10:08 11/05/2009

Lao động sang châu Âu điêu đứng

Lý Hà

Một số doanh nghiệp đã "lách luật" để chèo kéo người lao động ra nước ngoài

Người lao động cần hết sức cẩn trọng với những lời giới thiệu hấp dẫn - Ảnh: Việt Tuấn.
Người lao động cần hết sức cẩn trọng với những lời giới thiệu hấp dẫn - Ảnh: Việt Tuấn.
Từ đầu năm đến nay, do suy thoái kinh tế, hàng loạt lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động đã phải về nước trước thời hạn, đặc biệt ở châu Âu như: Nga, Cộng hòa Séc, Bulgaria.

Trong bối cảnh như vậy, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp treo biển quảng cáo tuyển người đi sang những nước này một cách rầm rộ với vô số lời mời hấp dẫn như: chi phí thấp, lương cao, điều kiện làm việc tốt, nhiều giờ làm thêm. Không ít lao động đã hăm hở nộp tiền, làm thủ tục sang để rồi ăn chực, nằm chờ ngày quay về nước...
 
Tiền mất tật mang

Ngày 5/5/2009, đã có 15 /16 lao động của Công ty VietCom phải về nước từ Nga sau một thời gian dài kêu cứu; 21 lao động từ Bulgaria về nước trước thời hạn đã kéo đến Trung tâm phát triển việc làm và xuất khẩu lao động của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu vật tư thiết bị đường sắt (Virasimex) đòi quyền lợi.

Anh Đinh Xuân Cơ (Sóc Sơn, Hà Nội) đại diện cho nhóm lao động từ Bulgaria trở về cho biết: “Theo hợp đồng ký với Virasimex sang Bulgaria lao động 2 năm, với mức lương cơ bản là 450 Lêva (tương đương 320 USD)/tháng. Nhưng bất ngờ khi mới làm việc được gần 1 năm chúng tôi đã phải về nước với lý do hết hợp đồng”.

Theo ông Bùi Đình Dĩnh, Đại sứ tại Cộng hòa liên bang Nga, hiện tại ở Nga có rất nhiều doanh nghiệp do chủ người Việt làm đại diện và là doanh nghiệp rởm, không có tư cách pháp nhân nhưng vẫn đứng ra môi giới tuyển lao động. Ông Dĩnh khuyên các doanh nghiệp Việt Nam phải thẩm định rất kỹ hợp đồng để tránh rủi ro cho cả doahh nghiệp và người lao động.

Ông cho biết, hiện nay nền kinh tế Nga do suy thoái toàn cầu, việc làm giảm, đồng Rúp mất giá nhiều lần so với tiền USD, nên mức lương người lao động nhận được sau khi quy đổi là rất thấp.

Trong khi nhiều doanh nghiệp phải ngừng đưa lao động sang thị trường châu Âu, thị trường Nga là thị trường đang được cảnh báo số 1 về độ rủi ro cao, kém khả thi khi chủ sử dụng lao động người Việt Nam thường chính là người Việt, không ít người đã đặt câu hỏi  khi những ngày qua, nhiều lao động tại huyện Bá Thước - một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá đã được Tổng công ty  Xây dựng Thăng Long (ThanglongMex) mời chào với mức lương khá hấp dẫn.

Cần sự vào cuộc của các ngành chức năng

Trong thông báo, ThanglongMex tuyển tới 500 lao động đi làm việc tại Nga, mức lương được công bố từ 400-500 USD (chưa tính tiền làm thêm giờ, ngày nghỉ, ngày lễ). Chi phí xuất cảnh dự kiến là 2.700USD, phí học ngoại ngữ và giáo dục là 1.050.000 đồng. Người lao động sẽ phải đặt cọc 500 USD khi nộp hồ sơ để đảm bảo hợp đồng.

Đặc biệt là thông báo tuyển lao động đi Slovakia (mức lương công bố lên tới 1.200USD/tháng), tuyển lao động đi Trung Đông (mức lương cao nhất lên tới 1.500USD/tháng), tuyển lao động đi Bulgaria với mức lương trên 500USD/tháng.

Thậm chí, công ty này còn tuyển lao động nữ đi giúp việc gia đình tại Syria và Cộng hòa Síp. Khi kiểm tra thông tin những đơn hàng này tại Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) được biết, ThănglongMex chưa được Cục thẩm định đơn hàng đưa lao động đi Slovakia, Bulgaria, Syria, Síp.

Ông Nguyễn Như Tuấn, Phó Trưởng phòng thị trường cho biết, với đơn hàng đưa lao động đi Nga, Cục Quản lý mới chỉ thẩm định và cho phép ThănglongMex thực hiện 1 đơn hàng 85 lao động may công nghiệp. Đơn hàng này, ThănglongMex xin phép thực hiện từ tháng 10/2008. Việc ThangLongMex tuyển lao động xây dựng, công nhân nhà máy là chưa được sự đồng ý, chấp thuận của Cục Quản lý.

Việc một số doanh nghiệp như ThanglongMex chưa thẩm định kỹ hợp đồng và cũng chưa được Cục quản lý lao động ngoài nước cho phép thực hiện các đơn hàng mới, thị trường mới đã rầm rộ thông báo tuyển lao động cho thấy đơn vị này đã cố tình lách luật và vi phạm quy định của Nhà nước.

 Mới đây, Bộ Ngoại giao đã đưa ra cảnh báo, đề nghị Cục Cục quản lý lao động ngoài nước sớm có biện pháp mạnh tay xử lý các doanh nghiệp sai phạm, cố tình đưa người lao động sang Nga bằng mọi giá. Đồng thời sớm có hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp có thêm thông tin về thị trường xuất khẩu lao động sang Nga. Vì vậy rất cần ngành chức năng vào cuộc để tránh thiệt hại nặng nề cho người lao động.