Luân phiên đưa hàng trăm bác sĩ chuyên khoa cấp I về vùng khó khăn
Từ năm 2013 đến nay, Bộ Y tế đã bàn giao 402 bác sĩ chuyên khoa cấp I cho 94 huyện khó khăn, biên giới thuộc 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên...
Thực hiện chế độ luân phiên bác sĩ về tuyến dưới, Bộ Y tế cho biết trong những năm qua, Bộ đã triển khai các chương trình luân phiên đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo theo Dự án 585.
Đây là dự án theo Quyết định số 585/QĐ-BYT ngày 20/2/2013 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Dự án "Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, bải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2021 - 2030 (ưu tiên 62 huyện nghèo).
Dự án này nhằm mục tiêu đào tạo và cung cấp bác sĩ chuyên khoa cấp I, với trình độ kỹ thuật chuyên môn cao cho các vùng khó khăn.
Chương trình tập trung vào các đối tượng là bác sĩ đã được tuyển dụng tại các cơ sở y tế các huyện khó khăn, biên giới, hải đảo, và phải cam kết công tác tối thiểu 5 năm sau khi tốt nghiệp chuyên khoa cấp I.
Phương thức đào tạo đặc thù của dự án bao gồm: (1) Đào tạo liên tục trong 24 tháng theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, với mỗi giảng viên kèm cặp một học viên; (2) Chương trình đào tạo được xây dựng riêng cho từng chuyên ngành, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu cụ thể của từng địa phương.
Từ năm 2013 đến nay, dự án đã tiếp nhận và đào tạo 25 khóa bác sĩ chuyên khoa cấp I, với tổng số 699 bác sĩ, trong đó đã bàn giao 402 bác sĩ cho 94 huyện khó khăn, biên giới thuộc 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Hiện nay, còn 297 bác sĩ đang được đào tạo tại 5 Trường Đại học Y trên cả nước, bao gồm: Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y- Dược Huế, Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Y- Dược Cần Thơ.
Dự án dự kiến sẽ tiếp tục triển khai đến năm 2030. Mỗi năm, dự kiến đào tạo từ 100-200 bác sĩ theo nhu cầu của các bệnh viện, và trung tâm y tế thuộc các huyện nghèo, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo đề xuất.
Bộ Y tế luôn xác định việc giữ chân nhân viên y tế tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là một nhiệm vụ trọng tâm.
Tại Kế hoạch Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2025, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục chú trọng vào vấn đề nâng cao chất lượng nhân lực y tế cho các địa bàn này.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế hỗ trợ cán bộ y tế vùng khó khăn tham gia cập nhật kiến thức y khoa liên tục; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.
Tiếp thực hiện cơ chế đào tạo cử tuyển, đào tạo theo đặt hàng, đào tạo liên thông đối với một số ngành trình độ cao đẳng, đại học để đảm bảo đủ số lượng nhân lực y tế, và tạo nguồn đào tạo sau đại học các chuyên ngành khó thu hút (lao, phong, tâm thần, truyền nhiễm, pháp y, pháp y tâm thần, hồi sức cấp cứu, y học dự phòng...).
Theo Bộ Y tế, đến nay, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế tiếp tục phát triển cả công lập và ngoài công lập, mở rộng các chuyên ngành đào tạo.
Cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế. Trong đó, có 66 cơ sở giáo dục đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 Viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ. Theo phân cấp quản lý, Bộ Y tế quản lý 22 trường và Viện.
Số bác sĩ tốt nghiệp năm 2023 là 11.297 người; số dược sĩ tốt nghiệp là 8.470 người; 18.178 điều dưỡng.
Bộ Y tế cũng đã phê duyệt Đề án phát triển nguôn nhân lực y tế giai đoạn 2023- 2030, định hướng 2050. Triển khai xây dựng Đề án tăng cường đào tạo dược sĩ lâm sàng, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, hoàn thành nghiệm thu 11/11 dự thảo chuẩn chương trình đào tạo các ngành trình độ đại học lĩnh vực sức khỏe, và cập nhật các chuẩn năng lực nghề nghiệp trình độ đại học.
Bên cạnh đó, Bộ đang nghiên cứu đề xuất phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản trong tổng thể cải cách tiền lương…