12:12 17/07/2024

Loạt thương hiệu thay thế CEO giữa cơn bão suy thoái

Minh Nguyệt

Sau một năm tăng trưởng kỷ lục, thị trường hàng xa xỉ đang rơi vào bế tắc, theo báo cáo của công ty tư vấn quản lý Bain & Company. Kết quả kinh doanh của một số tên tuổi lớn nhất châu Âu đã khiến thị trường chứng khoán Paris lao dốc đầu tuần này...

Ảnh: Euronews
Ảnh: Euronews

Trên sàn chứng khoán châu Pháp hôm thứ Hai vừa qua, cổ phiếu Kering giảm 3,42% xuống 327,60 euro, tương đương 357 USD, mức thấp nhất trong 6 năm. Con số này cảnh báo lợi nhuận nửa đầu năm sẽ giảm mạnh do nhu cầu yếu ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Christian Dior (-1,11% xuống 668 euro), Hermès (-0,78% xuống 2.153 euro) và LVMH (-1,46% xuống 714,20 euro) cũng không khá hơn. Louis Vuitton xác nhận doanh số bán hàng tại châu Á trong quý đầu tiên năm 2024 giảm 6%.

Theo Bain & Company, "khủng hoảng" của thị trường xa xỉ bắt nguồn từ Trung Quốc, nơi đang diễn ra hiện tượng "lên án sự xa hoa". Bên cạnh đó, trước sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và triển vọng tương lai ảm đạm, thế hệ trẻ đang trì hoãn việc chi tiêu cho hàng xa xỉ, theo Jing Daily. Còn ở thị trường Mỹ, dấu hiệu phục hồi đã bắt đầu xuất hiện khi nhiều khách hàng giàu có dẫn dắt đà tăng trưởng, nhưng những người mua sắm trẻ tuổi hơn tiếp tục trì hoãn việc mua hàng. Tại châu Âu, áp lực lạm phát vẫn ở mức cao đã khiến nhiều người tiêu dùng có sự thận trọng hơn trong chi tiêu.

Có thể nói, thị trường xa xỉ toàn cầu đang ở một ngã rẽ quan trọng. Chỉ những thương hiệu có thể thích nghi với những xu hướng mới và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mới có vị trí tốt để thành công trong những năm tới. Có lẽ vì vậy, thương hiệu thời trang xa xỉ nước Anh Burberry vừa thông báo thay thế CEO Jonathan Akeroyd sau chưa đầy 2 năm rưỡi tại vị.

Ông Joshua Schulman sẽ là CEO mới của Burberry.
Ông Joshua Schulman sẽ là CEO mới của Burberry.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh cổ phiếu Burberry lao dốc 17,20% sau khi ghi nhận "hiệu suất đáng thất vọng". Thương hiệu đã thông báo ngừng chi trả cổ tức và cảnh báo về khả năng thua lỗ trong nửa đầu năm nay nếu tình hình kinh doanh không cải thiện. Công ty cho biết sự suy giảm doanh số trong ngành hàng xa xỉ đã kéo dài sang tháng 7, khiến thương hiệu áo trench coat nổi tiếng khó lòng cạnh tranh với các tên tuổi lớn như Chanel và Louis Vuitton, theo Bloomberg.

Tiếp quản vị trí CEO là Joshua Schulman, người đã ghi dấu sự nghiệp qua nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các thương hiệu hàng đầu thế giới. Ông Schulman từng giữ chức CEO của Michael Kors năm 2021-2022. Trước đó, ông đã thành công trong việc vực dậy thương hiệu Coach trong thời gian giữ chức CEO và chủ tịch thương hiệu năm 2017-2020. Ông Schulman cũng từng có 5 năm kinh nghiệm làm chủ tịch cửa hàng bách hóa cao cấp Bergdorf Goodman thuộc tập đoàn Neiman Marcus. 

Với động thái này, Burberry cho biết thay vì tiếp tục theo đuổi kế hoạch nhắm đến phân khúc khách hàng cao cấp, thương hiệu quyết định chuyển hướng tập trung vào những người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn. Ông Murphy cho biết Burberry sẽ thực hiện những hành động quyết liệt để "cân bằng lại sản phẩm, hướng đến những khách hàng cốt lõi, đồng thời mang đến những sản phẩm mới phù hợp hơn". Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi phí, thương hiệu dự kiến sẽ cắt giảm hàng trăm nhân sự, chủ yếu tại bộ phận doanh nghiệp ở Anh, theo chia sẻ của giám đốc tài chính Kate Ferry.

Theo Reuters, trong thập kỷ qua, Burberry đã trải qua 3 lần thay đổi nhà thiết kế. Sự thay đổi liên tục này gây gặp khó khăn trong việc định hình bản sắc thương hiệu. Chủ tịch Gerry Murphy thừa nhận những nỗ lực tái định vị thương hiệu thành một nhãn hàng xa xỉ cao cấp không đạt được kết quả như mong đợi, tuy nhiên, ông Murphy vẫn đặt niềm tin vào nhà thiết kế Daniel Lee và khẳng định Lee sẽ không rời khỏi công ty.

Hai CEO mới tại Cartier và Van Cleef & Arpels: Louis Ferla và Catherine Rénier.
Hai CEO mới tại Cartier và Van Cleef & Arpels: Louis Ferla và Catherine Rénier.

Tương tự Burberry, tập đoàn Richemont nổi tiếng với đồng hồ xa xỉ Thụy Sĩ vừa bổ nhiệm hai CEO mới tại Cartier và Van Cleef & Arpels. Richemont hiện đứng thứ hai toàn ngành đồng hồ thế giới sau tập đoàn Swatch, và đứng thứ hai toàn ngành hàng xa xỉ thế giới sau tập đoàn LVMH. Không chỉ thế, Richemont đồng thời là tập đoàn có vốn thị trường đứng thứ 6 toàn Thụy Sĩ.

Theo quyết định mới nhất, kể từ ngày 1/9, Louis Ferla, hiện là CEO của Vacheron Constantin, sẽ kế nhiệm Cyrille Vigneron trở thành giám đốc điều hành Cartier – thương hiệu lớn nhất tập đoàn. CEO của Jaeger-LeCoultre, Catherine Rénier, sẽ tiếp quản thương hiệu đồng hồ xa xỉ Van Cleef & Arpels. Trong khi đó, ông Nicolas Bos được bổ nhiệm làm tân CEO của Richemont.

Sự thay đổi trong ban quản lý của Richemont chưa dừng lại ở đó. Sau tám năm lãnh đạo Cartier, ông Vigneron sẽ đảm nhiệm vị trí chủ tịch văn hóa và hoạt động từ thiện của thương hiệu. Giám đốc thương mại Laurent Perves sẽ đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc điều hành tạm thời của Vacheron Constantin, trong khi vị trí này ở Jaeger-LeCoultre tạm thời được giao cho giám đốc tài chính Philippe Hermann.

Trong giai đoạn ông Cyrille Vigneron lãnh đạo Cartier kể từ năm 2016, doanh số của thương hiệu đã tăng gấp đôi. Cartier đã tạo ra doanh số 10,5 tỷ euro trong năm tài chính 2024 và trở thành ông trùm trang sức lớn nhất thế giới. “Cartier đã có những đổi mới vượt bậc và tăng trưởng về mặt truyền thông, điều này đã thu hút được nhiều khách hàng trẻ tuổi hơn”, nhà phân tích Antoine Belge cho biết. 

Cựu giám đốc điều hành Louis Vuitton Alessandro Valenti trở thành CEO mới của Givenchy.
Cựu giám đốc điều hành Louis Vuitton Alessandro Valenti trở thành CEO mới của Givenchy.

Không nằm ngoài “cuộc đua” cải tổ thương hiệu, đầu tháng 7 này, Givenchy đã đề nghị cựu giám đốc điều hành Louis Vuitton Alessandro Valenti trở thành CEO mới của hãng. Ông sẽ thay thế Renaud de Lesquen, người đã lãnh đạo thương hiệu thời trang kể từ tháng 4/2020. LVMH, công ty mẹ của thương hiệu, đã công bố tin tức và lưu ý rằng cựu giám đốc điều hành của Louis Vuitton sẽ bắt đầu nhiệm vụ ngay lập tức.

Sidney Toledano, chủ tịch của Givenchy và là cố vấn của Givenchy cho biết: “Kiến thức sâu rộng của ông Valenti về ngành công nghiệp xa xỉ, bao gồm hơn 10 năm làm việc tại Louis Vuitton, cùng với chuyên môn bán lẻ và kỹ năng quản lý của ông, sẽ là tài sản quan trọng đưa Givenchy đạt được những cột mốc quan trọng mới”. Thông báo cũng đề cập rằng ông Valenti “quyết định đưa ra một hướng đi mới cho sự nghiệp của mình”, đồng thời sẽ hợp tác với giám đốc sáng tạo tiếp theo của Givenchy—bất cứ khi nào vị trí này được bổ nhiệm.

Như đã đề cập trước đó, giám đốc sáng tạo của Givenchy Matthew Williams đã từ chức vào cuối năm ngoái. Sự ra đi của cựu giám đốc sáng tạo người Mỹ chỉ sau 3 năm gắn bó đã khiến giới mộ điệu không khỏi lo lắng cho tương lai của Givenchy khi trước Williams, nhiệm kỳ của Clare Waight Keller tại thương hiệu xa xỉ nước Pháp cũng chỉ vỏn vẹn có 2 năm. Cho đến nay, nhà mốt chưa tuyên bố ai sẽ thay thế vị trí này.