Lập hồ sơ khống, “thụt két” quỹ tín dụng hơn 31 tỷ đồng
Toản đã khởi xướng cùng HĐQT thống nhất chủ trương, chỉ đạo nhân viên quỹ lập, hoàn thiện hồ sơ vay khống. Mục đích nhằm tránh bị cơ quan quản lý nhà nước phát hiện sai phạm và vẫn có tiền bù lỗ...
TAND tỉnh Hưng Yên vừa đưa ra xét xử đối với ông Nguyễn Đức Toản (SN 1962, cựu Chủ tịch HĐQT Qũy tín dụng nhân dân Đại Tập) và đồng phạm về tội Tham ô tài sản.
Cùng tội danh trên, có các bị cáo Trần Quang Đôn (SN 1976, cựu giám đốc), Đỗ Thị Tuyến (SN 1957, phó giám đốc), Phạm Thị Hường (SN 1985, trưởng ban kiểm soát), Phạm Thị Nhung (SN 1988, kế toán trưởng), Nguyễn Thị Tươi (SN 1959, thủ quỹ), Hoàng Thị Thu Thủy (SN 1985, thành viên ban kiểm soát), Phạm Năng Lợi (SN 1983, thành viên ban kiểm soát), Phạm Năng Xuân (SN 1982, cán bộ thẩm định).
Các ông Dương Văn Suất (SN 1963, cựu Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đại Tập), Nguyễn Văn Tuấn (SN 1974, cựu Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tập) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cáo trạng thể hiện, khoảng đầu năm 2020, do có một số khoản vay đến kỳ hạn trả nợ nhưng không trả được do làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán nợ, Toản đã khởi xướng cùng HĐQT thống nhất chủ trương, chỉ đạo nhân viên quỹ lập, hoàn thiện hồ sơ vay khống. Mục đích nhằm tránh bị cơ quan quản lý nhà nước phát hiện sai phạm và vẫn có tiền bù lỗ.
Việc Toản chỉ đạo không được lập thành văn bản nhưng có sự trao đổi trực tiếp với cán bộ quỹ. Các bị cáo đề ra cách thức là khi lãnh đạo, nhân viên quỹ có nhu cầu lập, sử dụng hồ sơ khống thì cán bộ tín dụng sẽ chọn tên người dân cư trú trên địa bàn xã Đại Tập (thường là người quen) để đứng tên trên hồ sơ và giả mạo chữ ký khách hàng. Các khoản vay khống được hợp thức trong báo cáo ngày, hồ sơ vay cùng chứng từ chi.
Cứ sau 10 ngày giải ngân, Tuyến lập biên bản kiểm tra sử dụng vốn vay. Hàng tháng đền hạn trả lãi, kế toán kiểm tra thông tin trên máy tính để lập danh sách phải trả lãi rồi lại tiếp tục giả mạo chữ ký khách hàng.
Việc lập hồ sơ vay khống, đảo nợ đáo hạn diễn ra trong thời gian dài.
Cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 2/2020 đến tháng 4/2021, các bị cáo đã lập, hoàn thiện và giải ngân 86 hồ sơ khống để chiếm đoạt hơn 31,6 tỷ đồng. Trong đó, ông Toản lập khống 44 hồ sơ chiếm đoạt hơn 15 tỷ đồng, Hường lập khống 8 hồ sơ chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng, Nhung lập khống 10 hồ sơ chiếm đoạt 5,1 tỷ đồng, Lợi lập khống 24 hồ sơ chiếm đoạt hơn 7,4 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, năm 2020-2021, để hợp thức hóa được hồ sơ vay vốn khống cần có chữ ký xác nhận của lãnh đạo UBND xã Đại Tập trong hợp đồng thế chấp tài sản của khách hàng.
Sau khi cán bộ quỹ lập hồ sơ vay vốn khống, bị cáo Đôn ký xác nhận và đóng dấu với tư cách giám đốc quỹ, còn mục bên thế chấp được các cán bộ quỹ giả mạo chữ ký mang tên khách hàng.
Lợi dụng mối quan hệ quen biết sẵn có, bị cáo Toản, Tuyến và Lợi đã “nhờ vả” ông Suất, Tuấn ký chứng thực trên hợp đồng.
Để ông Suất, Tuấn tin tưởng, các bị cáo nói là các khách hàng đã vay vốn tại quỹ nay lại tiếp tục làm hồ sơ vay vốn và đưa cho các ông này xem một số đơn xác nhận trước đó.
Vì cùng là người địa phương, tin tưởng, nể nang nên ông Suất, Tuấn không chỉ đạo công chức xã tiếp nhận, kiểm tra thông tin, tài sản của khách hàng, không chứng kiến các bên giao dịch ký vào Hợp đồng, không lưu trữ sổ chứng thực, văn bản chứng thực theo quy định nhưng vẫn ký xác nhận để chứng thực với thẩm quyền là Chủ tịch; Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tập trên Hợp đồng thế chấp tài sản.
“Hành vi lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm trong chứng thực, xác nhận văn bản của hai bị cáo đã dẫn đến hậu quả là tạo điều kiện cho các cán bộ quỹ hợp thức hóa 53 hồ sơ vay vốn khống, chiếm đoạt hơn 18,6 tỷ đồng”, cáo trạng nêu.
Sau khi xem xét, tòa đã xử phạt ông Toản án chung thân. Các bị cáo đồng phạm lĩnh án từ 15 năm -20 năm tù. Còn ông Suất lĩnh 3 năm 6 tháng tù, ông Tuấn 3 năm tù nhưng được hưởng án treo.