10:22 04/10/2023

Lần đầu tiên trong lịch sử: Chủ tịch Hạ viện Mỹ mất chức sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

An Huy

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy bị lật đổ trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được khởi xướng bởi chính một nghị sỹ cùng đảng Cộng hoà...

Ông Kevin McCarthy phát biểu trước báo giới ngày 3/10 tại Capitol Hill, Washington DC - Ảnh: Bloomberg.
Ông Kevin McCarthy phát biểu trước báo giới ngày 3/10 tại Capitol Hill, Washington DC - Ảnh: Bloomberg.

Hạ viện Mỹ ngày 3/10 bất ngờ tước vai trò Chủ tịch của nghị sỹ Cộng hoà Kevin McCarthy, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử viện này lật đổ thủ lĩnh bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Ông McCarthy đến từ bang California mất ghế Chủ tịch Hạ viện Mỹ sau khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm vào ông cho kết quả 216 phiếu thuận và 210 phiếu chống.

Cuộc bỏ phiếu chống lại ông McCarthy được khởi xướng bởi hạ nghị sỹ Matt Gaetz đến từ bang Florida, một đối thủ chính trị lâu năm cùng đảng Cộng hoà với ông. Một nhóm nhỏ gồm 8 nghị sỹ Cộng hoà thuộc phái bảo thủ đã gia nhập cùng tất cả các nghị sỹ Dân chủ bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với vị thủ lĩnh Hạ viện.

Ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, nghị sỹ Cộng hoà Patrick McHenry đến từ bang Bắc Carolina, một đồng minh thân cận của ông McCarthy và là Chủ tịch của Uỷ ban Dịch vụ tài chính thuộc Hạ viện, tiếp quản vai trò Chủ tịch Hạ viện tạm thời.

Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin CNBC rằng ông McCarthy nói với các đồng nghiệp là ông sẽ không ra tranh cử ghế Chủ tịch Hạ viện lần nữa. Trong phát biểu đầu tiên sau khi mất cương vị này, ông McCarthy nói ông “sẽ chẳng thay đổi gì” và cảm thấy may mắn vì đã có khoảng thời gian giữ vai trò Chủ tịch Hạ viện.

Nỗ lực lật đổ ông McCarthy đã được khởi động một cách nhanh chóng vào hôm thứ Bảy tuần trước, sau khi ông giành một thắng lợi pháp lý bất ngờ là thuyết phục được phe Dân chủ gia nhập cùng các nghị sỹ Cộng hoà thông qua một dự luật ngân sách ngắn hạn nhằm chặn đứng nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa. Thắng lợi này của ông McCarthy làm hài lòng Nhà Trắng, nhưng lại “đổ thêm dầu vào lửa” vào sự bất mãn vốn dĩ đã căng thẳng bấy lâu của các thành viên cực hữu trong đảng Cộng hoà đối với sự lãnh đạo của ông.

Một số người ủng hộ ông McCarthy nói họ sẽ đề xuất tên ông trong vòng bầu cử Chủ tịch Hạ viện tiếp theo. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo khác của Đảng Cộng hoà cũng được xem là những ứng cử viên tiềm năng cho vị trí này, gồm ông Tome Emmer từ Minnesota hay ông Steve Scalise của Louisiana. Cả hai vị này đều được lòng hầu hết các nghị sỹ Cộng hoà.

Lần gần đây nhất Hạ viện Mỹ tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chủ tịch là vào năm 1910, nhưng Chủ tịch Hạ viện khi đó là ông Joseph Cannon đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu.

Chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện của ông McCarthy không hề êm ái kể từ khi ông được bầu vào cương vị này hồi tháng 2, do sự chống đối của một phe nhỏ do ông Gaetz dẫn đầu.

Một nguồn tin nói với CNBC rằng một số đồng minh của ông McCarthy đã “nài nỉ” một số nghị sỹ Dân chủ bỏ phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm giúp ông McCarthy giữ được ghế Chủ tịch. Tuy nhiên, họ đã không thuyết phục được các nghị sỹ Dân chủ này.

Ông Gaetz cho rằng ông McCarthy không còn đại diện cho lợi ích của đảng Cộng hoà sau khi ông bắt tay với đảng Dân chủ để thông qua dự luật ngân sách tạm thời.

Trước cuộc bỏ phiếu ngày 3/10, thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện, nghị sỹ Hakeem Jeffries đến từ bang New York, tuyên bố các hạ nghị sỹ của đảng này “sẽ bỏ phiếu thuận” cho nỗ lực của ông Gaetz nhằm lật đổ ông McCarthy. Và phe Dân chủ đã thực hiện đúng tuyên bố này.

“Giờ là lúc các thành viên đảng Cộng hoà phải chịu trách nhiệm kết thúc cuộc ‘nội chiến’ của họ ở Hạ viện”, ông Jeffries nói.

Hồi tháng 1, ông Gaetz từng de doạ sẽ phát động một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với ông McCarthy vì ông McCarthy hợp tác với phe Dân chủ để xử lý vấn đề nâng trần nợ quốc gia. Trao đổi với CNBC ngày 3/10, ông McCarthy nói ông Gaetz “có những vấn đề cá nhân trong cuộc sống mà ông ấy phải đương đầu”.

Cũng vào tháng 1, như một điều kiện nhằm giành đủ số phiếu để trở thành Chủ tịch Hạ viện, ông McCarthy nhất trí thay đổi quy định về số vòng bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm sa thải một người khỏi ghế Chủ tịch viện này từ 5 vòng xuống còn 1 vòng.