14:18 23/12/2019

Luật sư của ông Phạm Nhật Vũ nêu các tình tiết giảm nhẹ tội cho thân chủ

Bạch Huệ

Đến hết ngày 31/10/2019 đã có 1.731 cá nhân ký tên và hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho ông Phạm Nhật Vũ

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 23/12, Toà án Nhân dân Tp. Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án Tổng công ty viễn thông Mobifone mua cổ phần Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG).

Tại phiên toà, Thẩm phán Trương Viện Toàn thông báo bị cáo Phạm Nhật Vũ, Cựu Chủ tịch AVG, có đơn gửi tới Hội đồng xét xử trình bày giữ nguyên tất cả các lời khai tại cơ quan điều tra, trước phiên toà.

"Bị cáo Vũ đang nằm viện nên có đơn giữ nguyên các lời khai tại cơ quan điều tra và xin vắng mặt tại phần tự bào chữa. Việc ông Vũ nằm viện có xác nhận của bệnh viện", Thẩm phán Toàn nói.

Luật sư Trần Hoàng Anh (bào chữa cho bị cáo Phạm Nhật Vũ) cho biết, ông Vũ không có ý kiến về tội danh bị truy tố mà chỉ mong Hội đồng xét xửu xem xét chứng cứ khách quan. Ông Phạm Nhật Vũ mong muốn và xin phép bán AVG cho đối tác nước ngoài và sau đó do yêu cầu về mặt quản lý nhà nước và nhu cầu kinh doanh, Mobifone đã chủ động đề xuất, đàm phán với Vũ để mua cổ phần của AVG.

"Sau mua bán khoảng 2 tháng đúng vào dịp Tết, thân chủ tôi là ông Phạm Nhật Vũ đã chủ quan, theo văn hóa Việt Nam thường biếu quà thể hiện tình cảm, tri ân mà không ý thức được hết việc biếu tiền này bị xem xét là hối lộ. Ngay khi dư luận dị nghị về việc giá mua bán cao, làm thất thoát tài sản Nhà nước, mặc dù chưa cơ quan Nhà nước nào xác định ông Vũ có sai phạm gì, cũng không yêu cầu ông Vũ khắc phục gì, chưa khởi tố vụ án… ông Phạm Nhật Vũ đã thu gom hết tiền gia đình, vay mượn thêm, đến nay vẫn còn nợ khoảng 1.000 tỷ chủ động đề xuất xin hủy hợp đồng chuyển nhượng, trả lại hết tiền đã nhận và nhận lại hết cổ phần", luật sư Hoàng Anh nói.

Luật sư Hoàng Anh khẳng định, ông Phạm Nhật Vũ đã trả thêm toàn bộ lãi suất, chi phí phát sinh khoảng 329 tỷ bên cạnh khoản tiền gốc bán cổ phần trong thương vụ để đảm bảo Nhà nước không bị bất cứ thiệt hại, tổn thất gì. Khi biết trong kho của Mobifone còn tồn khoảng 120 tỷ đồng tiền thiết bị, vật tư tồn kho mà Mobifone đã đầu tư mua sắm sau khi đã nhận chuyển nhượng, ông Phạm Nhật Vũ đã hỗ trợ mua lại hết số thiết bị, vật tư này.

"Thân chủ chúng tôi đã ăn năn, nhận trách nhiệm, thiệt hại về mình đã thấy rõ mặc dù ông Vũ hoàn toàn có điều kiện không trở về Việt Nam để trốn tránh, thoái thác trách nhiệm, song ông Phạm Nhật Vũ vẫn quyết định chọn về Việt Nam để đối mặt và chủ động nhận trách nhiệm, tìm mọi cách khắc phục triệt để mọi thiệt hại cho Nhà nước. Thân chủ chúng tôi đã hoàn toàn đáp ứng và cần được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ", luật sư Hoàng Anh nói

Được biết, khi vụ án chưa bị khởi tố, ông Phạm Nhật Vũ đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho Mobifone hơn 8.445 đồng tiền chuyển nhượng cổ phần.

Ngoài ra, theo luật sư Hoàng Anh, ông Phạm Nhật Vũ là một người tích cực suốt hơn 20 năm thực hiện hàng ngàn các hoạt động thiện nguyện tài trợ đã được xác nhận lên tới 1.300 tỷ đồng cho các dự án an sinh xã hội từ y tế, giáo dục, hạ tầng điện đường trường trạm…

Luât sư Hoàng Anh cho biết, vì những việc thiện tốt đẹp mà ông Vũ và gia đình đã làm nên tính đến hết ngày 31/10/2019 đã có 1.731 cá nhân ký tên và hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho ông Phạm Nhật Vũ. 

Luật sư mong Hội đồng xét xử xem xét thấu đáo những nội dung trong đơn xin khoan hồng trình bày và thỉnh cầu của bà Kolmakova Ekaterina (vợ ông Vũ).