16:08 04/10/2024

Liệu pháp miễn dịch giúp cựu Tổng thống Mỹ vượt “án tử” ung thư

Hoài Phương

Sự ra đời của liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư thực sự là một cuộc cách mạng, góp phần quan trọng trong việc phòng, chống và đẩy lùi bệnh ung thư trên thế giới cũng như tại Việt Nam…

Cựu tổng thống Jimmy Carter trong buổi lễ mừng sinh nhật 100 tuổi hôm 1/10. Ảnh: Reuters
Cựu tổng thống Jimmy Carter trong buổi lễ mừng sinh nhật 100 tuổi hôm 1/10. Ảnh: Reuters

9 năm trước, cựu tổng thống Jimmy Carter - khi đó 91 tuổi – đã tổ chức một cuộc họp báo tại Trung tâm Carter ở Atlanta để thông báo bản thân mắc ung thư da ác tính, cực kỳ nguy hiểm. Khối u đã di căn lên não. Thế nhưng, hôm 1/10 vừa qua, vị cựu tổng thống này đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100. Ông hiện là tổng thống sống thọ nhất trong lịch sử nước Mỹ, sau khi cựu tổng thống George H.W. Bush qua đời vào năm 2018 ở tuổi 94.

Sự phục hồi kỳ diệu của ông Carter một phần nhờ vào may mắn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng liệu pháp miễn dịch ức chế điểm kiểm soát (checkpoint inhibitor therapies) cũng đóng vai trò quan trọng. Đây là một dạng liệu pháp điều trị ung thư, nhằm kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tự nhận diện và tiêu diệt tế bào ác tính.

Liệu pháp này hoạt động bằng cách loại bỏ tín hiệu ức chế trong hệ miễn dịch, cho phép các tế bào miễn dịch tấn công các tế bào ung thư một cách hiệu quả hơn. "Ông Carter là hình mẫu cho việc điều trị bằng liệu pháp miễn dịch", tiến sĩ Stephen Hodi, Giám đốc Trung tâm Ung thư Dana-Farber Brigham ở Boston, cho biết.

Vào thời điểm 9 năm trước, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vừa mới phê duyệt loại chất ức chế điểm kiểm soát đầu tiên, được gọi chung là ipilimumab. Ông Carter đã được điều trị bằng loại thuốc thứ hai cùng phân nhóm, có tên pembrolizumab. Thuốc chỉ được cấp phép một năm trước khi ông phát hiện mắc bệnh. Hiện nay, pembrolizumab, ipilimumab và các liệu pháp miễn dịch khác là trụ cột chính điều trị ung thư, bên cạnh phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

Ông Jimmy Carter hiện là tổng thống sống thọ nhất trong lịch sử nước Mỹ, sau khi cựu tổng thống George H.W. Bush qua đời vào năm 2018 ở tuổi 94.
Ông Jimmy Carter hiện là tổng thống sống thọ nhất trong lịch sử nước Mỹ, sau khi cựu tổng thống George H.W. Bush qua đời vào năm 2018 ở tuổi 94.

Bác sĩ David Lawson, Viện Ung thư Winship của Đại học Emory, cho biết ông đã điều trị cho cựu tổng thống Carter bằng pembrolizumab vì ở tuổi 91, cựu tổng thống vẫn còn rất khỏe mạnh và dẻo dai. Cựu tổng thống Carter ngừng dùng pembrolizumab sau 6 tháng, trong khi thời gian thông thường là hai năm. Ông đáp ứng thuốc tốt, vẫn tiếp xúc với nhiều người để tránh suy yếu hệ miễn dịch.

Theo USA Today, ngoài liệu pháp miễn dịch và phẫu thuật gan, ông Carter được xạ trị nhắm vào 4 khối u nhỏ trong não. Tiến sĩ Lawson, tiến sĩ Hodi và tiến sĩ Ribas đều đồng ý rằng ông sẽ không sống quá 6 tháng nếu không có pembrolizumab. "Tuổi thọ của một người bị di căn gan và não, ngay cả khi đã xạ trị và phẫu thuật, chỉ được tính bằng tháng. Tuy nhiên, chữa bệnh nhắm vào hệ miễn dịch có thể dẫn đến một cuộc sống bình thường", tiến sĩ Ribas nói.

Những nghiên cứu mới về liệu pháp miễn dịch chống ung thư không ngừng được đưa ra gần đây. Trong năm nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết các nhà nghiên cứu nước này đang hoàn tất những thử nghiệm vaccine chống ung thư. "Đây là một loại vaccine dùng cho liệu pháp miễn dịch ung thư", Bộ trưởng Murashko nói với hãng thông tấn TASS bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF). "Vaccine này đang trong quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng và chúng tôi dự kiến ​​sẽ nhận được kết quả đầu tiên vào cuối năm nay, sau đó tiến hành thử nghiệm lâm sàng".

Trong một cuộc phỏng vấn với Gazeta.ru vào tuần trước, người đứng đầu Viện Gamaleya - ông Aleksandr Gintsburg - đã mô tả loại vaccine mới, lưu ý rằng đây là một loại vaccine điều trị sẽ được tiêm cho những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. “Chúng sẽ là riêng lẻ, được thiết kế cho từng người cụ thể. Công nghệ này có thể tạo ra trong tế bào một nồng độ rất lớn kháng nguyên mục tiêu - loại protein mà nhà phát triển vaccine đã mã hóa trong mRNA. Điều này là cần thiết để chỉ cho hệ thống miễn dịch của người mắc bệnh ung thư cách phân biệt tế bào khỏe mạnh với tế bào ác tính", ông Gintsburg giải thích.

Các liệu pháp miễn dịch ung thư dựa trên mRNA mới cung cấp một con đường để huy động hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân để chống lại bệnh ung thư.
Các liệu pháp miễn dịch ung thư dựa trên mRNA mới cung cấp một con đường để huy động hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân để chống lại bệnh ung thư.

Vào tháng 5, các thử nghiệm lâm sàng về vaccine ung thư cũng đã bắt đầu ở Anh. Tờ The Guardian đưa tin phương pháp điều trị mới sử dụng vật liệu di truyền được gọi là ARN thông tin (mRNA) và hoạt động bằng cách đưa các dấu hiệu chung từ khối u đến hệ thống miễn dịch của bệnh nhân. Mục đích là giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và chống lại các tế bào ung thư có những dấu hiệu đó.

"Các liệu pháp miễn dịch ung thư dựa trên mRNA mới cung cấp một con đường để huy động hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân để chống lại bệnh ung thư", theo bác sĩ David Pinato tại Đại học Hoàng gia London. Ông Pinato cho biết nghiên cứu này vẫn đang ở giai đoạn sơ khai và có thể mất nhiều năm trước khi có thể áp dụng cho bệnh nhân.

Hồi đầu năm, một báo cáo đăng trên tạp chí Cancer Cell cho biết các nhà nghiên cứu quốc tế đã phát triển một công nghệ mới có thể giúp dự báo khả năng đáp ứng của bệnh nhân ung thư với liệu pháp miễn dịch áp dụng trong điều trị bệnh. Cụ thể, theo Viện Công nghệ Israel (Technion), các nhà khoa học của viện này cùng các đồng nghiệp từ Israel, Mỹ và Đức đã phát hiện ra rằng một loại bạch cầu trung tính trong máu có thể tác động trực tiếp lên hệ miễn dịch và kích thích chúng nhắm mục tiêu vào khối u, qua đó giúp việc điều trị bằng liệu pháp miễn dịch trở nên hiệu quả hơn.

Tại Việt Nam, liệu pháp miễn dịch có thể áp dụng cho một số bệnh ung thư đã được điều trị bằng phương pháp khác không thành công; hoặc phối kết hợp với các phương pháp khác ngay từ đầu để nâng cao hiệu quả tối ưu. Đây là những thông tin được Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ Phạm Văn Thức, Chủ tịch Hội miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam cho biết tại Hội nghị khoa học quốc tế Hội Miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam lần thứ nhất mới đây.

Phương pháp điều trị mới này là sử dụng các kháng thể đơn dòng, các tế bào miễn dịch, sử dụng vaccine trong điều trị ung thư, các thuốc tăng cường miễn dịch...
Phương pháp điều trị mới này là sử dụng các kháng thể đơn dòng, các tế bào miễn dịch, sử dụng vaccine trong điều trị ung thư, các thuốc tăng cường miễn dịch...

Giáo sư Phạm Văn Thức cho biết hiện các phương pháp điều trị ung thư phổ biến ở nước ta là phẫu thuật ung thư, xạ trị, hóa trị, điều trị bằng y học hạt nhân và gần đây đã ra đời một phương pháp điều trị mới là liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư. Phương pháp điều trị mới này là sử dụng các kháng thể đơn dòng, các tế bào miễn dịch, sử dụng vaccine trong điều trị ung thư, các thuốc tăng cường miễn dịch trong điều trị ung thư, trong đó nổi bật là phương pháp điều trị đích và điều trị miễn dịch.

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư đang được ứng dụng tại một số bệnh viện lớn tại Việt Nam như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quốc tế Vinmec… "Phương pháp miễn dịch trị liệu ung thư đã được áp dụng rộng rãi, thành công ở nhiều nước trên thế giới. Sự ra đời của các phương pháp này thực sự là cuộc cách mạng trong điều trị ung thư, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống và đẩy lùi bệnh ung thư trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam", GS.TS Thức nhấn mạnh.