09:05 02/05/2018

Lao động Việt Nam chậm dịch chuyển vào AEC

Dũng Hiếu

Ngoài những rào cản kỹ thuật thì chất lượng cũng như vị thế của lao động Việt Nam vẫn khiêm tốn trên bản đồ lao động quốc tế

AEC được kỳ vọng sẽ mở ra một thị trường lao động rộng lớn, với nhiều cơ hội để lao động có tay nghề được tự do dịch chuyển trong các quốc gia ASEAN.
AEC được kỳ vọng sẽ mở ra một thị trường lao động rộng lớn, với nhiều cơ hội để lao động có tay nghề được tự do dịch chuyển trong các quốc gia ASEAN.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được kỳ vọng sẽ mở ra một thị trường lao động rộng lớn, với nhiều cơ hội để lao động có tay nghề được tự do dịch chuyển trong các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, sau gần ba năm tham gia, lao động Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng hội nhập.

AEC được thành lập vào cuối năm 2015, cho phép lao động có tay nghề di chuyển tự do trong khối, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia và lao động tay nghề cao của ASEAN. Hiện ASEAN đang có 8 thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) về nghề nghiệp nhằm thúc đẩy lao động dịch chuyển lớn hơn trong khu vực trong 8 lĩnh vực: kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát, hành nghề y khoa, nha khoa; dịch vụ kế toán và du lịch.

Rào cản kỹ năng và kỹ thuật

Về lý thuyết, người lao động trong 8 ngành nghề trên được tự do lưu chuyển trong AEC, song thực tế này diễn ra rất hạn chế trong thời gian qua. Trong 8 nhóm ngành nghề chỉ chiếm 1% trong tổng số lao động dịch chuyển trong ASEAN, nhưng đều là những công việc có mức lương cao. Lao động được ưu tiên dịch chuyển là lao động có tay nghề, chuyên gia và người có chuyên môn.

Đối với Việt Nam, hiện mới có 196 kỹ sư và 10 kiến trúc sư được công nhận là kỹ sư và kiến trúc sư ASEAN. Các ngành còn lại vẫn chưa có người được công nhận. 

Nói về sự dịch chuyển này, ông Simon Matthews, CEO Tập đoàn cung cấp giải pháp nhân lực ManpowerGroup tại Thái Lan, Việt Nam và Trung Đông nhận dịnh: "Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, tham gia AEC có thể giúp tạo ra 14 triệu việc làm cho Việt Nam và ASEAN đến năm 2025. Tuy nhiên, tại thời điểm này, tôi chưa nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt nào trong dịch chuyển lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực". 

Lý giải về việc số người được công nhận đủ kỹ năng nghề và đi làm việc ở ASEAN hiện quá ít ỏi, bà Hà Thị Minh Đức, Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, Cộng đồng AEC cho phép dịch chuyển lao động có tay nghề, nhưng mỗi ngành nghề lại có những điều kiện riêng mà các nước phải thỏa thuận để công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ năng nghề, xây dựng khung đánh giá tiêu chuẩn thống nhất. 

Trong khi đó, khung trình độ quốc gia hiện nay trong khối ASEAN vẫn tồn tại khoảng cách. Chưa kể, việc dịch chuyển nội khối còn hạn chế, chưa thông suốt bởi các nước đã có những sự phòng vệ nhất định. Đó là các quy định về giấy phép lao động và quy định của từng quốc gia trong AEC. Tức là khi vượt qua được rào cản về kỹ năng chung, người lao động còn phải vượt qua rào cản kỹ thuật của riêng từng nước cũng như còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường lao động ở nước đó.

Chất lượng, năng suất lao động

Đối với Việt Nam, ngoài những rào cản kỹ thuật thì chất lượng cũng như vị thế của lao động Việt Nam vẫn khiêm tốn trên bản đồ lao động quốc tế. Ông Mạc Văn Tiến, Viện Nghiên cứu tài chính, hợp tác và đầu tư thương mại Đông Nam Á (SEAFIT) cho rằng, thời điểm hiện tại kỹ năng nghề nghiệp của lao động Việt Nam chỉ đạt mức trung bình và thấp, so với yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước và khu vực. Đáng chú ý, các kỹ năng mềm như làm việc theo tổ nhóm, kỹ năng xử lý tình huống, làm việc trong môi trường đa văn hóa... lại rất hạn chế.

Ông Tiến dẫn chứng các kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta chỉ đạt 3,79 điểm (đứng 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng). Năng suất lao động chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/3 so với Malaysia, 2/5 so với Thái Lan và khoảng cách này ngày càng giãn rộng. Chỉ số năng lực cạnh tranh nhân tài cũng thấp, xếp thứ 5 trong khu vực sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và xếp thứ 82/109 nước khảo sát (trong đó, chỉ số về kỹ năng lao động xếp 95/109 nước).

Theo bà Hà Thị Minh Đức, chỉ nói riêng về vấn đề ngôn ngữ, lao động Việt Nam chắc chắn sẽ gặp nhiều bất lợi hơn so với các nước láng giềng. Bởi hiện nay, người Indonesia và Malaysia... sử dụng ngôn ngữ chung; Lào, Thái Lan, Campuchia có ngôn ngữ nhiều điểm tương đồng, nên họ có thể hiểu tiếng của nhau. Chỉ có lao động Việt Nam là bất lợi nếu không có thêm ngoại ngữ nào khác. 

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhận xét, nhiều nhà đầu tư quốc tế đánh giá kiến thức kỹ năng mà Việt Nam đào tạo trong các cơ sở giáo dục hiện nay còn khoảng cách lớn so với nhu cầu mà họ cần. Chưa kể vấn đề kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp của lao động Việt Nam cũng còn kém. "Chúng ta đang cung cấp ra thị trường những sản phẩm về nhân công lao động dở dang, chưa hoàn chỉnh", ông Diệp thẳng thắn nói.

Để dịch chuyển được trong ASEAN, đã đến lúc lao động Việt Nam cần trau dồi các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, đặc biệt là ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ. Ngoài những kiến thức cơ bản về nghề nghiệp, người lao động cần học hỏi để nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn và trang bị những kỹ năng mới mà doanh nghiệp trong nước và quốc tế cần. 

Với cơ quan chức năng, việc đào tạo nghề, tái đào tạo nghề cần có những thay đổi linh hoạt, đổi mới mạnh mẽ để người lao động thích ứng với sự thay đổi, đáp ứng được chuẩn mực của khu vực. Cơ quan quản lý cần phối hợp với doanh nghiệp để đưa chương trình đào tạo sát với thực tế nhu cầu xã hội; chủ động trong công tác kết nối với doanh nghiệp để giúp sinh viên có nơi thực tập, có việc làm tốt đúng nghĩa.