12:11 04/11/2021

Lưỡng lự trong chuyển đổi số, doanh nghiệp Hà Nội cần làm gì?

Lan Anh

Đứng trước cuộc đua chuyển đổi số, doanh nghiệp Hà Nội cần chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp để trụ vững...

Các doanh nghiệp Hà Nội đang đứng trước thời cơ “vàng” để thực hiện quá trình chuyển đổi số.
Các doanh nghiệp Hà Nội đang đứng trước thời cơ “vàng” để thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Đứng trước cuộc đua chuyển đổi số, doanh nghiệp Hà Nội cần chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp để trụ vững. Trong đó, các nhà lãnh đạo có thể cân nhắc giải pháp từ các bên thứ ba để hỗ trợ phát triển nền tảng công nghệ lẫn nguồn nhân lực.

CHUYỂN ĐỔI SỐ: DOANH NGHIỆP HÀ NỘI MUỐN, NHƯNG E DÈ 

Với “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội - với vai trò là Thủ đô của cả nước - trở thành đầu tàu trong cuộc đua chuyển đổi số, trong đó doanh nghiệp sẽ là trung tâm của sự chuyển đổi này.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính quyền ban hành kế hoạch hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển chuyển đổi số bằng nhiều hình thức. Đơn cử, các thủ tục hành chính, thuế, tư vấn pháp lý được cải cách và số hoá; xây dựng ngân sách cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, quản trị kinh doanh,… Đến năm 2030, Hà Nội dự kiến cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và mở dữ liệu cho doanh nghiệp. Đồng thời, hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT).

Chiến lược chuyển đổi số của Thủ đô đang kiến tạo một nền tảng dữ liệu trực tuyến, mở ra cơ hội để doanh nghiệp “chuyển mình”. Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, có đến 90% doanh nghiệp quan tâm chuyển đổi số và quản trị số. Tuy nhiên, số doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư để chuyển đổi chỉ chiếm 40%. Nhìn chung, đa phần các doanh nghiệp Thủ đô đều quan tâm đến chuyển đổi số nhưng mức quan tâm và tỉ lệ thực hiện chuyển đổi không đồng đều.

Giải thích về việc các công ty trong khu vực này còn e dè chuyển đổi số, bà Tiêu Yến Trinh, CEO của Talentnet chia sẻ: “Chuyển đổi số vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các nhà lãnh đạo. Một vài nguyên nhân dẫn đến sự e dè của doanh nghiệp Hà Nội có thể kể đến như cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng và thiếu đồng bộ; nguồn lực nội tại chưa đủ kỹ năng và am hiểu đặc thù doanh nghiệp hoặc không có chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn.”

ĐỂ DOANH NGHIỆP HÀ NỘI TRỤ VỮNG TRONG CUỘC ĐUA CHUYỂN ĐỔI SỐ

Tại Hội thảo trực tuyến “Vượt bão thành công cùng Công nghệ và Chiến lược nhân sự” do Talentnet và PeopleStrong tổ chức, chuyên gia nhân sự đã gợi ý công thức 3P (Platform - Process - People) để doanh nghiệp xây dựng “kiềng ba chân” và nắm thế chủ động trong cuộc đua chuyển đổi số.

Platform - Xây dựng một nền tảng toàn diện: Áp dụng công nghệ như dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud),… vào hệ thống quản lý sẽ giúp doanh nghiệp tập trung và kết nối tất cả dữ liệu của doanh nghiệp. Bằng cách này, những nhà lãnh đạo có thể nhìn thấy toàn cảnh “bức tranh” của doanh nghiệp và đưa ra các quyết định với cơ sở dữ liệu chính xác, thay vì dựa vào phán đoán như trước.

Áp dụng công nghệ vào các hệ thống quản lý của các doanh nghiệp là bước đi nền tảng trong quá trình chuyển đổi số.
Áp dụng công nghệ vào các hệ thống quản lý của các doanh nghiệp là bước đi nền tảng trong quá trình chuyển đổi số.

Process - Xây dựng quy trình tinh gọn: Bộ máy vận hành cồng kềnh cần được thay thế bằng một quy trình vận hành đơn giản với các thủ tục hành chính, thông tin được tinh gọn. Từ đó, việc trao đổi và tương tác của nhân viên được đơn giản hoá, phù hợp với hệ thống mới, đồng thời đảm bảo tính bảo mật.

People - Xây dựng những “quân mã” mạnh mẽ: Con người chính là chìa khóa để chuyển đổi số thành công. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời tổ chức các khoá nâng cao kiến thức và kĩ năng chuyển đổi số cho nhân viên cơ hữu. Ngoài ra, một đội ngũ nhân sự am hiểu văn hoá, chính sách hỗ trợ của địa phương sẽ giúp doanh nghiệp có những kế hoạch chuyển đổi phù hợp với bối cảnh. Đặc biệt, việc chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp cho phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cũng sẽ giúp mối liên kết giữa nhân viên cũ – mới và công nghệ - con người trở nên chặt chẽ hơn trong hành trình chuyển đổi số.

Bên cạnh hệ thống công nghệ, đội ngũ nhân sự cũng là một trong 3 yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp hiện thực hoá quá trình chuyển đổi số.
Bên cạnh hệ thống công nghệ, đội ngũ nhân sự cũng là một trong 3 yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp hiện thực hoá quá trình chuyển đổi số.

Với “kiềng ba chân” kiên cố này, tuỳ vào quy mô và nguồn lực, các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch dài hạn phù hợp để chuẩn bị nền tảng công nghệ cho đến quản trị con người. Tuy nhiên, nếu chưa đủ tiềm lực, doanh nghiệp có thể nhờ đến bên thứ ba để được tư vấn lộ trình, hỗ trợ lập kế hoạch nhằm tối ưu hoá nguồn lực, sắp xếp lại đội ngũ sẵn sàng cho việc chuyển đổi lâu dài.

“Trong giai đoạn bình thường mới, việc xây dựng một chiến lược dài hạn để chuyển đổi số có thể là quá sức đối với ngân sách hiện tại của nhiều doanh nghiệp. Để giải bài toán đó, doanh nghiệp có thể bắt đầu xây dựng từ nền tảng bằng việc chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng và đủ năng lực để chuyển đổi. Chỉ khi toàn bộ đội ngũ, từ lãnh đạo đến nhân viên thực sự được chuẩn bị kĩ càng thì việc vận dụng những công nghệ, hệ thống mới mới có thể diễn ra trơn tru. Dù thế nào, lãnh đạo cũng cần nhớ, nguồn nhân lực chính là chìa khoá giúp doanh nghiệp bắt nhịp thành công với tốc độ chuyển đổi số”,  bà Trinh khẳng định.