11:01 15/01/2025

Lợi nhuận doanh nghiệp Trung Quốc trượt dốc

Ngọc Trang

Năm 2024, lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc ghi nhận năm giảm thứ ba liên tiếp và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm nay do áp lực giảm phát đè nặng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới...

Dư thừa công suất khiến giá cả hàng hóa giảm mạnh và ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp Trung Quốc - Ảnh: Getty Images
Dư thừa công suất khiến giá cả hàng hóa giảm mạnh và ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Theo dữ liệu mới nhất từ Tổng Cục Thống kê Trung Quốc (NBS), lợi nhuận của các doanh nghiệp có doanh thu trên 20 triệu nhân dân tệ (tương đương 2,7 triệu USD) của Trung Quốc giảm bình quân 4,7% trong 11 tháng đầu năm ngoái.

Con số này tăng so với mức giảm 4% ghi nhận trong cùng kỳ năm 2022 khi Trung Quốc đang trong giai đoạn phong tỏa nghiêm ngặt theo chiến lược phòng dịch Zero-Covid.

Trong 11 tháng đầu năm ngoái, doanh thu của nhóm doanh nghiệp này chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, tăng trưởng doanh thu của năm 2022 là 5,9% so với năm trước đó.

Dữ liệu từ NBS cũng cho thấy 25% doanh nghiệp có doanh thu trên 20 triệu nhân dân tệ ghi nhận lỗ trong 11 tháng đầu năm ngoái, so với tỷ lệ 16% của cả năm 2019 – thời điểm trước đại dịch. Dữ liệu này của NBS gồm kết quả kinh doanh của 500.000 doanh nghiệp.

“Lý do lớn nhất cho sự sụt giảm này là tình trạng giảm phát của nền kinh tế”, bà Laura Wang, chiến lược gia trưởng về chứng khoán Trung Quốc tại ngân hàng Morgan Stanley, nhận xét với tờ Financial Times.

Số liệu công bố GDP quý 4/2024 dự kiến công bố vào thứ Sáu tuần này sẽ cho thấy liệu Trung Quốc có đạt mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ năm 2024 là “khoảng 5%” hay không, trong bối cảnh nền kinh tế ì ạch và niềm tin của cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đều suy giảm.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng không đồng đều, khi tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu đang bù đắp cho nhu cầu nội địa yếu bởi các hộ gia đình đang thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm.

Theo số liệu chính thức công bố hôm thứ Hai, kim ngạch xuất khẩu tháng 12 của nước này tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo tăng 7,3% của các nhà phân tích trong khảo sát của hãng tin Reuters. Tuy nhiên, thặng dư thương mại tăng mạnh lên tới gần 1 nghìn tỷ USD trong năm ngoái vẫn không đủ để giải tỏa tình trạng dư thừa cung từ các nhà sản xuất trong nước. Dư thừa công suất đã tạo ra một cuộc cạnh tranh giá khốc liệt, buộc các nhà sản xuất phải hạ giá hàng hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi nhuận.

Dữ liệu từ NBS cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tại Trung Quốc đã giảm suốt 28 tháng. Xu hướng này được dự báo sẽ vẫn tiếp diễn trong năm nay.

“Trong bối cảnh PPI liên tục giảm trong thời gian dài, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngày càng teo tóp”, các nhà phân tích của ngân hàng Citi, nhận xét. “Nhu cầu yếu từ khách hàng cuối cùng và cạnh tranh quá khốc liệt sẽ càng khiến lợi nhuận của họ giảm xuống. Điều này ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư của doanh nghiệp”.

Dù nhận được sự hỗ trợ lớn từ nhà chức trách, các doanh nghiệp quốc doanh lớn của Trung Quốc nằm trong nhóm ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh nhất năm qua. Trong 11 tháng đầu năm, lợi nhuận của các doanh nghiệp này giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước, so với mức giảm 1% trở xuống của các doanh nghiệp tư nhân hoặc nước ngoài.

Theo các nhà phân tích, kết quả kinh doanh yếu kém của nhóm doanh nghiệp nhà nước là một gánh nặng cho ngân sách tài khóa của Bắc Kinh.

“Với tốc độ giảm như vậy, trong bối cảnh chính sách hiện tại, tôi cho rằng họ sẽ không thể duy trì trong vài năm nữa”, ông Lixin Colin Xu, cựu kinh tế trưởng tại Nhóm Nghiên cứu Phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB) và cũng là một chuyên gia về doanh nghiệp Trung Quốc, nhận định.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp Đại chúng Trung Quốc, trong số 5.368 công ty niêm yết tại Trung Quốc đại lục, 23% báo lỗ ròng trong 9 tháng đầu năm 2024, 40% ghi nhận lợi nhuận giảm và 45% ghi nhận doanh thu giảm.

Theo bà Wang của ngân hàng Morgan Stanley, trong bối cảnh giảm phát khiến mục tiêu tăng trưởng doanh thu ngày càng khó đạt hơn, các doanh nghiệp niêm yết cần chú trọng hơn vào việc mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư thông qua các cơ chế như mua lại cổ phiếu hoặc trả cổ tức.

“Trước đây, doanh nghiệp Trung Quốc thường tập trung nhiều hơn vào vào việc tái đầu tư để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng. Tư duy này phổ biến khoảng 20-30 năm trước. Nhưng giờ đây, họ phải thay đổi”, bà Wang khuyến nghị.