Loạt giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu
Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Công văn số 7881/NHNN-TD yêu cầu các ngân hàng thương mại quyết liệt triển khai các giải pháp tín dụng, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Văn bản nêu rõ, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân. Từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo về công tác tín dụng, ngoại tệ cho lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn và thường xuyên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung, không để thiếu hụt xăng dầu cho thị trường trong nước.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 2/11/2022 về quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại khẩn trương thực hiện 4 giải pháp sau:
Một là, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tại Công văn số 1509/NHNN-TD ngày 15/3/2022 về việc cấp tín dụng đối với doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu theo các nguyên tắc tín dụng hiện hành và quy định của pháp luật.
Hai là, chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách công bố trên website của Bộ Công Thương) phục vụ việc mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu đã được phân giao, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra thiếu hụt, không để xảy ra tình trạng trục lợi, vi phạm pháp luật.
Ba là, Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại chỉ đạo sát sao trong toàn hệ thống; tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có đủ điều kiện theo quy định; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm gây chậm trễ trong công tác tín dụng.
Bốn là, định kỳ hàng tháng, thực hiện báo cáo tình hình cấp tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu về Ngân hàng Nhà nước. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc thì kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để được xem xét, xử lý.