Lãnh đạo Hồng Kông hứa giúp dân mua nhà, tỷ phú địa ốc “kiếm đậm”
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam điều chỉnh chính sách để người dân có thể mua được nhà, nhằm xoa dịu người biểu tình
Trong bài phát biểu chính sách thường niên ngày 16/10, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam cam kết sẽ tạo điều kiện để người dân có thể mua được nhà tại vùng lãnh thổ có giá bất động sản "chát" nhất thế giới này. Giới tỷ phú bất động sản Hồng Kông giàu lên trông thấy sau tuyên bố này.
Theo tin từ Bloomberg, bà Lam tuyên bố sẽ điều chỉnh hạn chế về giá trị khoản vay thế chấp nhà và chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất dành cho các dự án nhà ở xã hội. Hiện chưa rõ các biện pháp này sẽ giúp ích như thế nào cho người dân thường Hồng Kông, nhưng ngay lập tức đã mang lại lợi ích cho các tỷ phú địa ốc của vùng lãnh thổ.
Tổng tài sản của 6 tỷ phú bất động sản giàu nhất Hồng Kông tăng 3,3% sau bài phát biểu của bà Lam, do cổ phiếu của các công ty địa ốc mà họ nắm quyền kiểm soát đồng loạt tăng mạnh. Trong số các tỷ phú hưởng lợi, có ông Lý Gia Thành, Chủ tịch tập đoàn CK Asset Holdings, và ông Lee Shau Ke, Chủ tịch Henderson Land Development.
Tổng tài sản của nhóm 6 tỷ phú này tính đến ngày 17/10 đạt mức 98,7 tỷ USD, tăng khoảng 3,2 tỷ USD so với trước khi có bài phát biểu của bà Lam.
Chỉ số Hang Seng Property Index đo giá cổ phiếu các công ty địa ốc Hồng Kông tăng 2,3% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư và tăng 2,2% trong phiên ngày thứ Năm.
Bỏ túi hơn 3 tỷ USD chỉ sau một ngày là điều không tồi, ngay cả đối với những người siêu giàu như các "ông trùm" ngành bất động sản Hồng Kông. Nhưng đó không phải là "trái ngọt" mà một người dân Hồng Kông bình thường dám mơ ước, Bloomberg bình luận.
Bất bình đẳng giàu nghèo gia tăng vốn là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới căng thẳng và rạn nứt trong lòng xã hội Hồng Kông. Điều này được thể hiện rõ nét nhất qua mức giá nhà ở cao chót vót ở vùng lãnh thổ này.
Hồng Kông đã nhiều năm là thành phố có giá nhà ở đắt đỏ nhất trên thế giới nếu so với thu nhập của người dân. Theo số liệu của công ty tư vấn kế hoạch đô thị Demographia, trong năm 2018, giá trung bình một căn nhà ở Hồng Kông tương đương 21 năm thu nhập của một hộ gia đình trung bình ở đây.
Theo kế hoạch mà bà Lam đưa ra, người mua nhà lần đầu sẽ được vay tới 90% giá trị căn nhà có giá tối đa 8 triệu Đôla Hồng Kông, tương đương 1 triệu USD, so với mức chỉ 4 triệu Đôla Hồng Kông trước đây. Tuy nhiên, tác dụng của biện pháp này vẫn là nằm trong sự hoài nghi.
Theo phân tích của công ty môi giới bất động sản mReferral Corporation, để có thể thanh toán một khoản vay thế chấp nhà như vậy với thời hạn khoản vay 30 năm, người đi vay phải có thu nhập hàng tháng 57.838 Đôla Hồng Kông. Trong khi đó, theo dữ liệu của chính quyền Hồng Kông, lương tháng trung bình của người lao động ở vùng lãnh thổ này chỉ là 17.500 Đôla Hồng Kông.
Ngoài ra, bà Lam cũng đề xuất mua 700 hectare đất để xây dựng nhà ở xã hội. Một phần lớn trong số đất này sẽ đến từ các công ty bất động sản, nên việc chính quyền mua đất được cho là sẽ làm gia tăng giá trị số đất nông nghiệp mà các công ty này đang nắm giữ.
Bài phát biểu chính sách ngày 16/10 nằm trong nỗ lực của bà Lam nhằm xoa dịu sự bất mãn của người dân trong cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ đang bao trùm lên Hồng Kông.
Bắt đầu từ việc phản đối một dự luật dẫn độ gây tranh cãi, phong trào biểu tình ở Hồng Kông đến nay đã kéo dài hơn 4 tháng. Chính quyền và giới chủ doanh nghiệp giàu có của Hồng Kông ngày càng thừa nhận rằng bất bình đẳng gia tăng, đặc biệt là giá nhà cao, là một nguyên nhân chính dẫn tới phong trào biểu tình.