16:22 11/04/2023

Lỗ nặng, cổ phiếu POM vào diện kiểm soát, từ 17/4 tới

Hà Anh

HOSE đưa 278,5 triệu cổ phiếu POM vào diện kiểm soát từ ngày 17/4 tới do công ty vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp.

Sơ đồ giá cổ phiếu POM từ đầu năm 2023 đến nay trên HOSE.
Sơ đồ giá cổ phiếu POM từ đầu năm 2023 đến nay trên HOSE.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo quyết định đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát Công ty Cổ phần Thép POMINA (mã POM-HOSE).

Theo đó, HOSE đưa 278,5 triệu cổ phiếu POM vào diện kiểm soát từ ngày 17/4 tới do công ty vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp.

Trước đó, ngày 6/4/2022, SSC đã có công văn phản hồi về việc không chấp thuận gia hạn nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022 đối với POM do không thuộc trường hợp được tạm hoãn.

Lý giải về việc chậm công bố thông tin theo quy định, Thép Pomina cho rằng, việc thu thập xác nhận từ nhà cung cấp nước ngoài của phía kiểm toán chưa đầy đủ, dẫn tới công ty chưa thể hoàn thành báo cáo theo quy định.

Theo BCTC năm 2022 tự lập, POM báo lỗ quý 4 là 460 tỷ và luỹ kế năm 2022 âm tới 1.168 tỷ đồng - trong khi năm trước lãi ròng 206 tỷ.

Trước đó, trong danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ quý 2/2023 được HOSE công bố, POM tiếp tục góp mặt với lý do lỗ sau thuế hợp nhất bán niên 2022.

Trên thị trường, cổ phiếu POM hiện giao dịch tại mức 4.930 đồng với thanh khoản trung bình chỉ hơn 110.000 đơn vị/phiên.

Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép dự kiến sẽ phục hồi 1% so với cùng kỳ, lên 1,8 tỷ tấn vào năm 2023, sau khi giảm 2,3% trong năm 2022. Nhu cầu ở cả thị trường Mỹ và Châu Âu dự kiến sẽ giảm trong năm tới do suy thoái kinh tế.

Nhu cầu tại thị trường ASEAN dự kiến sẽ duy trì ổn định trong năm 2023, sau khi tăng trưởng 4~6% trong năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu sang các đối tác thương mại lâu năm vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng công suất trong những năm gần đây ở các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia, và Phi-lip-pin.

Theo đó, SSI Research dự báo xuất khẩu thép thành phẩm có thể giảm hơn 10% so với cùng kỳ trong năm 2023. Cụ thể: lợi nhuận của các công ty có thể phục hồi từ năm 2022 nhưng vẫn còn rủi ro cao: Giá thép và nguyên liệu thô ổn định hơn có thể giúp ổn định lợi nhuận của các công ty thép trong năm 2023. Tuy nhiên, nhu cầu yếu có thể dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp, chỉ ở mức 60~75% (so với trên 80% trong năm 2022 và hơn 90% trong năm 2021), điều này sẽ gây áp lực lên doanh thu, dòng tiền và tỷ suất lợi nhuận của công ty trong năm tới.

Ngoài ra, khoảng cách giá giữa Việt Nam và các thị trường khác ngày càng thu hẹp sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu kém hấp dẫn hơn so với giai đoạn 2020-2021.

Mới đây, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á đã có đơn rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu trên HOSE. Công ty cho biết, lý do xin rút hồ sơ là do tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2022 toàn ngành nói chung và Công ty Cổ phần Tôn Đông Á nói riêng không khả quan.