16:15 25/02/2011

LienVietBank “se duyên” với VNPT: “Thương vụ góp vốn rất đặc biệt”

Thanh Huyền

Chính phủ vừa thông qua vụ mua lại doanh nghiệp được xếp vào loại “hàng khủng” trong hệ thống ngân hàng

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietBank.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietBank.
Chính phủ vừa thông qua vụ mua lại doanh nghiệp được xếp vào loại “hàng khủng” trong hệ thống ngân hàng.

Đó là việc Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VnPost) - đơn vị thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - sẽ góp vốn bằng cả hệ thống tiết kiệm bưu điện vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank).

Nhờ thương vụ này, "chúng tôi vừa có cơ hội tăng thêm vốn điều lệ, vừa mở rộng mạng lưới và cùng với Agribank trở thành ngân hàng có số lượng điểm giao dịch lớn nhất nước với 13 nghìn điểm", ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietBank, nói.

VnPost góp vốn vào LienVietBank bằng giá trị Công ty Dịch vụ tiết kiệm Bưu điện (VPSC) - thành viên của VnPost - và bằng tiền. Cá nhân ông nghĩ thế nào về sự kiện này?

Đây là sự kiện rất lớn, không chỉ đối với LienVietBank, mà còn là thương vụ góp vốn rất đặc biệt trong ngành ngân hàng từ trước tới nay, không chỉ góp vốn bằng tiền mà góp vốn bằng giá trị công ty. LienVietBank sẽ vẫn sẽ kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích và khai thác nguyên hiện trạng VPSC trên toàn quốc, theo đúng như tinh thần văn bản của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Ông cho biết rõ hơn giá trị cụ thể của vụ góp vốn này là bao nhiêu và sau này, VnPost nắm giữ bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ?

Theo đề án góp vốn vào LienVietBank thì VNPost sẽ góp vốn vào LienVietbank bằng giá trị VPSC và bằng tiền mặt theo tỷ lệ tối đa quy định góp phần cổ phần theo pháp luật hiện hành.

Như vậy, dự kiến vốn điều lệ LienVietBank sẽ tăng lên gần 5.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hơn 10.000 tỷ đồng nguồn vốn huy động của VPSC cũng sẽ được chuyển về LienVietBank theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Giá trị cụ thể cuối cùng thì phải chờ các cơ quan chức năng định giá theo quy định của pháp luật.

Sau khi mua lại VPSC, tên gọi LienVietBank sẽ  được đổi thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt. Điều này liệu có ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu của các ông?

Ngân hàng bưu điện (postbank) là mô hình được đánh giá cao trên thế giới. Ví dụ như tại Đức, postbank đại diện cho các sản phẩm đơn giản, chi phí thấp, và dễ  sử dụng, đồng thời cung ứng các kênh giao dịch rộng khắp. Tại Nam Phi, nhiều người tin tưởng vào Postbank vì hệ thống tài khoản tiết kiệm an toàn, tin cẩn với lãi suất tốt và điều khoản linh hoạt. Tại Nhât, postbank là đại biểu của sự an tâm và tín nhiệm và là hệ thống mà mọi người Nhật đều dùng được.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã tin tưởng cho phép LienVietBank ứng dụng và triển khai mô hình này. Đây là một mô hình mới tại Việt Nam nên sẽ được các tổ chức tài chính rất quan tâm để phát triển tài chính vi mô đến từng hộ gia đình.

Đối với vấn đề tên gọi, “Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt” là tên được Chính phủ cho phép LienVietBank sử dụng. Hội đồng Quản trị LienVietBank đang tổ chức nghiên cứu và sẽ phát động cuộc thi liên quan đến các vấn đề định vị thương hiệu, tên gọi, slogan… Bởi lẽ hệ thống tiết kiệm bưu điện đã tồn tại một thời gian rất dài trên thị trường, người gửi tiền cũng đã quen với thương hiệu này. Còn LienVietBank mặc dù mới ra đời nhưng thương hiệu cũng đã được mặc định trong lòng người. Do đó, việc kết hợp lồng hai tên vào một chủ thể có ý nghĩa rất lớn cho cả “Bưu điện” và “Liên Việt”.

Tuy nhiên, có thể khẳng định, mô hình “Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt” chính là sự cộng sinh, cộng lực và cộng hưởng, đưa LienVietBank lên một tầm cao mới về mạng lưới và dịch vụ, mà nếu bình thường thì có khi 100 năm nữa mới làm được.

Bước đầu, chúng tôi sẽ thành lập chi nhánh tiết kiệm bưu điện ở “Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt” theo ý kiến chấp thuận của Thủ tướng và của Ngân hàng Nhà nước, để tiếp thu nguyên trạng VPSC, trong đó bao gồm mọi giá trị hữu hình, vô hình, đồng thời giữ nguyên quyền lợi, nghĩa vụ của VPSC đối với khách hàng như trước đây.

Về giai đoạn hậu sáp nhập, các dịch vụ sẽ được nâng lên với chất lượng cao hơn.

Hiện tại, công việc xác định giá trị doanh nghiệp này hiện còn khúc mắc gì không, thưa ông?

Việc xác định giá trị VPSC hoàn toàn làm theo chuẩn mực quốc tế, VNPT đã thuê tư vấn nước ngoài  đánh giá cả năm nay. Mọi việc đang đi vào quá trình hoàn tất và hiện chưa có mắc mớ  gì. Giả định có vấn đề về giá cả, thì quan điểm của LienVietBank là không “cò kè bớt một thêm hai” với Nhà nước, vì giả định chúng tôi có thiệt thòi thì sẵn sàng chấp nhận “ích nước” trước, sau đó mới đến “lợi nhà”.

Có thông tin về việc một số ngân hàng đánh tiếng mời ông... Ông có tính toán gì về công việc của mình sắp tới?

Gần đây và nhất là dịp trước Tết Nguyên đán, cũng có một số ngân hàng mời tôi cộng tác. Nhưng tôi nghĩ, ngay từ lúc thành lập ban trù bị, tôi là một trong những người đầu tiên xây dựng bộ máy và gắn bó với LienVietBank. Hiện nay, LienVietBank đang hướng đến mô hình ngân hàng có môi trường làm việc chuyên nghiệp, tạo nhiều động lực phấn đấu cho người lao động. Hơn nữa, chúng tôi đang có một bộ máy điều hành rất tốt, hệ thống quản trị hiện đại. Do đó, đối với tôi hiện tại và tương lai chỉ có LienVietBank và…golf thôi!