09:33 01/08/2008

"Lợi nhuận từ vàng đã thay thế chứng khoán"

Tú Uyên

Tổng giám đốc ACB chia sẻ thông tin về hoạt động kinh doanh của ngân hàng này thời gian qua

Tại một điểm giao dịch của ACB - Ảnh: Việt Tuấn.
Tại một điểm giao dịch của ACB - Ảnh: Việt Tuấn.
Đó là thông tin về Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), được Tổng giám đốc ACB, ông Lý Xuân Hải, chia sẻ trong cuộc trò chuyện với chúng tôi.

Với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay thấp, nhưng nhiều ngân hàng vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là ACB, với lợi nhuận đạt trên 1.000 tỷ đồng. Vì sao, thưa ông?

Các yếu tố chính giúp ACB duy trì được kết quả hoạt động khả quan 6 tháng đầu năm 2008 bao gồm tận dụng cơ hội; sáng tạo trong việc ra quyết định kinh doanh; và quyết liệt trong triển khai các chính sách đã đề ra.

Lĩnh vực tín dụng và dịch vụ là hai mảng dịch vụ mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho ACB. Tính đến hết tháng 6 năm 2008, thu nhập từ 2 bộ phận này chiếm lần lượt 62% và 17% tổng thu nhập ròng của ACB.

Điểm nhấn trong cơ cấu lợi nhuận của ACB thời gian qua chính là nguồn thu từ sản phẩm tài chính, đặc biệt từ việc kinh doanh vàng. Đây là cơ hội mà ACB đã sớm nắm bắt khi giá vàng thế giới biến động mạnh. Chính nguồn lợi nhuận này đã thay thế cho lĩnh vực chứng khoán trong tổng lợi nhuận ròng của ngân hàng. Nguồn phí thu từ sàn giao dịch vàng cũng tương đối ổn định, đủ để đảm bảo tính thanh khoản cho sàn vàng.

Ngoài ra, việc kinh doanh trái phiếu và các dịch vụ ngân hàng khác như phát hành thẻ, chi trả kiều hối, thanh toán quốc tế tăng trưởng tốt. Chỉ tiêu doanh thu 465 tỷ đồng từ dịch vụ mà ACB đề ra cho năm 2008 nhiều khả năng sẽ đạt được.

Một số dự đoán rằng 6 tháng cuối năm 2008, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn. Về phần mình, ACB có thể gặp những khó khăn gì?

Trong nỗ lực nhằm kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành các biện pháp thắt chặt tiền tệ và điều này đã tác động mạnh đến ngành ngân hàng. Tuy nhiên, quý 1 và quý 2/2008, các ngân hàng vẫn còn được thừa hưởng những thành quả từ năm 2007.

Tuy nhiên, đến quý 3 và quý 4/2008, tình hình sẽ khó khăn hơn do thứ nhất, tiền gửi tiết kiệm lãi suất cao đã quay vòng xong trong khi các khoản cho vay vẫn chưa đáo hạn; thứ hai, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp cho những khoản vay lãi suất cao sẽ suy giảm; và thứ ba, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khó có thể cải thiện nhanh.

Khó khăn của các ngân hàng nói chung và ACB nói riêng là làm sao giải quyết tốt được những vấn đề trên.

Trong tháng 2 vừa qua, khi “cơn sốt” lãi suất xảy ra, ACB nằm trong số ít các ngân hàng cho vay trên thị trường liên ngân hàng, chủ động được về thanh khoản. Hiện nợ quá hạn của ACB chỉ chiếm 0,4% tổng dư nợ, nợ xấu chiếm 0,1% tổng dư nợ.

Đối với bất động sản, ACB chủ yếu là cho cá nhân vay mua nhà, sửa chữa nhà và không tài trợ cho dự án lớn nên không bị ảnh hưởng khi thị trường bất động sản chững lại. Tuy nhiên, khó khăn của nền kinh tế không phải không tác động đến ACB. Tổng tài sản của ACB đến 30/6 là 102.600 tỷ đồng, chỉ tăng 20% so với mức 85.300 tỷ đồng cuối năm ngoái.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, ACB đã và đang đưa ra những sản phẩm mới như tiết kiệm lãi suất thả nổi, tiết kiệm hưởng lãi suất bậc thang... để thu hút khách hàng và duy trì nguồn vốn huy động ổn định.

ACB vừa chính thức được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên hơn 5.800 tỷ đồng. Xin ông cho biết kế hoạch và lộ trình tăng vốn?

Theo kế hoạch được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông, ACB dự kiến tăng vốn điều lệ từ 2.630 tỷ đồng lên trên 6.355 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chỉ mới chấp thuận cho ACB thực hiện tăng vốn lên hơn 5.800 tỷ đồng từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn. Biện pháp tăng vốn còn lại vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước xem xét.

ACB đang tiến hành các thủ tục cần thiết với Ủy ban Chứng khoán để tăng vốn trên cơ sở chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Trước khả năng rủi ro đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng, đặc biệt là rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp cho ACB giữ được sự an toàn, ổn định, đồng thời mở ra cơ hội khi môi trường kinh doanh thuận lợi trở lại.