15:45 16/07/2024

Lợi nhuận nhóm chứng khoán: Công ty bé đua nhau báo lãi giảm và lỗ, margin toàn ngành dự kiến tăng mạnh

Tuệ Lâm

Ghi nhận từ VnEconomy cho thấy, ngoài MBS là công ty chứng khoán vốn tương đối lớn trên thị trường ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh, thì hầu hết các công ty chứng khoán nhỏ vừa hé lộ một quý kinh doanh kém khả quan...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mùa công bố kết quả kinh doanh đang đến gần, trong đó chứng khoán là một trong những nhóm ngành được thị trường mong đợi nhất. Ghi nhận từ VnEconomy cho thấy, ngoài MBS là công ty chứng khoán vốn tương đối lớn trên thị trường ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh, thì hầu hết các công ty chứng khoán nhỏ vừa hé lộ một quý kinh doanh kém khả quan.

CÔNG TY CHỨNG KHOÁN NHỎ ĐUA NHAU BÁO LÃI GIẢM, LỖ

Theo đó, MBS là công ty chứng khoán đầu tiên công bố báo cáo tài chính Q2/2024, với lợi nhuận sau thuế đạt 217 tỷ đồng duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023 tăng 75,4% và so với quý 1/2024 (+18,7%). Động lực chính cho tăng trưởng này đến từ hoạt động cho vay margin chủ yếu nhờ mở rộng quy mô dư nợ margin trong khi mảng Tự doanh có lợi nhuận tăng thấp và Môi giới ghi nhận sụt giảm tương đối.

Theo sau MBS, hàng loạt công ty chứng khoán quy mô nhỏ hơn cũng vừa hé lộ bức tranh tài chính - kinh doanh quý 2/2024 với kết quả kém khả quan hơn. 

Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS ghi nhận doanh thu hoạt động tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái đạt 653 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ 355 tỷ đồng tăng 200 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái; lãi cho vay margin cũng tăng mạnh lên 156 tỷ; doanh thu môi giới tăng nhẹ 111 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi chi phí hoạt động, chi phí tài chính và các chi phí phát sinh khác, Chứng khoán KIS ghi nhận lãi giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái còn 101,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm đến nay, công ty này vẫn báo lãi tăng mạnh 256 tỷ đồng so với con số cùng kỳ năm ngoái là 184 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) cũng ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý 2 vừa qua. Theo đó, doanh thu quý 2 của công ty giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do doanh thu lãi tiền gửi ngân hàng giảm mạnh và một phần do doanh thu hoạt động tư vấn tài chính với mức giảm của hai hoạt động này lần lượt là 61% và 39%.

Trong khi tổng chi phí tăng hơn 12,9% do tăng chi phí hoạt động môi giới 11,1% chi phí quản lý tăng 19,3%. Do đó, quý 2 công ty báo lãi 1,48 tỷ đồng giảm 34,6% so với cùng kỳ năm trước.

Một số công ty chứng khoán khác lại bão lỗ trong kỳ. Đơn cử như Công ty Cổ phần Chứng khoán CV (CVS) ghi nhận doanh thu hoạt động đạt gần 2,3 tỷ, tăng trưởng 109% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn doanh thu của CVS đến từ lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) với gần 2,2 tỷ đồng, ngoài ra có hơn 87 triệu đồng là doanh thu môi giới.

Tuy vậy chi phí hoạt động 6 tỷ, tập trung tại khoản mục chi phí môi giới. Sau khi trừ đi chi phí quản lý, kết quả CVS lỗ trước thuế gần 7,6 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua, ghi nhận quý thứ 8 liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Đồng thời, đây cũng là mức lỗ đậm nhất trong số những công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2024.

Trong khi đó, Chứng khoán phố Wall cũng vừa báo lỗ gần 4,2 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua, cùng kỳ năm ngoái có lãi gần 35 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động giảm mạnh từ 41 tỷ đồng năm ngoái xuống còn 3,4 tỷ đồng năm nay trong đó chủ yếu giảm mạnh ở mục lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ còn hơn 1,1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái 37 tỷ đồng. Lỗ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ hơn 5 tỷ đồng. Doanh thu nghiệp vụ môi giới cũng giảm còn 134 triệu đồng trong khi chi phí môi giới 741 triệu đồng.

DƯ NỢ MARGIN DỰ KIẾN TĂNG 

Theo FiinTrade, ngoài kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán còn cung cấp cho nhà đầu tư một số chỉ báo quan trọng về thị trường, bao gồm dư nợ cho vay margin và số dư tiền gửi trong tài khoản của nhà đầu tư.

Theo đó, dư nợ cho vay margin dự kiến sẽ duy trì tăng trong quý 2 và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nhóm này. Với MBS, dư nợ cho vay margin tại thời điểm 30/6/2024 tăng 90% so với cùng kỳ 2023 và 5,9% so với 31/3/2024, đóng góp chính vào mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong quý 2.

Trước đó, tính đến thời điểm cuối quý 1/2024, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) đạt gần 193,3 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 1/2024, tăng 62,4% so với cùng kỳ năm trước và 11,2% so với cuối năm 2023. Quy mô dư nợ margin này đã vượt đỉnh cũ thiết lập đầu năm 2022. Tuy nhiên xét mức độ tương quan giữa Margin và một số các chỉ số liên quan đến Thanh khoản đều đang ở ngưỡng thấp hơn so với giai đoạn đỉnh 2022.

Nhận định về triển vọng cổ phiếu nhóm này, theo Chứng khoán KBSV, trong 4 tháng đầu năm 2024, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã có những nhịp tăng giá mạnh mẽ so với thị trường chung.

Hiện tại, các cổ phiếu trong ngành đều đang giao dịch ở mức trên hoặc tiệm cận vùng std+1 của trung bình P/B 5 năm. Mức giá hiện tại đã phần nào phản ánh triển vọng tích cực trong 2H2024 cùng với khoảng trống thông tin liên quan đến tiến độ thực hiện KRX có thể sẽ đưa nhóm cổ phiếu chứng khoán vào các nhịp điều chỉnh – tích lũy ngắn hạn.

Do đó, nhà đầu tư có thể xem xét và lựa chọn đầu tư vào các nhịp điều chỉnh đối với nhóm cổ phiếu đầu ngành, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, nguồn lực mạnh mẽ cũng như đang ở vùng giá tương đối hợp lý như SSI, HCM, VCI. Đối với nhóm cổ phiếu của các công ty chứng khoán cỡ trung và đã có nhịp tăng mạnh như FTS, MBS và BSI, nhà đầu tư ưu tiên giải ngân tại các nhịp điều chỉnh sâu và cần theo dõi chặt chẽ hiệu quả danh mục đầu tư của các công ty chứng khoán này.