15:51 05/12/2024

Lộ diện các đối tượng trong đường dây lưu hành 1,97 triệu USD giả nhờ nghiệp vụ cao của nhân viên ngân hàng

Đỗ Mến

Khi giao dịch, nhân viên ngân hàng nghi vấn tiền đô la giả nên hỏi thêm khách hàng còn tiền đô la nữa không. Khi các đối tượng đưa thêm  tiền, nhân viên đối chiếu, xác định là tiền giả lập biên bản và báo cơ quan công an…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 5/12, TAND TP Hà Nội xử phạt bị cáo Lưu Như Cương (SN 1972, ở Long Biên) mức án 20 năm tù, Trần Mạnh Cường (SN 1971, ở Ba Đình) 17 năm tù, Vũ Thị Nhài (SN 1966, ở Bình Thuận) 12 năm tù, Nguyễn Văn Phương (SN 1964, ở Bà Rịa- Vũng Tàu) 12 năm tù, Nguyễn Thị Thúy (SN 1970, ở Bình Tân, TP HCM) 14 năm tù về tội Lưu hành tiền giả.

Theo cáo trạng, khoảng 16h ngày 18/9/2023, tại Phòng giao dịch ngân hàng Vietcombank chi nhánh Nam Cao, quận Ba Đình, Hà Nội, nhân viên ngân hàng tiếp nhận 2 tờ tiền đô la Singapore mệnh giá 10.000 đô la/1 tờ, do chị Dương Thị Thoa đến phòng giao dịch yêu cầu để đổi sang tiền Việt Nam đồng.

Do nghi vấn là tiền đô la giả nên nhân viên ngân hàng trao đổi với chị Thoa về việc còn tiền đô la Singapore để đổi nữa không. Lúc này, chị Thoa gọi cho Phạm Thị Thu Hiền để mamg thêm tiền đến đổi. Hiền đi cùng Vũ Lan Anh đến ngân hàng.

 Lúc này, Trần Mạnh Cường đứng bên ngoài đưa cho Hiền 98 tờ đô la Singapore mệnh giá 10.000 đô la/1tờ để vào trong ngân hàng giao dịch đổi sang tiền Việt Nam đồng.

Sau khi so sánh, đối chiếu thì nhân viên ngân hàng trả lời là tiền đo la giả nên đã lập biên bản sự việc và báo Công an phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội đến giải quyết.

Công an thu giữ của Cường 100 tờ đô la Singapore mệnh giá 10.000 đô la/1 tờ. Căn cứ lời khai của các đối tượng, cơ quan công an đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Trần Mạnh Cường. Từ đây đường dây lưu hành tiền giả trị giá hàng triệu USD được hé lộ. Trần Mạnh Cường khai nhận số tiền này của Lưu Như Cương đưa cho để bán.

Kết quả điều tra xác định, khoảng đầu tháng 4/2022, thông qua mối quan hệ ngoài xã hội, Cương đến khu vực gần cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn gặp một người đàn ông (không quen biết) mua 1 triệu đô la Singapore giả gồm 100 tờ mệnh giá 10.000 với giá 5 triệu đồng, sau đó mang về nhà cất giữ.

Đến khoảng đầu tháng 9/2023, Cương lại tiếp tục lên khu vực cửa khẩu Lạng Sơn gặp người đàn ông trên mua thêm 1 triệu đô la Singapore giả với giá 5 triệu đồng.

Ngày 18/9/2023, Cương quen biết với Cường. Hai người trao đổi với nhau về việc Cương đang có lượng tiền đô la Singapore và nhờ Cường đổi với mức giá 1 triệu đô la Singapore lấy 12 tỷ đồng. Nếu Cường đổi được nhiều hơn sẽ được hưởng phần chênh lệch. Sau đó Cường liên hệ với Cương để nhận tiền. Khi giao tiền tại một quán cà phê, Cương nói với Cường đã kiểm tra tiền qua máy đếm tiền nhiều lần nhưng không phát hiện là tiền giả.

Sau đó Cương gửi cho Cường tài khoản ngân hàng và ảnh chụp Căn cước công dân để Cường thanh toán khi bán được số đô la kể trên.

Nhận 1 triệu đô la, Cường đã tham khảo trên mạng Internet về cách phân biệt tiền đô la Singapore và tỷ giá của loại tiền này và được biết 1 triệu đô la Singapore có giá trị khoảng 17 tỷ đồng, chênh lệch rất lớn so với giá 12 tỷ đồng mà Lưu Như Cương định bán cho Cường.

Lúc đó, Cường nhận thức được rằng, nếu là đô la thật thì Cương có thể tự bán được, không cần nhờ Cường vì Cường không phải người hiểu biết về tiền tệ, đồng thời số tiền này nhìn không sắc nét, do vậy Cường biết số tiền đô la này là tiền giả.

Tuy nhiên, do Cương nói số tiền đô la trên đã kiểm tra máy đếm tiền nhiều lần và máy không phát hiện là tiền giả nên Cường đã liên hệ với 2 người đàn ông tên Công và Tuấn để nhờ họ đổi tiền.Ông Công và Tuấn nói có thể giúp đổi 1 triệu đô la Singapore lấy 13 tỷ đồng, hẹn Cường đến ngân hàng để đổi tiền.

Chiều ngày 18/9/2023, Cường đến điểm hẹn gặp ông Tuấn cùng 2 người phụ nữ là chị Dương Thị Thoa và Phạm Thị Thu Hiền. Cường đưa trước cho 2 người phụ nữ 2 tờ tiền giả để mang vào Ngân hàng đổi trước. Sau đó hai người phụ nữ đi ra báo là tiền đảm bảo nên Cường đã đưa nốt 98 tờ còn lại để mang vào Ngân hàng đổi. Họ không ngờ, phía Ngân hàng đã báo Cơ quan Công an đến giải quyết.

Cơ quan điều tra xác định Cương, Nhài, Phương và Thúy còn lưu hành 97 tờ tiền đô la Singapore giả mệnh giá 10.000 SGD. Khi Thúy cầm số tiền giả này đến địa phận tỉnh Quảng Bình thì bị cơ quan công an kiểm tra, bắt giữ.

Theo Viện kiểm sát, Lưu Như Cương lưu hành 1,97 triệu đô la Siangapore (có giá trị tương ứng với hơn 34 tỷ đồng); Trần Mạnh Cường lưu hành 1 triệu đô la Singapore giả (có giá trị hơn 17 tỷ đồng); Vũ Thị Nhài, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Thị Thúy lưu hành 97 tờ tiền đô la giả (có giá trị tương ứng hơn 17 tỷ đồng).

 

Tội phạm tàng trữ và lưu hành tiền giả là một trong những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và trật tự xã hội. Do đó, việc xử lý nghiêm khắc đối với hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả là điều cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người dân và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Theo cơ quan công an, để phòng ngừa hiệu quả, người dân cần chú ý không lưu hành tiền giả, tuyệt đối không sử dụng tiền giả trong bất kỳ giao dịch nào, hành vi này có thể bị coi là phạm pháp.

Khi phát hiện tiền giả liên hệ ngay công an hoặc ngân hàng gần nhất để trình báo và nộp lại tiền giả, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu có thông tin về nguồn gốc tiền giả hoặc người cung cấp, cần cung cấp ngay cho cơ quan chức năng để hỗ trợ quá trình điều tra.