09:13 30/03/2018

Luật Quản lý phát triển đô thị: "Không quyền anh, quyền tôi"

Nguyễn Lê

"Quá trình soạn thảo tôi đã trực tiếp làm việc với các bộ trưởng có liên quan và nói thật là không quyền anh, quyền tôi gì cả"

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại phiên thẩm tra.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại phiên thẩm tra.

"Quá trình soạn thảo tôi đã trực tiếp làm việc với các bộ trưởng có liên quan và nói thật là không quyền anh, quyền tôi gì cả".

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà , Bộ được giao chủ trì soạn thảo dự án luật Quản lý phát triển đô thị, tại phiên họp Thường trực Uỷ ban Kinh tế mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án luật này, chiều 29/3.

Ông Hà cũng cho biết dự án luật được xây dựng trong thời gian gấp gáp nên không kịp trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 3/2018 như dự kiến.

Song, hồ sơ dự án luật hàng ngàn trang cho thấy cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu, giải trình khá cặn kẽ từ ý kiến các thành viên Chính phủ đến các bộ, địa phương, cơ quan hữu quan về dự án.

Nhận xét rằng không có nhiều dự án luật có hồ sơ đầy đủ như dự án luật này, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng nêu thông tin đáng chú ý rút từ hồ sơ là các thành viên Chính phủ thống nhất rất cao. Và, các nội dung đều chỉ có một phương án chứ không đặt ra vài phương án như nhiều dự án luật khác.

Thuyết minh về sự cần thiết ban hành luật, Chính phủ nêu nhiều hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển đô thị trong thời gian qua như, chất lượng đô thị chưa cao, triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải, nguồn lực cho phát triển đô thị còn thiếu, hiệu quả quản lý phát triển đô thị chưa cao...

Trong khi đó, quy định pháp luật về phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ và bao quát. Đáng chú ý là khung pháp lý chưa có quy định về vấn đề huy động, khai thác và sử dụng các nguồn lực cho phát triển đô thị, đặc biệt là các nguồn lực từ đất đai và phát triển không gian đô thị.

Những bất cập trên đặt ra yêu cầu phải khẩn trương nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm điều chỉnh tổng thể quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam, đưa đô thị Việt Nam phát triển bền vững theo quy hoạch và có kế hoạch, tờ trình của Chính phủ nêu rõ.

Dự thảo luật có 7 chương, 66 điều, thể chế hoá 6 nhóm chính sách về phát triển đô thị về chiến lược, quy hoạch và kế hoạch, hạ tầng, quản lý đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng hoá nguồn lực, quản lý nhà nước.

Theo Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Nguyễn Lâm Thành thì quá trình phát triển đô thị cho thấy có khoảng trống rất lớn về chính sách và thực tiễn nên thời gian qua đã xảy ra rất nhiều sự cố. Ngay cả chương trình đào tạo quản lý nhà nước phần này cũng rất thiếu, rất yếu, ông Thành nhìn nhận.

Kỳ vọng dự án luật sẽ là tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho quản lý, phát triển đô thị, ông Thành băn khoăn khi mà dự thảo mới tiếp cận ở mảng phát triển, còn nội hàm quản lý chưa được đề cập. Trong khi đó mới là cái nền cho quản lý đô thị.

Nhìn tổng thể, đặt trong bối cảnh vừa xây dựng luật này, Bộ Xây dựng lại được giao sửa 4 luật trong đó có Luật Quy hoạch đô thị, nhiều ý kiến tại buổi họp cho rằng có thể ghép hai dự án luật thành một Luật Đô thị, điều chỉnh toàn diện các vấn đề từ chiến lược, quy hoạch, nguồn lực, quản lý...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khi hồi âm cuối phiên họp cho rằng thời điểm hiện nay chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để giải quyết toàn diện mọi vấn đề của đô thị, như kỳ vọng ban đầu.

Bộ trưởng cho biết, trong điều kiện hiện nay dự án luật tập trung vào những quy định phát triển đô thị theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch và trực tiếp giải quyết vấn đề đầu tư dự án phát triển đô thị.

Việc xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị đã manh nha từ Quốc hội khoá 12, đến khoá 13 đưa vào chương trình xây dựng luật rồi nhưng sau đó lại rút ra, tranh luận mãi là phạm vi điều chỉnh thế nào. Với tư cách đô thị là lãnh thổ thì có hai vấ đề căn cốt nhất là kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh cần phải giải quyết, có thêm đặc thù của đô thị. Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu nhưng thấy quá lớn không giải quyết được nên chỉ khoanh lại một số vấn đề có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để đảm bảo tính khả thi của luật khi ban hành, ông Hà giải thích.

Thống nhất dự án luật đủ điều kiện để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý cần tiếp tục giảm thiểu tối đa những nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết, nội dung nào luật hoá được thì cần tiếp tục luật hoá.