10:42 11/05/2012

Lo mất “miếng bánh” trên thị trường bưu chính

Mạnh Chung

Miếng bánh thị phần bưu chính đang bắt đầu bị chia sẻ và “hao hụt” dần khi Việt Nam chính thức mở cửa từ ngày 11/1/2012

Việt Nam hiện có khoảng 44 doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư, 43 doanh nghiệp được xác nhận thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát.
Việt Nam hiện có khoảng 44 doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư, 43 doanh nghiệp được xác nhận thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát.
Nguy cơ cạnh tranh gay gắt, bị chia sẻ, mất dần thị phần của các doanh nghiệp bưu chính nội đang trở thành hiện hữu, khi một số tập đoàn, công ty chuyển phát hàng đầu thế giới trước đây vào Việt Nam theo hình thức liên doanh, liên kết đã bắt đầu tách ra kinh doanh độc lập.

Theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), từ ngày 11/1/2012, Việt Nam mở cửa hoàn toàn, cho phép các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia kinh doanh dịch vụ chuyển phát. Điều này cũng có nghĩa, doanh nghiệp bưu chính vốn có nhiều khó khăn trong những năm qua, nay sẽ lại càng thêm khó!

Cạnh tranh gay gắt

Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 44 doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư, 43 doanh nghiệp được xác nhận thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát và rất nhiều doanh nghiệp hoạt động “chui”.

Theo "sách trắng" về công nghệ thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu bưu chính năm 2008 là gần 7.000 tỷ đồng, 2009 là 8.100 tỷ và 2010 là 9.100 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu bình quân đạt khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, tương đương với 17 - 18%/năm.

Ông Đỗ Ngọc Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) cho rằng, mặc dù tốc độ tăng trưởng trên là rất rốt nhưng nhìn sâu trong đó, phần dịch vụ bưu chính theo đúng nghĩa thì doanh thu 2008 chỉ 2.300 tỷ đồng, 2009 khoảng 3.100 tỷ và 2010 trên 4.000 tỷ đồng, tức tỷ trọng của dịch vụ bưu chính nằm trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp bưu chính chiếm 44%, do có sự chồng lấn giữa vận tải, hàng hóa.

Điều đó có nghĩa các doanh nghiệp đã phải gắng gượng đa dạng sản phẩm vận chuyển để tồn tại, phát triển.

Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) là doanh nghiệp bưu chính lớn thứ hai sau VNPost. Nhưng theo Tổng giám đốc Lương Ngọc Hải, thời gian qua, Viettel Post đã phải gồng mình cắt giảm các chi phí, lợi nhuận để duy trì hoạt động. Giờ Nhà nước lại tăng lương trên 20% nhưng bưu chính vẫn nằm im. Tuy vậy, Viettel Post vẫn phải tăng lương cho công nhân bởi thực chất nhân công bưu chính chiếm 50-70% trong hoạt động bưu chính.

“Bưu chính hiện vẫn chưa tăng giá và Viettel Post vẫn tiếp tục phải gồng mình chịu lỗ thêm một thời gian nữa, sau đó cố gắng điều chỉnh cho phù hợp”, ông Hải nói với VnEconomy.

Sự khó khăn trên của ngành bưu chính, như thế vẫn chưa đủ. Sức ép cạnh tranh do mở cửa thị trường bưu chính theo cam kết WTO với các doanh nghiệp nội đang trở nên gay gắt. Miếng bánh thị phần bắt đầu bị chia sẻ và “hao hụt” dần!

Ông Đỗ Ngọc Bình cho biết, 4 nhà khai thác có mạng lưới toàn cầu là FedEx, UPS (Mỹ), TNT (Hà Lan) và DHL (Đức) đềut đã có mặt tại Việt Nam. Trước đây, khi chưa mở cửa, các công ty này vào Việt Nam buộc phải hợp tác với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Việt làm đại lý cho họ.

Nhưng nay, sau thời điểm 11/1 trên, FedEx đã dừng hợp đồng tài chính với VNPost ra làm với đơn vị tư nhân, UPS cũng “băng” ra ngoài kinh doanh độc lập. Khả năng DHL cũng đang tính rút vốn nốt để trở thành doanh nghiệp 100% vốn ngoại. TNT cũng không loại trừ.

“Với kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế của các công ty này, các doanh nghiệp nghiệp bưu chính trong nước sẽ phải đối mặt với cạnh tranh rất lớn”, ông Bình lo cho viễn cảnh sắp tới.

Chọn hướng đi nào?

Vấn đề đặt ra lúc này là các doanh nghiệp bưu chính sẽ chọn hướng đi như thế nào để có thể đứng vững, phát triển, có thể cạnh tranh ngang ngửa thậm chí vượt các tập đoàn, công ty có mạng lưới toàn cầu trên thế giới.

Ngoài những lợi thế “sân nhà”, am hiểu thị trường nội địa, theo ông Hải, các doanh nghiệp cần phải tính đến hợp tác sử dụng chung hạ tầng, cũng như câu chuyện viễn thông trước đây và bây giờ bắt đầu dùng chung. Điều đó không chỉ có lợi ích lớn cho nền kinh tế mà doanh nghiệp cũng sẽ giảm được đầu tư.

Ông lấy ví dụ, mỗi tháng Viettel Post mất hơn 2 tỷ đồng tiền xăng dầu (chưa kể các chi phí khác như nhân công,…), nhưng hai hay nhiều doanh nghiệp hợp tác lại, mỗi bên bỏ ra 2 tỷ đồng thì sản lượng tăng gấp hai lần. Vì nếu trước đây, doanh nghiệp chỉ chạy một chuyến Hà Nội - Hải Phòng/ngày thì nay hai "anh" hợp tác sẽ chạy được cả sáng và chiều, tần suất phục vụ khách hàng sẽ được nhiều hơn, các doanh nghiệp sẽ tận dụng được mạng lưới của nhau.

“Doanh nghiệp bưu chính phải cùng nhau hợp lực chống lại sự cạnh tranh rất khó khăn khi thị trường bưu chính Việt Nam đã mở cửa”, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bưu chính đưa ra quan điểm.

Hướng “đi ra nước ngoài” như viễn thông cũng được các doanh nghiệp tính đến. Vì theo các doanh nghiệp bưu chính, kinh doanh nội địa giá rất thấp nhưng kinh doanh giá quốc tế rất cao, trong khi tương lai lợi nhuận của phần dịch vụ quốc tế lớn hơn nhiều so với trong nước.

Điển hình như Viettel Post sang Campuchia từ năm 2009, nhưng chỉ 2 năm sau là hòa vốn và năm 2012 doanh nghiệp này tại Campuchia đã tự hoạch toán.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc VNPost cho rằng, do lợi nhuận của dịch vụ trong nước của các nhà khai thác hiện nay chưa nhiều và chi phí khai thác lớn nên doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc cung cấp dịch vụ ra thị trường quốc tế.

Ông Bình phân tích, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam đi ra quốc tế là vô cùng hạn chế và hầu như bị bốn nhà khai thác lớn trên khống chế đầu ra mạnh vì họ có mạng lưới toàn cầu. Mặc dù bưu chính Việt Nam có quan hệ với 200 nước nhưng rất nhiều tuyến điểm đến doanh nghiệp Việt vẫn phải hợp tác với các nhà khai thác này.

Theo ông Bình, trong tương lai, rất gần đây thôi, khi doanh nghiệp cũng tính đến đi ra quốc tế bởi đối tượng khách hàng trong nước đi quốc tế và quốc tế đến Việt Nam với tốc độ toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, thì sức ép cạnh tranh với tất cả các doanh nghiệp sẽ không chỉ liên quan đến các sản phẩm “out và in” quốc tế mà còn liên quan đến cả sản phẩm trong nước nữa.

Thực tế, sự phát triển nhanh chóng của viễn thông, công nghệ thông tin đã và đang dẫn đến việc sử dụng thay thế dịch vụ. Việc chuyển phát về tài liệu, ấn phẩm... có xu hướng bão hòa và suy giảm, nên nguy cơ lớn mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc suy giảm sản lượng.

Vì thế, hướng đi trước mắt và “cấp thiết” cho các doanh nghiệp bưu chính là phải đa dạng hóa các sản phẩm vận chuyển. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính cần phải khai thác những mảng dịch vụ khác nữa, nhất là những khoảng dịch vụ “chồng lấn” như vận tải, hàng hóa.

“Môi trường giao thương điện tử có xu thế phát triển mạnh là điều kiện để doanh nghiệp phát triển hướng kinh doanh mới. Để mua bán được phải có thông tin. Việc thanh toán, giao nhận hàng hóa… đều được thông tin số hóa hết, chỉ còn mỗi phần chuyển hàng vẫn phải làm vật lý và đây chính là vai trò của các nhà khai thác bưu chính và là cơ hội thuận cho chúng ta”, Tổng giám đốc VNPost Đỗ Ngọc Bình nhìn nhận.