10:48 11/11/2017

"Lo nhất là nhân sự trưởng đặc khu"

Nguyễn Lê

Mọi cái mới đều xuất phát từ cá nhân và phải giao đủ quyền lực cho cá nhân đó

Đại biểu Đỗ Thị Lan phát biểu tại tổ.
Đại biểu Đỗ Thị Lan phát biểu tại tổ.

Thảo luận tổ về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chiều 10/11, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tán thành phương án chính quyền địa phương đặc khu là thiết chế trưởng đặc khu.

Nhưng, theo đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) thì lo nhất là nhân sự cụ thể, vì các vị này có thật giỏi thì đặc khu mới mạnh được. Quan điểm này cũng được sự đồng tình của Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và các đại biểu khác.

Khẳng định cán bộ là khâu quyết định, ông Chính nói nhân sự vẫn là do địa phương quyết định còn Trung ương sẽ hỗ trợ.

Phải có bàn tay sắt

Dù Chính phủ để hai phương án song các tổ thảo luận đều có ý kiến chọn phương án 1 - thiết chế trưởng đặc khu cho mô hình tổ chức.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng thiết chế trưởng đặc khu không trái với Hiến pháp, vì Hiến pháp trao quyền cho luật định, dù có khác với luật tổ chức chính quyền địa phương thì luật ra sau có thể khác. Ông Minh cũng cho rằng mọi cái mới đều xuất phát từ cá nhân và phải giao đủ quyền lực cho cá nhân đó.

Đại biểu Đỗ Tiến Sỹ (Hưng Yên) bày tỏ: mô hình này mới với Việt Nam, nhưng không mới với thế giới, muốn quyết đoán mạnh mẽ thì nên giao quyền cho trưởng đặc khu. "Tôi nhất trí phương án 1 - tổ chức thiết chế trưởng đặc khu, chứ phương án 2 thì lai căng, vừa cũ vừa mới, bìu ríu mãi, lại xin ý kiến thì mất đi cơ hội. Quan trọng là chọn người".

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cũng chọn phương án tổ chức bộ máy theo thiết chế trưởng đặc khu để đảm bảo tính hiệu quả, tinh gọn, tránh tình trạng việc gì cũng phải quyết định tập thể. Đại biểu khuyến cáo: "phải trao quyền cho cá nhân người đứng đầu đặc khu mạnh mẽ hơn, tránh tình trạng chồng lớp quản lý, thay vì cảnh "2 mẹ 1 cha" thì loanh quanh lại thành "2 cha 1 mẹ" thì không tạo được gì khác biệt".

Nguyên lý của việc tập trung quyền lực trong trường hợp này, theo ông Kim chính là mở hết cỡ cho không khí dân chủ tràn vào như một làn gió mới mẻ. Các cơ chế dân chủ trực tiếp, theo đó, phải đặt lên cao hơn so với dân chủ đại diện.

Đại biểu Kim cho rằng, các cấp giám sát với trưởng đặc khu chỉ cần chủ tịch tỉnh, trung ương và cơ chế hội nghị đại biểu nhân dân tổ chức định kỳ hàng quý hoặc 1 năm 2 lần để người đứng đầu trả lời trực tiếp trước nhân dân là được, không cần tới cả hội đồng nhân dân cấp tỉnh hay hội đồng tư vấn - giám sát…

"Làm đặc khu nhất định phải thành công, không được để sai sót. Cần rút kinh nghiệm từ sự thất bại của các khu kinh tế, khu chế xuất, khu cửa khẩu đã quá nhiều vừa qua. Muốn vậy, trưởng đặc khu cần phải có một bàn tay sắt chứ nếu không chắc không làm được", ông Kim phát biểu.

Không lo lạm quyền

Đồng ý trao quyền mạnh mẽ cho trưởng đặc khu song cũng còn nhiều ý kiến lo ngại về cơ chế giám sát để vị này không thể lạm quyền.

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ninh nói qua 7 năm thí điểm bỏ hội đồng nhân dân quận, huyện phường vẫn đảm bảo sự quyết định của địa phương và có đổi mới. Với đặc khu có nhiều cơ chế để giám sát, vì Quốc hội có quyền thành lập đặc khu nên cơ quan của Quốc hội cũng có quyền giám sát đặc khu và trưởng đặc khu, hội đồng cấp tỉnh cũng có chức năng giám sát và còn giám sát của cấp uỷ đảng, mặt trận đoàn thể. Trưởng đặc khu cũng phải tiếp công dân liên quan đến thực hiện quyền lực nên việc giám sát vẫn đảm bảo, bà Lan phân tích.

Hoàn toàn thống nhất nguyên tắc phải có cơ chế kiểm soát phù hợp để tránh lạm quyền, đại biểu Minh cho rằng dự thảo luật đưa ra các hình thức giám sát khá đủ. Tuy nhiên, quy định thì còn chung. Cần làm rõ mối quan hệ công việc cũng như chế độ báo cáo với hội đồng nhân dân và uỷ ban tỉnh, các cơ quan Trung ương, tránh thực hiên giám sát hình thức hoặc giám sát tràn lan vì e lạm quyền, ông Minh đề nghị.

Nhất trí với phân tích của đại biểu Minh, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) nhấn mạnh vì đây là dự án luật cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nên cứ do dự nếp cũ thì khó bứt phá. Bà Nguyên cũng nhất trí phân tích cuả đại biểu Lan là có nhiều cơ chế giám sát, nhưng cần nghiên cứu đổi mới  giám sát hiệu quả, vì trưởng đặc khu được giao nhiều quyền lớn.

Dù vẫn còn quan ngại về việc hiểu Hiến pháp thế nào, "trong thâm tâm", Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu "cũng vẫn muốn có 1 bộ máy rất tinh gọn, mạnh mẽ, được trao quyền lực và có cơ chế kiểm tra, kiểm soát". 

"Đúng là chúng ta phải chấp nhận tư duy đổi mới, đột phá thì phải có sự khác biệt. Nhưng tôi vẫn băn khoăn về cách hiểu Hiến pháp cho đúng, và Ủy ban Pháp luật cũng băn khoăn chỗ này. Tôi nghĩ cứ để đại biểu  tiếp tục thảo luận và phát phiếu thăm dò để quyết 1 mô hình, nhưng dù mô hình nào cũng phải đảm bảo quyền lưc, làm rõ thẩm quyền, làm rõ chế độ trách nhiệm", ông Lưu nói.