng nhất của phục hồi hiện nay là được duy trì sản xuất liên tục, với hệ thống y tế cơ sở mạnh. Do đó, đại diện May 10 đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn với những doanh nghiệp y tế cơ sở trong việc tự xử lý các trường hợp nhẹ.

Riêng với các doanh nghiệp thương mại điện tử, các ý kiến cho rằng, dù gặp phải một số khó khăn nhất định nhưng đây vẫn là lĩnh vực cần được hỗ trợ, ưu tiên phát triển về lâu dài, vì đây là xu hướng chung của thế giới, là hình thức mua sắm an toàn trong bối cảnh dịch bệnh và hiện đại ngày nay.