08:12 04/08/2011

Lịch sử tháng 8 “đen tối” có lặp lại?

Diệp Anh

Giá vàng đã tăng 13% kể từ đầu tháng 7 và Ngân hàng UBS dự báo giá kim loại này sẽ lên 1.850 USD/oz trong 3 tháng tới

Giá vàng phiên hôm qua lại lập mốc cao kỷ lục mới - Ảnh: Getty.
Giá vàng phiên hôm qua lại lập mốc cao kỷ lục mới - Ảnh: Getty.
Tháng 8 hàng năm thường được nhiều chính trị gia ở châu Âu chọn làm thời điểm để đi nghỉ hè cùng gia đình, nhưng trong quá khứ, những sự kiện kém may mắn cả về chính trị lẫn kinh tế lại thường bùng phát trong tháng này, hãng tin CNBC bình luận.

Trong lịch sử chiến tranh và hòa bình của thế giới, tháng 8 hay xảy ra các vụ xung đột vũ trang. Chẳng hạn vào cuối tháng 8/1939, trùm phát xít Hitler đã ra lệnh tấn công Ba Lan, hay vào tháng 8/1990, Iraq tiến đánh Kuwait hoặc gần đây nhất, vào tháng 8/2008, xe tăng của Nga tiến vào Georgia.

Còn trong biên niên sử kinh tế thế giới, tháng 8 cũng không được coi là thời điểm tốt lành đối với các thị trường tài chính. Vào ngày 17/8/1998, khủng hoảng tài chính ở Nga đã bùng nổ, khiến quốc gia này mất gần một thập niên mới hồi phục trở lại, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Tháng 8/1998 cũng là chuỗi ngày đen tối của nhiều chỉ số chứng khoán quan trọng trên thế giới. Chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ đã mất hơn 15% trong thời gian này, trong khi chỉ số DAX của Đức giảm hơn 17%.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính vừa qua là một ví dụ khác. Bắt đầu âm ỉ từ đầu năm 2007, những tín hiệu khủng hoảng chỉ trở nên rõ ràng hơn vào tháng 8 với việc một loạt quỹ đầu tư công bố mức thua lỗ ngoài dự kiến và lên tới đỉnh điểm bằng việc 3 quỹ đầu tư buộc phải ngừng hoạt động vào ngày 9/8/2007.

Theo CNBC, cuộc khủng hoảng nợ công hiện tại ở Hy Lạp tuy rằng không bắt đầu trong tháng 8 và cũng không chạm đỉnh vào tháng 8 năm ngoái, nhưng nhìn vào những diễn biến trong tháng 7 vừa qua, không ít người đã liên tưởng tới những tháng 8 đen tối trong lịch sử.

Hôm 2/8, người phát ngôn của Thủ tướng Tây Ban Nha cho biết, ông Jose Luis Rodriguez Zapatero sẽ hoãn kỳ nghỉ hè để "giám sát các yếu tố kinh tế" do lợi suất trái phiếu của nước này đã chạm mức cao mới. Trong khi, các nhà chức trách Italy và châu Âu cuống cuồng khởi động tham vấn khẩn cấp cho vấn đề nợ công.

Phiên giao dịch hôm qua (3/8), lợi suất trái phiếu Chính phủ Italy đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ qua, hơn 6%, một tỷ lệ không bền vững. Italia đang phải tìm kiếm sự giúp đỡ chính trị của Liên minh châu Âu. Trái phiếu Tây Ban Nha cũng có mức lợi suất cao tương tự.

Trong khi đó, dẫu trần nợ công đã được nâng lên, nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ, song nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, giới chức Mỹ vẫn chưa tìm được cách giải quyết triệt để vấn đề và việc cắt giảm mạnh chi tiêu có nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới này vào một cuộc suy thoái mới.

Sherry Cooper, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc hãng dịch vụ tài chính BMO Capital Markets cho rằng, việc thắt chặt ngân sách trong tình hình hiện nay có nguy cơ đưa kinh tế Mỹ tới một cuộc suy thoái khác.

Còn theo chuyên gia kinh tế Paul Dales của Capital Economics, do phải kiểm soát nợ, nước Mỹ sẽ "thắt lưng buộc bụng" và điều này có thể sẽ cản trở sự phát triển. Chuyên gia Paul Krugman cũng cho rằng, quy luật trên sẽ gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ vốn đang trì trệ và có thể làm cho thâm hụt ngân sách thêm trầm trọng.

Trên thực tế, các dấu hiệu về một cuộc suy thoái mới của kinh tế Mỹ đang ngày một nhiều hơn. Theo khảo sát công bố hồi đầu tuần của Viện Quản lý nguồn cung, chỉ số quản lý mua của ngành chế tạo Mỹ trong tháng 7 đã giảm đáng kể từ 55,3 điểm trong tháng 6, xuống còn 50,9 điểm, thấp nhất kể từ tháng 7/2009.

Còn trong báo cáo công bố hồi tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ cho hay, kinh tế nước này trong quý 2 tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tăng trưởng trong quý I sau khi được điều chỉnh chỉ còn 0,4% so với tính toán ban đầu là 1,9%. Các số liệu này đều thấp hơn nhiều so với dự đoán.

Đặc biệt, chi tiêu tiêu dùng, vốn đóng góp tới 70% GDP của Mỹ, chỉ tăng được 0,1% trong tháng 6, mức tăng thấp nhất kể từ khi suy thoái chính thức chấm dứt cách đây 2 năm.

Thêm vào đó, hai tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s và Fitch đồng loạt cảnh báo có thể hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ nếu các nhà lập pháp không thể đưa ra các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách và nếu nền kinh tế suy yếu. Đồng franc Thụy Sĩ và trái phiếu của Chính phủ Đức đã lên giá vì lý do này.

Tại châu Á, khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết, chỉ số niềm tin tiêu dùng quý 2 của Singapore ở mức thấp nhất trong vòng 18 tháng qua khi mất 6 điểm, còn 103 điểm. Khảo sát niềm tin tiêu dùng toàn cầu cũng cho thấy, Singapore đã mất vị trí trong top 10 thị trường có niềm tin tiêu dùng cao nhất.

Chỉ có 35% số người được hỏi tin rằng trong 12 tháng tiếp theo là khoảng thời gian tuyệt vời để mua sắm, giảm 10% so với quý 1. Ý định đầu tư chứng khoán, mua sắm quần áo, chi tiêu cho những dịp lễ hay nâng cấp những thiết bị đều giảm. Đặc biệt, nhiều người sẽ cắt giảm chi tiêu vào các mặt hàng gia dụng.

Tại Thái Lan, ngân hàng trung ương nước này đã bày tỏ quan ngại về rủi ro bong bóng bất động sản, sau khi thị trường địa ốc nước này tăng nóng trong năm 2010. Dẫu vậy, ngân hàng trung ương Thái Lan chưa phát hiện bong bóng kiểu này phình lên.

Chủ tịch tập đoàn nghiên cứu bất động sản Agency for Real Estate Affairs - Sopon Pornchokchai cho hay, hãng đã phát hiện dấu hiệu dư cung và cảnh báo mức độ này sẽ trở nên bất ổn. Theo ông, nếu nền kinh tế hoặc chính trị của Thái Lan gặp vấn đề, nó có thể khiến bóng bóng bất động sản ở Thái Lan nổ tung.

Tuy nhiên, theo ông Kobsidthi Silpachai, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường và kinh tế thuộc Kasikorn Bank, với thể trạng kinh tế Thái Lan tốt hơn năm 1997, quả bong bóng này cho dù có nổ tung thì ảnh hưởng của nó cũng hạn chế.

Tính đến tháng 7/2011, tại thủ đô Bangkok và khu vực ngoại vi thành phố này vẫn còn trên 135.000 bất động sản chưa bán được, gồm cả các dự án đang được xây dựng, trong khi vẫn còn 100.000 bất động sản nữa dự kiến sẽ được tung ra thị trường trong năm tới.

Chính những lo lắng tăng trưởng kinh tế như trên là nguyên nhân khiến các thị trường chứng khoán châu Âu trượt giảm mạnh phiên hôm qua (3/8), trong khi đẩy giá vàng quốc tế lên mức cao kỷ lục mới.

Cụ thể, vàng giao tháng 12 trên sàn Comex tại New York tăng 21,8 USD/oz (+1,33%), lên 1.666,3 USD/oz. Trong phiên, có lúc vàng chạm mốc kỷ lục 1.675,9 USD/oz. Như vậy, đến phiên này, giá vàng đã tăng 13% kể từ đầu tháng 7 và Ngân hàng UBS dự báo giá vàng sẽ lên 1.850 USD/oz trong 3 tháng tới.

Một diễn biến khác được cho là đã tác động làm giá vàng tăng vọt, nhưng cũng cho thấy nỗi lo lắng về bất ổn kinh tế đang gia tăng trên toàn cầu, là việc một loạt ngân hàng trung ương khác tăng thu mua vàng thời gian gần đây, bất chấp giá cả liên tục lập kỷ lục.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan là tổ chức tài chính mới nhất ở châu Á tăng lượng dự trữ vàng khi mua thêm 18,66 tấn trong tháng 6, nâng tổng lượng dự trữ vàng của nước này lên 127,524 tấn. Trước đó, Hàn Quốc cũng xác nhận đã mua 25 tấn vàng trong hai tháng trước, lần mua đầu tiên trong hơn 10 năm qua.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong tháng 6 Nga đã mua thêm 5,85 tấn vàng, tăng lượng dự trữ vàng lên 836,715 tấn. Kazakhstan tăng dự trữ vàng thêm 3,11 tấn lên 70,434 tấn, còn Taijikistan tăng thêm 0,04 tấn lên 3,036 tấn. Các ngân hàng Hy Lạp và Ukraine đều mua thêm 0,03 tấn vàng.

Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR phiên 3/8 cũng đã tăng lượng nắm giữ lên 1.281,76 tấn, sau khi mua vào 18,17 tấn vàng, nhích dần tới mức cao kỷ lục 1.320,436 tấn xác lập hôm 29/6 năm ngoái.

Theo Peter Fung, phụ trách mảng giao dịch tại hãng Wing Fung Precious Metals, có trụ sở ở Hồng Kông, đáng lẽ giá vàng phải hạ sau khi Mỹ đạt được thỏa thuận về mức trần nợ công. Thế nhưng kim loại này vẫn vững giá do nhà đầu tư không tin tưởng vào đồng USD và vẫn muốn dốc túi vào vàng.