“Lặng lẽ” bỏ lãi suất cơ bản?
Bỏ quy định về lãi suất cơ bản, nhưng không có giải thích, trong khi đây là vấn đề liên quan đến các lợi ích và kinh tế vĩ mô
Sáng 16/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi.
Đây không phải lần đầu tiên lãi suất cơ bản là chủ đề “nóng” được đưa ra tại diễn đàn này.
4 lần kiến nghị sửa không xong
Năm 2008, hoạt động ngân hàng có một điều chỉnh căn bản liên quan đến cơ chế lãi suất: ngày 19/5/2008, Ngân hàng Nhà nước chính thức áp cơ chế cho vay đối với VND theo lãi suất tối đa 150% lãi suất cơ bản. Lãi suất thỏa thuận trước đó bị đóng lại, lãi suất cơ bản trở thành công cụ sinh động hơn, thay vì xơ cứng và chủ yếu chỉ mang tính tham khảo trước đó.
Ngày 23/1/2009, Ngân hàng Nhà nước có Thông tư số 01/2009/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với các khoản cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Theo đó, hoạt động cho vay áp song song 2 cơ chế trần và thỏa thuận cho các đối tượng khác nhau. Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thể bỏ hẳn lãi suất cơ bản để tự do hóa lãi suất một cách “hợp pháp”.
Đáng chú ý là trong suốt 4 năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp có 4 lần kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa, điều chỉnh một số điểm của các văn bản luật hiện hành để áp cơ chế lãi suất cho vay không lệ thuộc vào lãi suất cơ bản, hoặc có một giới hạn rộng hơn. Nguyên do, Điều 476 của Bộ luật Dân sự quy định mức lãi suất cho vay tối đa không vượt quá 150% lãi suất cơ bản.
Cụ thể, ngày 22/11/2006, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy thay mặt Chính phủ có từ trình số 15 đề nghị Thường vụ Quốc hội khóa 11 ra nghị quyết cho phép các tổ chức tín dụng không bị điều chỉnh bởi trần tại Điều 476 Bộ luật Dân sự. Kiến nghị này không được chấp thuận.
Ngày 15/2/2007, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có tờ trình số 13 đề nghị Thường vụ Quốc hội giải thích Điều 476 cũng theo hướng để điều luật này không điều chỉnh các tổ chức tín dụng. Kiến nghị này cũng không được chấp thuận bởi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng không thể giải thích theo ý muốn chủ quan của Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 23/3/2008, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tiếp tục có tờ trình số 23 kiến nghị Thường vụ Quốc hội sửa luật, không tuân theo Bộ luật Dân sự mà theo các văn bản luật điều chỉnh hoạt động ngân hàng, tránh Điều 476 của Bộ luật Dân sự. Kiến nghị này cũng không được chấp thuận.
Ngày 14/4/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lại có tờ trình Thường vụ Quốc hội sửa điều 476 bộ luật dân sự theo hướng nâng trần lãi suất cho vay lên 250% lãi suất cơ bản. Kiến nghị này cũng không được chấp thuận.
Và nay, trong dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, quy định về lãi suất hiện hành đã bị bỏ.
Theo bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, sau 4 lần trình nhưng không thông qua được, “lần này Ngân hàng Nhà nước lấy danh nghĩa Chính phủ chọn một giải pháp khác là lặng lẽ bỏ quy định về lãi suất cơ bản tại Điều 9 của luật hiện hành mà trong tờ trình của Chính phủ không có lời giải thích với Quốc hội là vì sao phải bỏ”.
Không đơn giản chỉ là lãi suất
Không riêng bà Nga, hầu hết các đại biểu tham gia thảo luận sáng nay đều đặt câu hỏi tại sao lại bỏ quy định về lãi suất cơ bản trong dự thảo luật. Các ý kiến đều cho rằng đây là vấn đề quan trọng, không chỉ liên quan đến việc định hướng lãi suất trên thị trường, mà còn ảnh hưởng tới các quan hệ tín dụng, đến quan hệ dân sự và hình sự, cũng như sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo đại biểu Phan Trung Lý, phải giữ lãi suất cơ bản trong Luật Ngân hàng Nhà nước, thậm chí phải quy định rõ vai trò, chức năng của nó. “Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều can thiệp thị trường tiền tệ bằng việc giữ và công bố lãi suất cơ bản. 3 - 4 năm nay Ngân hàng Nhà nước để các ngân hàng thương mại không thực hiện đúng Bộ luật Dân sự, nhiều lần đề nghị sửa đổi nhưng Quốc hội không sửa đổi. Phải xem lại việc thực hiện vấn đề này”, đại biểu Lý nhấn mạnh.
Hay theo đại biểu Trần Thế Vượng, hệ thống pháp luật có quy định tội danh cho vay nặng lãi, lãi suất cơ bản là một căn cứ để xác định. Nếu bỏ, hoặc loại trừ các tổ chức tín dụng khỏi Bộ luật Dân sự thì không thể, bởi mọi đối tượng đều bình đẳng trước pháp luật.
Bà Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh, lãi suất cơ bản ngoài là tiêu chí để xác định mức lãi suất cao nhất, căn cứ để xác định tội cho vay lãi nặng theo Điều 163 của Bộ luật Hình sự, còn là một công cụ để Nhà nước đã thể hiện vai trò định hướng của mình trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trong vay vốn, để các quan hệ này diễn ra một cách trật tự và lành mạnh, ổn định cơ bản thị trường tiền tệ, ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi…
“Từ năm 2006 đến nay tình trạng các tổ chức tín dụng cho vay vượt trần lãi suất cơ bản đã trở nên khá phổ biến. Điều này đặt các ngân hàng thương mại trước một nguy cơ bất lợi lớn về mặt pháp lý là nếu người đi vay kiện thì các hợp đồng vay sẽ bị tòa án tuyên vô hiệu và hậu quả là các ngân hàng sẽ không nhận được các phần lãi theo thỏa thuận.
Để giải quyết tình trạng trên, với vai trò là thành viên của Chính phủ, quản lý nhà nước về lĩnh vực này, thay vì phải xử lý các tổ chức vi phạm và bình ổn thị trường lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước lại ra tay cứu các tổ chức tín dụng bằng các động thái qua 4 lần kiến nghị sửa đổi”, bà Nga nói.
Bà Nga cho biết, những lần kiến nghị đó không được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chấp thuận bởi “nguyên nhân của những vi phạm trong thời gian qua của các ngân hàng thương mại cho vay vượt trần lãi suất không phải do lỗi của quy định về lãi suất cơ bản trong Luật Ngân hàng Nhà nước, cũng không phải do điều 476 Bộ luật Dân sự, mà chính là do Ngân hàng Nhà nước chưa làm rõ trách nhiệm, chưa nhận thức đúng ý nghĩa, vai trò của lãi suất cơ bản nên chưa sử dụng tốt công cụ này để điều tiết, ổn định thị trường tiền tệ và do các tổ chức tín dụng không thực hiện đúng quy định của Bộ luật Dân sự”.
“Từ năm 2006 đến nay, Ngân hàng Nhà nước theo đuổi một mục tiêu rất kiên trì là đưa các tổ chức tín dụng thoát khỏi sự điều chỉnh của bộ luật dân sự, hợp thức hóa các vi phạm của các tổ chức tín dụng và tự do hóa lãi suất. Vậy một câu hỏi được đặt ra là việc kiên trì đề nghị như vậy là nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích cho ai, cho Nhà nước và nhân dân, để ngăn chặn cho vay lãi nặng, ổn định thị trường tiền tệ hay bảo vệ lợi ích cục bộ của các tổ chức tín dụng?”, bà Nga đặt vấn đề.
Ngoài ra, nếu bỏ lãi suất cơ bản trong dự thảo luật, một số mâu thuẫn mà nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra là Nhà nước sẽ mất vai trò định hướng thị trường, có thể dẫn đến những cuộc chạy đua lãi suất huy động và lãi suất cho vay, gây rối loạn thị trường, đẩy người dân và doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao và góp phần làm mất giá đồng Việt Nam; không kiểm soát được tình trạng cho vay lãi nặng của các tổ chức tín dụng và trong dân cư; vô hiệu hóa 6 điều của Bộ luật Dân sự, 1 điều của Bộ luật Hình sự và đẩy hoạt động của cơ quan điều tra, kiểm sát và tòa án vào bế tắc vì không còn căn cứ để giải quyết các vụ việc.
Theo đó, một loạt câu hỏi được đặt ra là Chính phủ phải giải trình rõ với Quốc hội vì sao phải bỏ lãi suất cơ bản? Về vĩ mô, việc bỏ lãi suất cơ bản sẽ được gì và mất gì? Có gây mâu thuẫn gì trong hệ thống pháp luật? Kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này như thế nào?
Dự kiến, các vấn đề liên quan đến lãi suất cơ bản có thể sẽ tiếp tục được đề cập trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu vào sáng mai (17/11).
Đây không phải lần đầu tiên lãi suất cơ bản là chủ đề “nóng” được đưa ra tại diễn đàn này.
4 lần kiến nghị sửa không xong
Năm 2008, hoạt động ngân hàng có một điều chỉnh căn bản liên quan đến cơ chế lãi suất: ngày 19/5/2008, Ngân hàng Nhà nước chính thức áp cơ chế cho vay đối với VND theo lãi suất tối đa 150% lãi suất cơ bản. Lãi suất thỏa thuận trước đó bị đóng lại, lãi suất cơ bản trở thành công cụ sinh động hơn, thay vì xơ cứng và chủ yếu chỉ mang tính tham khảo trước đó.
Ngày 23/1/2009, Ngân hàng Nhà nước có Thông tư số 01/2009/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với các khoản cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Theo đó, hoạt động cho vay áp song song 2 cơ chế trần và thỏa thuận cho các đối tượng khác nhau. Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thể bỏ hẳn lãi suất cơ bản để tự do hóa lãi suất một cách “hợp pháp”.
Đáng chú ý là trong suốt 4 năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp có 4 lần kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa, điều chỉnh một số điểm của các văn bản luật hiện hành để áp cơ chế lãi suất cho vay không lệ thuộc vào lãi suất cơ bản, hoặc có một giới hạn rộng hơn. Nguyên do, Điều 476 của Bộ luật Dân sự quy định mức lãi suất cho vay tối đa không vượt quá 150% lãi suất cơ bản.
Cụ thể, ngày 22/11/2006, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy thay mặt Chính phủ có từ trình số 15 đề nghị Thường vụ Quốc hội khóa 11 ra nghị quyết cho phép các tổ chức tín dụng không bị điều chỉnh bởi trần tại Điều 476 Bộ luật Dân sự. Kiến nghị này không được chấp thuận.
Ngày 15/2/2007, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có tờ trình số 13 đề nghị Thường vụ Quốc hội giải thích Điều 476 cũng theo hướng để điều luật này không điều chỉnh các tổ chức tín dụng. Kiến nghị này cũng không được chấp thuận bởi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng không thể giải thích theo ý muốn chủ quan của Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 23/3/2008, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tiếp tục có tờ trình số 23 kiến nghị Thường vụ Quốc hội sửa luật, không tuân theo Bộ luật Dân sự mà theo các văn bản luật điều chỉnh hoạt động ngân hàng, tránh Điều 476 của Bộ luật Dân sự. Kiến nghị này cũng không được chấp thuận.
Ngày 14/4/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lại có tờ trình Thường vụ Quốc hội sửa điều 476 bộ luật dân sự theo hướng nâng trần lãi suất cho vay lên 250% lãi suất cơ bản. Kiến nghị này cũng không được chấp thuận.
Và nay, trong dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, quy định về lãi suất hiện hành đã bị bỏ.
Theo bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, sau 4 lần trình nhưng không thông qua được, “lần này Ngân hàng Nhà nước lấy danh nghĩa Chính phủ chọn một giải pháp khác là lặng lẽ bỏ quy định về lãi suất cơ bản tại Điều 9 của luật hiện hành mà trong tờ trình của Chính phủ không có lời giải thích với Quốc hội là vì sao phải bỏ”.
Không đơn giản chỉ là lãi suất
Không riêng bà Nga, hầu hết các đại biểu tham gia thảo luận sáng nay đều đặt câu hỏi tại sao lại bỏ quy định về lãi suất cơ bản trong dự thảo luật. Các ý kiến đều cho rằng đây là vấn đề quan trọng, không chỉ liên quan đến việc định hướng lãi suất trên thị trường, mà còn ảnh hưởng tới các quan hệ tín dụng, đến quan hệ dân sự và hình sự, cũng như sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo đại biểu Phan Trung Lý, phải giữ lãi suất cơ bản trong Luật Ngân hàng Nhà nước, thậm chí phải quy định rõ vai trò, chức năng của nó. “Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều can thiệp thị trường tiền tệ bằng việc giữ và công bố lãi suất cơ bản. 3 - 4 năm nay Ngân hàng Nhà nước để các ngân hàng thương mại không thực hiện đúng Bộ luật Dân sự, nhiều lần đề nghị sửa đổi nhưng Quốc hội không sửa đổi. Phải xem lại việc thực hiện vấn đề này”, đại biểu Lý nhấn mạnh.
Hay theo đại biểu Trần Thế Vượng, hệ thống pháp luật có quy định tội danh cho vay nặng lãi, lãi suất cơ bản là một căn cứ để xác định. Nếu bỏ, hoặc loại trừ các tổ chức tín dụng khỏi Bộ luật Dân sự thì không thể, bởi mọi đối tượng đều bình đẳng trước pháp luật.
Bà Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh, lãi suất cơ bản ngoài là tiêu chí để xác định mức lãi suất cao nhất, căn cứ để xác định tội cho vay lãi nặng theo Điều 163 của Bộ luật Hình sự, còn là một công cụ để Nhà nước đã thể hiện vai trò định hướng của mình trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trong vay vốn, để các quan hệ này diễn ra một cách trật tự và lành mạnh, ổn định cơ bản thị trường tiền tệ, ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi…
“Từ năm 2006 đến nay tình trạng các tổ chức tín dụng cho vay vượt trần lãi suất cơ bản đã trở nên khá phổ biến. Điều này đặt các ngân hàng thương mại trước một nguy cơ bất lợi lớn về mặt pháp lý là nếu người đi vay kiện thì các hợp đồng vay sẽ bị tòa án tuyên vô hiệu và hậu quả là các ngân hàng sẽ không nhận được các phần lãi theo thỏa thuận.
Để giải quyết tình trạng trên, với vai trò là thành viên của Chính phủ, quản lý nhà nước về lĩnh vực này, thay vì phải xử lý các tổ chức vi phạm và bình ổn thị trường lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước lại ra tay cứu các tổ chức tín dụng bằng các động thái qua 4 lần kiến nghị sửa đổi”, bà Nga nói.
Bà Nga cho biết, những lần kiến nghị đó không được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chấp thuận bởi “nguyên nhân của những vi phạm trong thời gian qua của các ngân hàng thương mại cho vay vượt trần lãi suất không phải do lỗi của quy định về lãi suất cơ bản trong Luật Ngân hàng Nhà nước, cũng không phải do điều 476 Bộ luật Dân sự, mà chính là do Ngân hàng Nhà nước chưa làm rõ trách nhiệm, chưa nhận thức đúng ý nghĩa, vai trò của lãi suất cơ bản nên chưa sử dụng tốt công cụ này để điều tiết, ổn định thị trường tiền tệ và do các tổ chức tín dụng không thực hiện đúng quy định của Bộ luật Dân sự”.
“Từ năm 2006 đến nay, Ngân hàng Nhà nước theo đuổi một mục tiêu rất kiên trì là đưa các tổ chức tín dụng thoát khỏi sự điều chỉnh của bộ luật dân sự, hợp thức hóa các vi phạm của các tổ chức tín dụng và tự do hóa lãi suất. Vậy một câu hỏi được đặt ra là việc kiên trì đề nghị như vậy là nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích cho ai, cho Nhà nước và nhân dân, để ngăn chặn cho vay lãi nặng, ổn định thị trường tiền tệ hay bảo vệ lợi ích cục bộ của các tổ chức tín dụng?”, bà Nga đặt vấn đề.
Ngoài ra, nếu bỏ lãi suất cơ bản trong dự thảo luật, một số mâu thuẫn mà nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra là Nhà nước sẽ mất vai trò định hướng thị trường, có thể dẫn đến những cuộc chạy đua lãi suất huy động và lãi suất cho vay, gây rối loạn thị trường, đẩy người dân và doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao và góp phần làm mất giá đồng Việt Nam; không kiểm soát được tình trạng cho vay lãi nặng của các tổ chức tín dụng và trong dân cư; vô hiệu hóa 6 điều của Bộ luật Dân sự, 1 điều của Bộ luật Hình sự và đẩy hoạt động của cơ quan điều tra, kiểm sát và tòa án vào bế tắc vì không còn căn cứ để giải quyết các vụ việc.
Theo đó, một loạt câu hỏi được đặt ra là Chính phủ phải giải trình rõ với Quốc hội vì sao phải bỏ lãi suất cơ bản? Về vĩ mô, việc bỏ lãi suất cơ bản sẽ được gì và mất gì? Có gây mâu thuẫn gì trong hệ thống pháp luật? Kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này như thế nào?
Dự kiến, các vấn đề liên quan đến lãi suất cơ bản có thể sẽ tiếp tục được đề cập trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu vào sáng mai (17/11).