03:48 24/01/2011

Lợi nhuận 2010 của bảo hiểm BIC tập trung ở quý 4

Hoàng Vũ

Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) công bố kết quả kinh doanh, hoàn thành tất cả các kế hoạch và các mục tiêu lớn của năm 2010

Năm 2010, BIC có sự tăng trưởng mạnh của kênh Bancassurance (tăng trưởng 133% so với 2009, đóng góp 12,9% vào tổng doanh thu).
Năm 2010, BIC có sự tăng trưởng mạnh của kênh Bancassurance (tăng trưởng 133% so với 2009, đóng góp 12,9% vào tổng doanh thu).
Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) công bố kết quả kinh doanh, hoàn thành tất cả các kế hoạch và các mục tiêu lớn của năm 2010.

Về các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh, BIC cho biết, tổng doanh thu lũy kế tính đến thời điểm 31/12/2010 đạt 875,570 tỷ đồng, tăng 40% so với  năm 2009. Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 36% so với năm 2009 và đạt 552,541 tỷ đồng.

Tính riêng quý 4/2010 (sau khi chuyển đổi sang mô hình tổng công ty cổ phần), doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BIC đạt 180,977 tỷ đồng, tăng trưởng 84% so với cùng kỳ 2009, hoàn thành 106% kế hoạch do đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất giao; doanh thu hoạt động đầu tư tài chính đạt 64,994 tỷ đồng, hoàn thành 130% kế hoạch.

Tổng lợi nhuận trước thuế lũy kế năm 2010 của BIC đạt 32,481 tỷ đồng. Lợi nhuận riêng quý 4/2010 đạt 27,046 tỷ đồng, hoàn thành 108% kế hoạch do đại hội cổ đông giao.

“Việc lợi nhuận 9 tháng đầu năm đạt thấp được BIC lý giải là do phải thực hiện trích lập dự phòng và thực hiện xử lý các vấn đề tài chính liên quan đến cổ phần hóa theo quy định”, thông cáo của BIC cho biết.

Tổng tài sản của BIC tại thời điểm 31/12/2010 đạt 2.506,849 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2009. Vốn chủ sở hữu đạt 682,652 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2009. Tổng quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đạt 251,299 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2009.

Về cơ cấu nguồn thu theo sản phẩm bảo hiểm, nhóm sản phẩm bảo hiểm tài sản kỹ thuật và xe cơ giới vẫn là các sản phẩm chủ đạo, có tốc độ tăng trưởng tốt so với năm 2009 và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu.

Các kênh phân phối truyền thống như đại lý, trực tiếp và môi giới vẫn tiếp tục giữ được tốt độ tăng trưởng mạnh, đặc biệt năm 2010 đã chứng kiến sự tăng trưởng đột phá của kênh Bancassurance (tăng trưởng 133% so với 2009, đóng góp 12,9% vào tổng doanh thu) và sự ra đời mang tính tiên phong trên thị trường của các kênh bán hàng trực tuyến (gồm bán bảo hiểm qua ATM, SMS, Internet, điện thoại,…).

Trong năm 2010, BIC đã mở thêm 15 phòng kinh doanh. Cùng với việc đưa hai công ty thành viên mới là BIC Bắc Bộ và BIC Sài Gòn vào hoạt động chính thức từ ngày 1/1/2011, mạng lưới hoạt động của tổng công ty này hiện đã lên tới 21 công ty thành viên với 74 phòng kinh doanh, hơn 500 cán bộ và trên 1.000 đại lý bảo hiểm trên toàn quốc. Các công ty bảo hiểm của BIC tại nước ngoài cũng đạt kết quả khả quan với việc LVI đã vươn lên vị trí thứ 2 về thị phần tại Lào, CVI đã vượt mốc 4% thị phần bảo hiểm tại Campuchia.

Bên cạnh kết quả kinh doanh chung và kế hoạch cổ phần hóa, ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc BIC nhấn mạnh một thành công khác trong năm 2010 của BIC là tỷ lệ bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại được duy trì ở mức thấp (38%).

Năm 2011, BIC đặt mục tiêu tổng doanh thu của toàn tổng công ty đạt 1.000 tỷ đồng, trong đó 716 tỷ đồng là từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm; lợi nhuận 100 tỷ đồng; nâng tổng số phòng kinh doanh lên 100; tỷ lệ chia cổ tức 10%.

Cũng trong năm 2011, BIC sẽ tập trung cho việc lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài, thực hiện định hạng tín nhiệm doanh nghiệp.

Tháng 12/2010 vừa qua, BIC đã được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VDS) chấp thuận được bảo lưu mã chứng khoán BIC và hiện nay Tổng công ty đang khẩn trương làm thủ tục liên quan để thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung vào cuối tháng 3/2011 đúng như kế hoạch cam kết với cổ đông.