14:32 20/09/2021

Lãnh đạo Kocham: Việt Nam nên xây nhà máy đa tầng như Hàn Quốc để tiết kiệm đất

An Nhiên

Đất bây giờ hạn chế, không phải là tài nguyên mãi mãi. Nhiều nước trên thế giới cho xây dựng nhà máy đa tầng, nhà máy chung cư, 5 tầng, thậm chí 10 tầng để tận dụng, hiệu quả, tiết kiệm đất làm ra nhiều cơ sở sản xuất...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Phát biểu tại Diễn đàn "Chủ động thích ứng và phát triển bền vững, phiên Thảo luận Nhận diện xu hướng mới trong phát triển khu công nghiệp" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 20/9, Tổng biên tập Chử Văn Lâm nhấn mạnh, khu kinh tế nói chung và khu công nghiệp nói riêng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và đóng góp tích cực và đáng kể vào sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Tuy nhiên, sau một thời gian hình thành và phát triển, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nên đặt ra vấn đề chúng ta phải ứng phó như thế nào? Có hai vấn đề quan trọng cần được đặt ra. Một là, để phát triển lâu dài cần điều chỉnh thế nào cho thích hợp, đặc biệt là chính sách dài hạn của nhà nước? Thứ hai, những giải pháp cấp bách để chống đứt gãy trong sản xuất, cung ứng, thương mại.

"Hôm nay, chúng ta tập trung vào hai vấn đề như vậy. Chúng tôi mong các diễn giả đưa ra những giải pháp để từ đó đề xuất kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm phát triển khu công nghiệp trong thời gian sắp tới", Tổng biên tập Chử Văn Lâm nhấn mạnh.

Toạ đàm Nhận diện xu hướng mới trong phát triển khu công nghiệp.
Toạ đàm Nhận diện xu hướng mới trong phát triển khu công nghiệp.

ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ, THÔNG MINH

Tại tọa đàm, mô hình khu công nghiệp là vấn đề được các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước quan tâm và bình luận nhiều nhất. 

Ông Ko Tae Yeon, Tổng giám đốc Công ty Heesung Electronics Vietnam, cho hay điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp là sự quan tâm của Chính phủ. Khu công nghiệp cần phát triển hệ thống thông minh. Quản lý lao động, nhân công, cán bộ công nhân viên cũng cần được chăm sóc tốt hơn, xây dựng nhà ở ký túc xá cho cán bộ công nhân viên đảm bảo an toàn sức khoẻ của họ và sản xuất của công ty. 

Đồng quan điểm, ông Hongsun, Phó Chủ tịch Kocham tại Việt Nam, cho hay các khu công nghiệp truyền thống, thông thường chỉ có nhà máy đơn thuần, không có nhà ở. Xu hướng phát triển của khu công nghiệp nhiều nước khác là hỗn hợp, gồm nhà ở, phòng khám, nhà trường để có thể sinh hoạt phục vụ cho công nhân khu công nghiệp này. Việt Nam nên phát triển khu công nghiệp mới không chỉ riêng nhà máy mà đi theo dịch vụ để dân sống và làm việc tại chỗ.

Ông Hongsun, Phó Chủ tịch Kocham tại Việt Nam.
Ông Hongsun, Phó Chủ tịch Kocham tại Việt Nam.

"Đất bây giờ hạn chế, không phải là tài nguyên mãi mãi. Nhiều nước trên thế giới cho xây dựng nhà máy đa tầng hơn, nhà máy chung cư, 5 tầng, thậm chí 10 tầng để tận dụng, hiệu quả, tiết kiệm đất làm ra nhiều cơ sở sản xuất.  Ở Hàn Quốc thậm chí một kho vận, nhà kho không xây một tầng mà 4-5 tầng trở lên cho hiệu quả. Ban quản lý đầu tư, chính quyền địa phương nên điều chỉnh lại vấn đề này để áp dụng mô hình các nước đang phát triển, đã phát triển. Nếu chỉ là nhà máy đơn thuần thì khó tồn tại bền vững đặc biệt thời gian chuẩn bị sau Covid-19", vị này nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP SHINEC, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, khó khăn ở chỗ nếu định dạng khu công nghiệp đô thị, sinh thái Nghị định 82 quy định phải có điều kiện hạ tầng tốt, dịch vụ thiết yếu cho người lao động. Các dịch vụ này lại vi phạm vào Luật Nhà ở, vi phạm Luật Xây dựng. Doanh nghiệp rất khổ vì phải gỡ vướng. "Qua Covid-19 vừa rồi thấy lực lượng lao động quan trọng. Không có nhà ở cho công nhân thì quản lý rất khó, họ không yên tâm thì sau Covid-19 sẽ bị thiếu lao động. Đề nghị riêng Bộ Xây dựng và các bộ khác nghiên cứu lại Luật Xây dựng", ông Điệp kiến nghị.

BÍ QUYẾT THU HÚT DỰ ÁN TỶ ĐÔ TỪ HẢI PHÒNG

Xây dựng các khu công nghiệp theo mô hình đô thị, đảm bảo cuộc sống cho lao động để giữ được chuỗi cung ứng, duy trì sức sản xuất cho doanh nghiệp ngay cả khi biến cố dịch bệnh thiên tai xảy ra chỉ là một cấu phần quan trọng để thu hút dòng vốn FDI.

Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban, Ban quản lý Khu kinh tế Thành phố Hải Phòng cho hay, quá trình hình thành Khu công nghiệp tổng hợp, Hải Phòng có bài học lớn từ thu hút LG vào Tràng Duệ.

"Bước đầu chúng tôi thu hút LG 1,5 tỷ USD vào 2013, đến nay tiếp tục thu hút các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái của tập đoàn này như dự án LG Display 1,4 tỷ USD. Tổng số vốn đầu tư của Tràng Duệ cộng vào khoảng 8,2 tỷ USD, hình thành lên một khu công nghiệp chuyên ngạch về điện tử. Đây là bài học lớn là muốn hình thành khu công nghiệp chuyên ngành phải hút được doanh nghiệp nòng cốt để kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh khác", ông Hải tiết lộ.

Ông Hải chia sẻ thêm, chúng ta kỳ vọng phát triển mô hình khu công nghiệp theo xu hướng chất lượng hơn, khả năng linh hoạt hơn, ứng phó với bất thường tốt hơn và bền vững hơn. Đây là xu hướng nhưng xu hướng nào cũng cần lực lượng dẫn dắt. Vậy cái gì sẽ là cái dẫn dắt xu hướng này? Chính là hình thành lại khái niệm quy hoạch, không quy hoạch độc lập thực thể nữa mà quy hoạch cả khu, ít nhất là Thành phố để có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau. Khâu quy hoạch là vô cùng quan trọng. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Anh Tú, Vụ phó Vụ Quy hoạch Kiến Trúc, Bộ Xây dựng, cho rằng quy hoạch xây dựng có vai trò quan trọng trong việc hình thành, tạo lập, tổ chức không gian của một khu công nghiệp. Khu công nghiệp được hình thành thông qua 3 hoạt động: quy hoạch, đầu tư xây dựng, thành lập.

Nghị định 82 nói rõ, đến thời điểm hiện nay có 3 mô hình khu công nghiệp cơ bản: Khu công nghiệp hỗ trợ, Khu công nghiệp Đô thị dịch vụ và Khu đô thị sinh thái. Thực tế, chúng ta có 2 mô hình đầu tư vào khu công nghiệp: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật để kêu gọi các nhà đầu tư vào thuê đất, tổ chức sản xuất kinh doanh. Mô hình thứ hai là khu công nghiệp được đầu tư đồng bộ ra sản phẩm luôn như khu công nghiệp Vinfast là mô hình đồng bộ, đầu tư đầy đủ nhu cầu để vận hành.

"Quy định pháp luật phát triển khu công nghiệp khá là đủ nhiều. Có điều có thể chưa giải quyết được nhiều khía cạnh của công cuộc phát triển khu công nghiệp. Văn bản trực tiếp nhất đó là Nghị định 82, cơ bản tương đối ổn định, không thay đổi mà chỉ cần bổ sung hoàn chỉnh. Chúng tôi nhất trí rằng cần nghiên cứu hoàn chỉnh để phù hợp với nhu cầu phát triển mới", ông Tú nhấn mạnh.