12:59 27/09/2024

Một thế hệ vaccine dạng xịt mới sắp ra mắt

Hoài Phương

Vaccine dùng đường mũi được tin là bước đột phá lớn so với việc dùng vaccine truyền thống. Vaccine tiêm đã phát huy hiệu quả tốt trong ngăn chặn nguy cơ bệnh nặng nhưng lại chưa thực sự hiệu quả trong ngăn chặn bệnh lây lan…

Ảnh: HealthCentral
Ảnh: HealthCentral

Thay vì vaccine đựng các ống thủy tinh và phải được bảo quản ở nhiệt độ lạnh sâu, một số loại vaccine trong tương lai sẽ là vaccine dạng viên đóng vỉ và dạng xịt mũi. Theo Sean Tucker, nhà khoa học trưởng tại hãng dược Vaxart có trụ sở ở San Francisco, số lượng các công ty dược đang nghiên cứu, phát triển vaccine dạng xịt và dạng uống còn khiêm tốn so với hàng chục công ty đang đổ nguồn lực vào loại vaccine tiêm. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, trong 93 vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng hiện nay, chỉ có hai loại dạng viên và bảy loại dạng xịt.

Cơ quan Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) vừa phê duyệt FluMist - một loại vaccine cúm dạng xịt mũi mà người dùng có thể thực hiện tại nhà. Theo Reuters, đây là vaccine dạng xịt đầu tiên được phê duyệt. Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Sinh học của FDA, cho biết việc chấp thuận loại mới sẽ giúp người dân có thêm lựa chọn tiêm chủng an toàn, hiệu quả, thuận tiện, linh hoạt và dễ tiếp cận hơn.

Theo thông tin từ nhà sản xuất, FluMist chứa virus sống đã giảm độc lực, song có hiệu quả tương đương loại ngừa cúm khác. Vaccine dành cho người 2 - 49 tuổi, đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định. Nhưng những người 2 - 17 tuổi không được tự sử dụng vaccine, mà cần sự giám sát của nhân viên y tế. Washington Post cho biết FluMist sẽ được lưu hành trên thị trường trong năm 2025, phân phối thông qua các hiệu thuốc, cửa hàng dược phẩm. Người muốn mua phải trải qua quá trình khám sàng lọc, tư vấn tại hiệu thuốc, khi đủ điều kiện sẽ được sử dụng.

FluMist là một loại vaccine cúm dạng xịt mà người dùng có thể thực hiện tại nhà.
FluMist là một loại vaccine cúm dạng xịt mà người dùng có thể thực hiện tại nhà.

Hiện thế giới có nhiều loại vaccine cúm, trong đó thường gặp ba loại tứ giá, giúp phòng bốn chủng virus cúm mùa gồm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata và B/Victoria. Các vaccine này sử dụng cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi, hai mũi cách nhau một tháng, tiêm nhắc một mũi hàng năm. Trẻ từ 9 tuổi và người lớn chỉ cần duy trì chủng ngừa một lần mỗi năm.

Trước đó, hồi tháng 7, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cũng đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn một với vaccine Covid-19 thế hệ mới, dạng xịt mũi, trên người. Các nhà nghiên cứu cho rằng vaccine xịt có thể bảo vệ người dùng trước các biến chủng mới hiệu quả hơn so với vaccine dạng tiêm trước đó. "Chúng tôi đang tìm kiếm loại vaccine thế hệ tiếp theo. Trong suốt đại dịch, vaccine được sản xuất cực kỳ nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Nhưng chúng tôi cũng nhận ra các yếu điểm của chúng", tiến sĩ John Brownstein, nhà dịch tễ học kiêm giám đốc đổi mới tại Bệnh viện Nhi Boston, cho biết.

Vaccine mới có tên MPV/S-2P, điều chế từ virus viêm phổi chuột (MPV) đã suy yếu, không gây bệnh ở người. MPV sẽ mô phỏng một cách ổn định protein gai của nCoV, từ đó gắn vào tế bào người. Quá trình này hướng dẫn cơ thể nhận ra protein gây bệnh, huấn luyện tế bào miễn dịch tấn công chúng khi con người thực sự mắc Covid-19. Các nhà khoa học ghi danh 60 người tham gia, độ tuổi từ 18 đến 64. Họ đều đã tiêm ít nhất ba liều vaccine Covid-19 trước đó.

Tình nguyện viên được chia thành ba nhóm, mỗi nhóm nhận liều lượng vaccine khác nhau. Các nhà khoa học sẽ theo dõi họ 7 lần trong suốt một năm và đánh giá độ an toàn, hiệu quả miễn dịch trong mũi và máu. Thử nghiệm lâm sàng cần trải qua ít nhất ba giai đoạn. Sau đó, vaccine được đệ trình lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xin cấp phép. Vì vậy, vaccine có thể chưa ra mắt vào mùa thu năm nay.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ cũng đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn một với vaccine Covid-19  dạng xịt mũi.
Viện Y tế Quốc gia Mỹ cũng đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn một với vaccine Covid-19  dạng xịt mũi.

Giáo sư Reynold Panettieri, Trường Y Robert Wood Johnson thuộc Đại học Rutgers, giải thích các loại virus như nCoV xâm nhập cơ thể qua đường mũi, vào phổi, đến máu, từ đó lan khắp cơ thể. Các vaccine dạng tiêm thông thường đi qua máu, xây dựng khả năng miễn dịch. Quá trình này ngăn bệnh chuyển nặng và giảm tử vong, song không hiệu quả trong phòng ngừa lây nhiễm.

Việc tạo ra một niêm mạc hoặc tế bào lót, tương đương lớp miễn dịch trong mũi hoặc phổi sẽ gây khó khăn cho virus hơn. "Khi mọi người hít protein, cụ thể là protein gai virus trong trường hợp này, phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn nhiều so với tiêm", giáo sư Panettieri nói. "Vaccine dạng xịt cũng dễ chấp nhận hơn. Nếu nó ít gây khó khăn trong công tác phân phối, đồng thời cung cấp khả năng bảo vệ, lưu trữ tốt, đây có thể là bước quan trọng trong việc kiểm soát virus".

Một vaccine ho gà dạng xịt qua đường mũi cũng đang được thử nghiệm bằng việc sử dụng một mô hình và một ngân hàng tế bào do dự án Periscope tạo ra đang bước vào các pha cuối của thử nghiệm lâm sàng. Theo Rob Read, người dẫn đầu nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm ở ĐH Southampton, vaccine ho gà hiện thời không đủ sức ngăn ngừa vi khuẩn từ những người đã bị lây nhiễm – nó chỉ giúp ngăn chặn căn bệnh này khỏi tiến triển trong cơ thể. Điều đó có nghĩa là dẫu không bị ốm thì người nhiễm có thể vẫn còn mang trong người vi khuẩn ho gà và có thể truyền nó sang một người chưa được tiêm chủng khác.

Vaccine đường mũi đang được Camille Locht, người phụ trách Trung tâm Truyền nhiễm và miễn dịch của Viện Pasteur de Lille và nhóm của ông phát triển để chống lại vi khuẩn tại đường vào của nó với cơ thể và ngăn ngừa việc bị nhiễm. “Nó không chỉ bảo vệ cơ thể chống lại căn bệnh này mà còn bảo vệ cơ thể chống lại sự lây nhiễm”, ông nói. “Điều đó có nghĩa là vaccine dạng xịt mũi, nếu được sử dụng rộng rãi, có thể cuối cùng diệt trừ bệnh ho gà”.

Nếu các thử nghiệm thuận lợi, vaccine ho gà dạng xịt mũi có thể sẽ sẵn sàng vào năm 2026.
Nếu các thử nghiệm thuận lợi, vaccine ho gà dạng xịt mũi có thể sẽ sẵn sàng vào năm 2026.

Các thử nghiệm gần đây cho thấy, vaccine này hoạt động tốt ở một nhóm nhỏ (thử nghiệm lâm sàng pha 2B) và có kết quả tốt hơn so với vaccine hiện có. Bước tiếp theo của nó là thử nghiệm hiệu quả trên nhóm lớn hơn (pha ba). Dự đoán sẽ chỉ mất gần một năm để vaccine này vượt qua các ca thử nghiệm lâm sàng pha ba bằng sử dụng mô hình lây nhiễm người có kiểm soát do Periscope phát triển. Nếu tất cả cùng đi theo con đường này, vaccine ho gà dạng xịt mũi có thể sẽ sẵn sàng vào năm 2026.

Dù số lượng được nghiên cứu, phát triển ít, nhưng một khi các vaccine dạng xịt mũi này được cấp phép sử dụng, nó có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn trong cuộc chiến ngăn ngừa các bệnh đường hô hấp.

Phát biểu trước giới chức y tế tại một phiên hội thảo trực tuyến, bà Soumya Swaminathan, chuyên gia hàng đầu của WHO nhận định, vaccine dạng xịt là thông tin tốt lành. Những mẫu vaccine này có thể giúp giải quyết nhiều vướng mắc về hậu cần: Chúng có thể được vận chuyển qua đường bưu điện, có thể chuyển đến những nơi thiếu thốn tủ trữ lạnh và không cần đến một chuyên viên y tế có bằng cấp, trình độ để tiêm ngừa.