15:43 22/03/2023

Lực bán có tín hiệu tăng, cổ phiếu trụ vẫn giữ nhịp chỉ số

Kim Phong

Mặc dù VN-Index chiều nay đóng cửa cao hơn thời điểm cuối phiên sáng, nhưng mặt bằng giá thật ra lại hạ xuống. Lý do là các cổ phiếu vốn hóa lớn làm rất tốt nhiệm vụ nâng đỡ chỉ số. VCB, VHM, SAB, MSN, VRE mạnh lên đáng kể...

VN-Index chiều nay trồi sụt ở mặt bằng cao hơn phiên sáng chủ yếu là nhờ khả năng neo giữ của cổ phiếu trụ.
VN-Index chiều nay trồi sụt ở mặt bằng cao hơn phiên sáng chủ yếu là nhờ khả năng neo giữ của cổ phiếu trụ.

Mặc dù VN-Index chiều nay đóng cửa cao hơn thời điểm cuối phiên sáng, nhưng mặt bằng giá thật ra lại hạ xuống. Lý do là các cổ phiếu vốn hóa lớn làm rất tốt nhiệm vụ nâng đỡ chỉ số. VCB, VHM, SAB, MSN, VRE mạnh lên đáng kể.

VN-Index đóng cửa tăng 8,11 điểm tương đương +0,79% so với tham chiếu. Kết phiên sáng chỉ số này mới tăng 0,6%. Tuy vậy kết quả này không đến từ việc giá cổ phiếu tăng cao thêm, mà nhờ cổ phiếu vốn hóa lớn nâng đỡ.

Thực vậy, đầu tiên là độ rộng, buổi sáng VN-Index ghi nhận 233 mã tăng/112 mã giảm thì kết phiên chỉ còn 203 mã tăng/170 mã giảm. Thứ hai, buổi sáng HoSE có 88 cổ phiếu tăng từ 1% trở lên, kết phiên chỉ còn 55 mã. Thậm chí ngay trong rổ VN30, số mã tụt xuống thấp hơn so với giá chốt buổi sáng là 15, số cải thiện là 11.

Khác biệt về điểm số đến từ một số mã có khả năng ảnh hưởng vốn hóa nhiều nhất. VHM và VCB là nổi bật. VCB từ mức tăng 1,04% trong buổi sáng mở rộng lên 2,89% cuối ngày, tức là riêng chiều nay tăng thêm khoảng 1,83% giá trị. VHM cũng tăng thêm 0,74%, đóng cửa trên tham chiếu 4,96%. Riêng hai cổ phiếu này đã đóng góp 5,5 điểm cho VN-Index.

Ngoài ra, một vài mã có trọng số cao cũng cải thiện rõ rệt: VRE tăng thêm 1,19% so với phiên sáng, đảo chiều thành công từ giảm sang tăng 0,85% so với tham chiếu. MSN cũng quay từ mức giảm 2,25% thành tăng 0,5%, tức là buổi chiều đã tăng tới 2,81%. SAB cũng bay cao khoảng 1,57% buổi chiều, đóng cửa trên tham chiếu 0,81%...

Xếp theo thanh khoản, một số cổ phiếu nhóm bất động sản vẫn tăng giá tích cực nhờ hút dòng tiền.
Xếp theo thanh khoản, một số cổ phiếu nhóm bất động sản vẫn tăng giá tích cực nhờ hút dòng tiền.

Mặc dù cả độ rộng lẫn điểm số đều cho thấy sự giằng co không dứt khoát, nhưng nhìn chung giao dịch bình lặng. Diễn biến chiều nay phù hợp với kỳ vọng rằng đêm nay FED sẽ tăng lãi suất đúng như dự báo là 0,25%. Dĩ nhiên vẫn có những xác suất bất ngờ, nên thị trường tỏ ra thận trọng không quá hào hứng.

Chiều nay thanh khoản cũng không tăng rõ rệt, hai sàn niêm yết chỉ giao dịch thêm 4.068 tỷ đồng, cao hơn buổi sáng khoảng 9%. Tổng thể khớp lệnh phiên này nhỉnh hơn hôm qua 8% và vẫn chỉ loanh quanh ngưỡng dưới 8.000 tỷ đồng.

Thêm nữa, thanh khoản chiều nay vẫn phụ thuộc nhiều vào sức mua của dòng vốn ngoại. Cụ thể, khối này giải ngân thêm 1.079,2 tỷ đồng nữa trên HoSE, tương đương chiếm tới 29% thanh khoản sàn này buổi chiều. Ngay như VHM, chiều nay lượng mua từ khối ngoại chiếm tới trên 57% tổng giao dịch. Mức mua ròng buổi sáng mới hơn 10 tỷ đồng, kết phiên vọt lên 75,9 tỷ đồng. VCB cũng được khối ngoại tăng mua ròng lên 27,2 tỷ. Tuy vậy cũng không phải cổ phiếu nào tăng cũng là do khối ngoại, MSN bị bán ròng 41,2 tỷ mà giá vẫn tăng. Tuy nhiên về tổng thể, thanh khoản phiên chiều vẫn đang phụ thuộc vào cầu ngoại. Tổng giá trị mua của khối này trên HoSE cả ngày chiếm 16,3% giá trị sàn.

Với độ rộng thị trường co hẹp lại, độ cao của giá hạ xuống, áp lực bán có dấu hiệu tăng lên trong phiên chiều. Khá nhiều mã chịu sức ép lớn thấy rõ. Ví dụ nhóm chứng khoán, SSI buổi sáng còn tăng tốt 1,25%, đến chiều thành giảm 0,75%. VND mất sạch mức tăng 1,69% và phải lui về tham chiếu; VCI buổi sáng rực rỡ +3,07%, kết phiên chỉ còn +0,51%; HCM từ tăng 1,26% thành giảm 0,21%.

Thống kê ở sàn HoSE có khoảng 80 cổ phiếu trượt dốc từ 2% so với giá cao nhất phiên. Nhiều mã xuất hiện thanh khoản cao như KSB, HHV, DXG, CII, GEX, VCG, NKG, HSG, LCG... giao dịch vài chục tới cả trăm tỷ đồng và giá đều đảo chiều từ tăng thành giảm.

Thị trường về tổng thể dù vẫn đang giằng co nhưng mỗi cổ phiếu có sức ép khác nhau. Khối ngoại tuy vẫn được quỹ Fubon ETF mua nhưng bên bán cũng rất lớn. Như hôm nay mua đạt 1.409 tỷ thì bán cũng tới 1.235 tỷ. Đây là điều khá bất ngờ vì khối ngoại vẫn duy trì cường độ bán lớn sau khi các quỹ ETF tái cơ cấu xong.