Loạt dữ liệu xấu đẩy giá dầu trượt khỏi đỉnh
Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, trượt khỏi đỉnh giá của năm 2019 thiết lập trước đó trong tuần
Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, trượt khỏi đỉnh giá của năm 2019 thiết lập trước đó trong tuần. Giới đầu tư đang lo ngại về tiến độ đàm phán thương mại Mỹ-Trung, trong khi những dữ liệu u ám về hoạt động sản xuất tại các nền kinh tế chủ chốt của thế giới làm dấy lên mối lo về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Cả giá dầu và thị trường chứng khoán Mỹ cùng chịu sức ép giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, sau khi thống kê từ châu Âu, Nhật Bản và Mỹ đều cho thấy hoạt động của các nhà máy trong tháng 3 kém hơn dự báo.
Loạt số liệu này dập tắt niềm hy vọng trước đó rằng nền kinh tế toàn cầu có thể đang khởi sắc sau thời gian suy giảm tăng trưởng vừa qua. Thậm chí, nhiều người đang lo kinh tế thế giới có thể rơi vào một cuộc suy thoái mới - hãng tin Reuters cho hay.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,83 USD/thùng, tương đương giảm hơn 1,2%, còn 67,03 USD/thùng.
Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau chốt phiên ở mức 59,04 USD/thùng, giảm 0,94 USD/thùng, tương đương giảm gần 1,6%.
Vào hôm thứ Năm, giá dầu Brent đạt đỉnh 4 tháng ở mức 68,69 USD/thùng, còn giá dầu WTI đạt mức cao nhất kể từ đầu năm ở mức 60,39 USD/thùng.
Với phiên giảm ngày thứ Sáu, giá dầu chốt tuần này ở ngưỡng không có sự thay đổi đáng kể so với cuối tuần trước.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng hơn 20% do nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, hay còn gọi là nhóm OPEC+. Ngoài ra, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela cũng gây gián đoạn nguồn cung dầu từ hai quốc gia thành viên OPEC này.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu cũng bị cản lại bởi đàm phán thương mại Mỹ-Trung chưa có kết quả cuối cùng và nền kinh tế toàn cầu gần đây phát đi thêm những dấu hiệu của sự giảm tốc.
"Dữ liệu nhà quản trị mua hàng (PMI) gây thất vọng ngày hôm nay từ Đức và Pháp đã khiến giới đầu tư toàn cầu bán mạnh những tài sản rủi ro" như chứng khoán và dầu, ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch công ty Ritterbusch & Associates, nhận xét.
Cho đến thời điểm hiện tại, cuộc đàm phán nhằm giải quyết chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có bước đột phá lớn nào. Theo dự kiến, các quan chức cấp cao của Mỹ sẽ tới Bắc Kinh vào ngày 28-29/3 để tiếp tục các cuộc thảo luận.
Trong một chương trình phỏng vấn phát sóng trên truyền hình Mỹ ngày thứ Sáu, Tổng thống Donald Trump nói cuộc đàm phán Mỹ-Trung đang tiến triển tốt và hai bên "có thể sẽ đi đến" một thảo thuận cuối cùng.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện nói rằng 3/4 doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi tin rằng xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm nay.
Một nhân tố khác gây áp lực giảm lên giá dầu hiện nay là sản lượng khai thác dầu ở mức kỷ lục của Mỹ. Từ đầu năm 2018 đến nay, sản lượng dầu của nước này tăng thêm hơn 2 triệu thùng/ngày, đạt kỷ lục 12,1 triệu thùng/ngày, đưa Mỹ vượt Nga và Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Do sản lượng dầu tăng mạnh, Mỹ đã nâng gấp đôi mức xuất khẩu dầu thô trong vòng 1 năm qua, lên mức hơn 3 triệu thùng/ngày. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo đến năm 2021, Mỹ sẽ trở thành nước xuất khẩu ròng dầu thô.