12:07 28/02/2022

Lệnh trừng phạt sẽ “ăn miếng trả miếng”, thị trường “đào bới” cơ hội

Kim Phong

Thị trường tài chính toàn cầu bắt đầu “tiêu hóa” các lệnh trừng phạt được đưa ra cuối tuần qua. Giá dầu và một số loại hàng hóa bùng nổ tăng khi giới đầu tư cố gắng dự đoán tác động của các hành động “ăn miếng trả miếng”. Trong nước, cổ phiếu dầu khí, thép tăng giá tưng bừng...

Blue-chips sáng nay chủ đạo là giảm.
Blue-chips sáng nay chủ đạo là giảm.

Thị trường tài chính toàn cầu bắt đầu “tiêu hóa” các lệnh trừng phạt được đưa ra cuối tuần qua. Giá dầu và một số loại hàng hóa bùng nổ tăng khi giới đầu tư cố gắng dự đoán tác động của các hành động “ăn miếng trả miếng”. Trong nước, cổ phiếu dầu khí, thép tăng giá tưng bừng.

Có một thực tế là xung đột Nga – Ukraine dù có kết thúc nghiêng về bên nào thì các lệnh trừng phạt sẽ vẫn còn đó, thậm chí còn nhiều thêm. Vì vậy các thị trường quan tâm nhiều hơn đến hậu quả sau xung đột, hơn là kết quả thắng thua của xung đột.

Giá dầu tăng đột biến ngay đầu tuần, cả dầu WTI lẫn Brent tăng vọt trên 6%. Giá khí tại châu Âu tăng trên 5%, giá lúa mì, ngô... tăng trên 4%... Việc loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT sẽ khiến khả năng thanh toán gặp khó khăn, dẫn đến giao dịch hàng hóa trở ngại. Đó là chưa kể đến việc Nga sẽ đáp trả bằng những lệnh trừng phạt với các nước như thế nào. Không khó để giới đầu tư toàn cầu nhận thấy tất cả các thị trường sẽ bị đảo lộn, ít nhất là trong ngắn hạn.

Cổ phiếu dầu khí đầu phiên hôm nay vẫn chịu áp lực chốt lời nhất định. GAS thậm chí lúc 9h30 còn giảm nhẹ 0,17%, PVD giảm 0,29%, PVS giảm 0,59%... Tuy nhiên giá dầu thế giới tăng dữ dội đã thúc đẩy dòng tiền mua vào, trong khi các nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn giảm bán. Càng về cuối phiên sáng cổ phiếu dầu khí phục hồi càng mạnh: GAS tăng 1,11%, PVD tăng 1,61%, PVT tăng 2,06%, PVS tăng 2,96%, PVC tăng 6%, PLX tăng 0,96%...

Nhóm cổ phiếu có xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ cũng tăng bùng nổ với giả định rằng thị phần của Nga hiện tại sẽ co hẹp lại. Cổ phiếu thép đồng loạt tăng mạnh: HPG tăng 1,09%, HSG tăng 4,6%, NKG tăng 5,12%... Cổ phiếu phân bón như DCM, DPM cũng tăng dữ dội.

VN-Index chỉ còn GAS, HPG nâng đỡ, trong khi số lớn giảm giá.
VN-Index chỉ còn GAS, HPG nâng đỡ, trong khi số lớn giảm giá.

Độ rộng sàn HoSE vẫn duy trì tương đối tốt với 152 mã tăng/277 mã giảm. Tuy vậy sự chọn lọc của dòng tiền nhanh chóng khiến độ rộng thu hẹp. Đầu phiên giao dịch theo quán tính tâm lý của chứng khoán thế giới tăng tốt ngày cuối tuần (khi Việt Nam đã dừng giao dịch), VN-Index vẫn có 174 mã tăng/151 mã giảm. Càng về sau độ rộng càng hẹp lại và blue-chips giảm rất nhiều. Các cổ phiếu trụ đã không thể nâng đỡ được chỉ số khi chỉ có GAS, HPG, PLX thuộc nhóm vốn hóa lớn là còn tăng tốt. Bốn cổ phiếu duy nhất còn lại trong rổ VN30 tăng là FPT, SSI, BVH và MBB đều quá nhẹ.

Ngược lại rổ VN30 có tới 23 mã giảm, trong đó 10 mã giảm trên 1%. VIC sụt giảm tới 2,4% đang gây áp lực kinh hoàng. Mã này sau khi rơi xuống “đầu 7” từ cuối tuần trước, đang tìm đến các mức đáy thấp hơn như đáy quanh 75.000 đồng hồi tháng 7/2020 hay đáy covid quanh 64.000 đồng (giá điều chỉnh) hồi tháng 3/2020. Nhóm ngân hàng cũng sụt giảm đáng kể, nhất là BID giảm 1,35%, CTG giảm 1,33%, TPB giảm 1,67%.

Thị trường sáng nay cũng cho thấy tâm lý phòng thủ lan rộng hơn, thay vì hào hứng như ngày cuối tuần. Hai sàn chỉ khớp lệnh thành công 14.505 tỷ đồng, giảm 14% so với phiên trước. VN30 giao dịch giảm tới 20% do dòng tiền “né” cổ phiếu ngân hàng. VPB vẫn giao dịch lớn nhất với 549,5 tỷ đồng, nhưng các mã khác đều kém. 10 mã ngân hàng trong rổ VN30 chỉ giao dịch khoảng 1.766 tỷ đồng, tương đương 41,5% giá trị rổ VN30, trong khi hai ngày cuối tuần nhóm ngân hàng này đều chiếm trên 50%.

Nhóm cổ phiếu thép, phân bón hút dòng tiền nổi bật: HPG, HSG, NKG, DPM là 4 cổ phiếu đứng ngay sau VPB, vượt xa các mã ngân hàng còn lại. Trong khi HPG giao dịch không quá nổi bật vì mã này vốn dĩ thanh khoản rất cao, thì HSG và NKG đang cho thấy thanh khoản vượt trội, thậm chí mới phiên sáng đã cao hơn cả ngày thứ Sáu tuần trước.

Khối ngoại sáng nay bán ròng 239,3 tỷ đồng trên HoSE, bán gần 17 tỷ trên HNX và mua ròng 16 tỷ trên UpCOM. BSR là mã dầu khí được khối ngoại mua chủ đạo tại UpCOM với xấp xỉ 18 tỷ đồng ròng. Tại HoSE, khối này bán rất lớn ở cổ phiếu và phải nhờ chứng chỉ quỹ FUEVFVND được mua ròng 146,4 tỷ đồng cân bằng lại một chút. HPG bị bán ròng 89,2 tỷ, VIC -54 tỷ, POW -45,5 tỷ, GAS -36 tỷ, CTG -35 tỷ, GEX -28,3 tỷ, LPB -25,7 tỷ, VNM -24,5 tỷ... Riêng cổ phiếu trong rổ VN30 bị bán ròng 320,8 tỷ đồng trong sáng nay.