Lãnh đạo FPT IS: Đổi mới sáng tạo là chìa khóa kiến tạo lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh VUCA
Trước bài toán cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trong bối cảnh VUCA và yêu cầu đổi mới trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, ông Phan Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Giám đốc Phát triển kinh doanh, FPT IS cùng các nhà lãnh đạo, chuyên gia đã đưa ra góc nhìn, kiến nghị giải pháp nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu hoá vận hành, nâng cao sức mạnh phát triển bền vững...
Hội thảo Khoa học Quốc Gia “Đổi mới trong hoạt động quản trị doanh nghiệp” do Đại học Ngoại thương phối hợp tổ chức cùng Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, Viện VCCI-EDI và các đơn vị công nghệ hàng đầu FPT, Viettel.
Sự kiện đặt mục tiêu kết nối chuyên gia, lãnh đạo để cùng thảo luận, tìm kiếm giải pháp đổi mới cho hoạt động quản trị doanh nghiệp với chủ đề trọng tâm như: Phát triển doanh nghiệp Spin-off, start-up trong cơ sở giáo dục Đại học; Tác động quản trị nguồn nhân lực xanh tới hành vi nhân sự hay cách thức quản trị đổi mới trong thời kỳ VUCA…
Phát biểu khai mạc, ông Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương chia sẻ: “Bối cảnh chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và phát triển bền vững đang thay đổi cách thức vận hành của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp không chỉ đổi mới sản phẩm và dịch vụ, mà còn là đổi mới mô hình tổ chức, quản trị vận hành. Phải đổi mới từ những điểm căn bản mới nâng cao năng lực cạnh tranh và chiến thắng trong đường đua với doanh nghiệp nước ngoài”.
Phó tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Phạm Đức Thái nêu quan điểm, trong thời đại của công nghệ số và phát triển bền vững, những yêu cầu về đổi mới mô hình quản trị và áp dụng công nghệ đã trở thành một yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Tại tọa đàm Hội thảo, xoay quanh chủ đề “Quản trị linh hoạt hay Quản trị đổi mới trong thời kỳ VUCA”, ông Phan Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Giám đốc Phát triển kinh doanh, FPT IS khẳng định “linh hoạt" là chìa khóa cho sự ổn định, bền vững trong bối cảnh bất định, trong đó công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng kiến tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt. Phân tích, ông Sơn cho biết: “Bối cảnh VUCA đẩy bất định, sẽ mang tính phá vỡ quy luật vốn có và hình thành một thế giới mới. Do đó, các doanh nghiệp cần có kế kế hoạch dài hạn như một thành phần của chiến lược doanh nghiệp”.
Để thích ứng và thay đổi, doanh nghiệp cần ứng dụng mô hình kinh doanh và vận hành linh hoạt, phát triển văn hoá đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ nhằm tăng cường phân tích và dự báo, ra quyết định bằng dữ liệu chính xác. Dẫn chứng từ câu chuyện “chuyển mình” thời Covid-19, FPT đã có thích ứng kịp thời bằng chuyển toàn bộ sang “thời chiến” với chính sách “chuyển 10” với hàng loạt các giải pháp được đưa ra để thích ứng với bình thường mới. Những đúc kết cũng được giới thiệu thông qua bộ giải pháp FPT.eCovax hỗ trợ doanh nghiệp có thể vận hành xuyên suốt, không gián đoạn trong mùa dịch.
Nhìn từ câu chuyện FPT và hành trình đồng hành chuyển đổi số với khách hàng Việt Nam, ông Sơn nhận định để đổi mới linh hoạt, chuyển đổi số thành công cần xuất phát từ tầm nhìn và quyết tâm của người đứng đầu. Quá trình chuyển đổi số còn gặp nhiều thất bại do doanh nghiệp vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu, như thế nào? Hoặc tiếp cận chuyển đổi số từ công nghệ chứ không phải từ chiến lược, từ kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại FPT áp dụng công thức 3H + 3S đúc kết từ phương pháp luận FPT Digital Kaizen. Theo đó, để có thể thực hiện cuộc "cách mạng" chuyển đổi số, doanh nghiệp cần bắt đầu từ "Heart" - tạo niềm cảm hứng và nhiệt huyết thực hiện chuyển đổi số trong toàn bộ tổ chức; sau đó tới Head - hoạch định chiến lược; rồi tới Hand - bắt tay vào thực hiện. Các lãnh đạo doanh nghiệp cần truyền được niềm cảm hứng, khát khao thay đổi tới từng cấp nhân viên trong đơn vị mình.
Song song, doanh nghiệp liên tục cũng cần xây dựng gene sáng tạo và văn hoá đổi mới. Đơn cử tại FPT đã khởi tạo chương trình iKhiến với mục tiêu tìm kiếm những sáng kiến ứng dụng công nghệ trong công việc, mang lại hiệu quả về mặt kinh tế và quản trị. Thông qua chương trình iKhiến, Tập đoàn ghi nhận hơn 7000 ý tưởng đổi mới. Nhiều sản phẩm công nghệ ra đời, góp phần nâng cao 30% năng suất lao động. Các sản phẩm cũng được đưa ra thị trường, phục vụ khách hàng toàn cầu như như akaBot, FPT.AI, Chip bán dẫn hay gần đây là giải pháp kiểm kê khí nhà kính VértZero…
Để đồng hành cùng doanh nghiệp đổi mới quản trị dựa trên công nghệ, ông Sơn đề xuất ứng dụng hệ thống quản trị thông minh, song song tích hợp công nghệ mới như Cloud, AI và Machine Learning. “Với hơn 30 năm kinh nghiệm chuyển đổi số cho hệ thống xương sống, dự án trọng điểm cho khách hàng trong nước và quốc tế, FPT IS đã đúc rút và cung cấp các giải pháp quản trị tích hợp, giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình, phân tích dữ liệu thời gian thực và ra quyết định tức thời, nâng cao tính cạnh tranh. Điều này dựa trên hệ thống lõi quản trị ERP, kết hợp cùng với hệ sinh thái Made-by-FPT để nâng cao hiệu suất ứng dụng".
“Trên vai trò đối tác công nghệ hàng đầu, kết hợp cơ hội hợp tác chiến lược cùng Đại học Ngoại thương, chúng tôi mong muốn có thể nhân rộng văn hóa sáng tạo và chia sẻ kiến thức tới thế hệ trẻ Việt Nam, cùng nhau kiến tạo sản phẩm công nghệ mới để cùng Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững trong bối cảnh mới”, ông Sơn khẳng định.