11:49 04/07/2022

Lo cho tương lai, nhiều người Trung Quốc không muốn đầu tư, xem cổ phiếu là tài sản kém hấp dẫn

Trang Linh

58,3% người Trung Quốc có tiền gửi tại ngân hàng được hỏi nói rằng họ muốn tiết kiệm tiền nhiều hơn, thay vì chi tiêu hay đầu tư...

58,3% người có tiền gửi tại ngân hàng được hỏi nói rằng họ muốn tiết kiệm tiền nhiều hơn, thay vì chi tiêu hay đầu tư - Ảnh: Getty Images
58,3% người có tiền gửi tại ngân hàng được hỏi nói rằng họ muốn tiết kiệm tiền nhiều hơn, thay vì chi tiêu hay đầu tư - Ảnh: Getty Images

Khảo sát quý 2 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho thấy xu hướng tiết kiệm của người tiêu dùng Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong hai thập kỷ.

Kết quả khảo sát cho thấy 58,3% người được hỏi nói rằng họ muốn tiết kiệm tiền nhiều hơn, thay vì chi tiêu hay đầu tư. Tỷ lệ này tăng so với 54,7% của quý 1 và là mức cao nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được thống kê vào năm 2002.

Kỷ lục mới này được thiết lập trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc vẫn đang áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát đợt bùng dịch Covid-19 tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2020.

Trong tháng 4 và tháng 5, thành phố Thượng Hải đã phong tỏa cứng phần lớn thành phố, trong khi đó Bắc Kinh triển khai một số biện pháp mạnh như cấm hoạt động ăn uống tại các nhà hàng. Nhiều thành phố lớn khác cũng phong tỏa một phần hoặc hạn chế nghiêm ngặt để ứng phó với dịch bệnh.

Đến nay, cả Thượng Hải và Bắc Kinh đều đã nới lỏng các hạn chế. Tuần này, Chính phủ Trung Quốc đã giảm thời gian các ly với khách quốc tế và người dân trong nước tiếp xúc gần với người nhiễm Covid.

PBOC cho biết cuộc khảo sát hàng quý, được thực hiện kể từ năm 1999, có sự tham gia của 20.000 người có tiền gửi ngân hàng ở 50 thành phố lớn, trung bình và nhỏ ở Trung Quốc. Nguyên nhân chính khiến cho người tiêu dùng Trung Quốc tỏ ra thận trọng trong vấn đề tài chính là nỗi lo lắng về thu nhập trong tương lai.

Bằng một số biện pháp, cuộc khảo sát của PBOC phát hiện xu hướng giảm kỳ vọng thu nhập của người dân. Theo cơ sở dữ liệu của công ty CEIC, chỉ số về triển vọng việc làm đã giảm xuống còn 44,5%, thấp nhất kể từ quý 1/2009 (42,2%).

Tỷ lệ chung của những người được hỏi có xu hướng chi tiêu, thay vì tiết kiệm hay đầu tư, tăng nhẹ so 0,1 điểm phần trăm lên 23,8% so với quý 1.

“Với những người tiêu dùng định tăng chi tiêu trong 3 tháng tới, thì lựa chọn phổ biến là giáo dục, theo sau là y tế và các món đồ giá trị lớn”, khảo sát chỉ ra.

Tuy nhiên, tỷ lệ những người có xu hướng đầu tư giảm 3,7 điểm phần trăm xuống 17,9% trong quý 2, trong đó chứng khoán được xem là tài sản kém hấp dẫn nhất.

Tỷ lệ thất nghiệp tại 31 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã vượt mức cao nhất ghi nhận trong đại dịch, với 6,9% trong tháng 5. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên từ 16 đến 24 tuổi ở mức cao 18,5%. Vài năm qua, lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đạt mức kỷ lục.

Để giải quyết tình trạng thất nghiệp ở người trẻ, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) - cơ quan hoạch định kinh tế của Trung Quốc dự kiến triển khai “chính sách cứu trợ” nhằm giúp các doanh nghiệp ổn định và tăn cường tuyển dụng.

“Các doanh nghiệp nhỏ mang lại việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học và đáp ứng một số điều kiện khác có thể được nhận hỗ trợ”, Phó Tổng thư ký Yang Yinkai của NDRC cho biết. “Chính phủ sẽ tiến hành đào tạo kỹ năng nghề và đẩy nhanh việc tuyển dụng công chức và giáo viên cho các trường học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở”.

Đầu tháng này, Chính phủ Trung Quốc cũng kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước tăng cường tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp đại học trong năm nay.

Trong một thông cáo đầu tháng này, PBOC cho biết sẽ áp dụng các biện pháp thúc đẩy việc làm, bao gồm giúp người lao động di cư và sinh viên đại học có đủ điều kiện nhận các khoản vay khởi nghiệp ở những nơi cách xa quê hương của họ.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng cho biết sẽ khuyến khích các ngân hàng thương mại gia hạn nợ đối với các doanh nghiệp nhỏ và tài xế xe tải, cũng như những người đang vay tiêu dùng và vay thế chấp mua nhà.