Loạt địa phương bị “điểm tên” vì chất lượng chuẩn bị kế hoạch đầu tư công
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngoài nguyên nhân Covid-19, một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2021 đạt thấp là do chất lượng lập kế hoạch các dự án đầu tư công còn nhiều vấn đề…
Tính đến hết 31/8/2021, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt là 187.285,01 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (46,41%).
Theo ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù tốc độ giải ngân vốn đầu tư công giảm so với cùng kỳ 2020 nhưng tương đồng với tỷ lệ giải ngân các năm 2016-2019 (41-43%).
“Điều này cho thấy ngoài nguyên nhân là Covid-19 khiến hàng loạt dự án đầu tư công bị chậm tiến độ thì những khó khăn, vướng mắc “kéo lùi” giải ngân đầu tư công vẫn giống những năm trước”, ông Trung nhận định và cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do công tác lập kế hoạch ở các địa phương đang có vấn đề.
Theo quy định hiện nay, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải tổng hợp, báo cáo danh mục và số liệu giao kế hoạch hàng năm cũng như báo cáo việc thực hiện, giải ngân dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công theo Luật Đầu tư công.
Tuy nhiên, nhiều địa phương không quan tâm đến tính pháp lý của việc này, dẫn tới số liệu nhập trên hệ thống thường xuyên sai lệch so với văn bản báo cáo, hay tùy tiện điều chỉnh khi chưa có quyết định… dẫn tới hệ thống tổng hợp không chính xác, ảnh hưởng tới công tác thẩm định đầu tư.
Tính đến thời điểm này, 62 địa phương vẫn chưa nhập đầy đủ số liệu kế hoạch đầu tư công cho năm 2022. Trong đó, liên quan tới thu hồi vốn ứng trước gồm Hải Dương, Bắc Giang; chưa bố trí đủ vốn để các dự án hoàn thành hay đã hoàn thành và bàn giao cho Bộ Xây dựng gồm Hà Giang, Sơn La, Lai Châu; chưa bố trí vốn, đủ vốn cho dự án đã quá thời gian bố trí vốn, dẫn tới tăng tổng mức đầu tư gồm Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình, Hải Dương, Nam Định… Thậm chí, nhiều địa phương còn đề xuất vốn đầu tư công cho năm 2022 còn vượt cả vốn trung hạn mà Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, các địa phương thực hiện tốt việc lập kế hoạch và bố trí vốn, khả năng giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 sẽ đạt trên 90-95%.
“Thực trạng này cho thấy sự quan tâm của địa phương cũng như chất lượng lập kế hoạch đầu tư công là chưa ổn”, ông Trung nhấn mạnh.
Vì vậy, để giải quyết những vướng mắc hiện nay nhằm nâng cao chất lượng đầu tư công đồng thời với đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Đỗ Thành Trung cho rằng cùng với việc giảm tối đa dự án mới, tập trung dự án lớn, tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế để tránh dàn trải, các địa phương cần tiếp tục rà soát theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng để tập trung vốn đầu tư có trọng điểm, trọng tâm.
Riêng đối với vấn đề điều chuyển vốn kế hoạch năm 2021, đại diện Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân nêu rõ, Nghị quyết 63 quy định số vốn ngân sách trung ương được giao từ đầu năm cho các cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ ngân dưới 60% (đến ngày 30/9/2021) sẽ được điều chuyển cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu.
Điều đáng nói, theo ông Đỗ Thành Trung, mặc dù các địa phương liên tục đòi “trả” vốn nước ngoài song lại liên tục đề xuất bổ sung vốn trong nước. Đây là nghịch lý cần phải xem xét và và các địa phương cần phải có giải pháp khả thi để đẩy nhanh giải ngân vốn nước ngoài.
Về kế hoạch vốn năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tổng mức vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là 516.700 tỷ đồng, tăng 8,3% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 222.000 tỷ đồng (vốn trong nước 187.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 35.000 tỷ đồng), bằng với kế hoạch năm 2021; vốn ngân sách địa phương 294.700 tỷ đồng, tăng 15,4% so với kế hoạch năm 2021.
“Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, các địa phương thực hiện tốt việc lập kế hoạch và bố trí vốn, khả năng giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 sẽ đạt trên 90-95%. Đây sẽ là nguồn vốn quan trọng, “cứu cánh” cho tăng trưởng và phát triển sau gần 3 tháng các địa phương không thể triển khai dự án vì dịch Covid-19”, ông Trung khẳng định.