11:47 04/04/2007

Lưu ý doanh nghiệp xuất hàng sang Rumani

Hồng Thoan

Những thuận lợi và khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang Rumani

Thuế nhập khẩu quá cao đang là rào cản chính đối với hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường Rumani.
Thuế nhập khẩu quá cao đang là rào cản chính đối với hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường Rumani.
Theo Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Thương mại), với việc Rumani gia nhập EU từ ngày 1/1/2007, hàng Việt Nam đang có nhiều cơ hội thuận lợi hơn vào thị trường này.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là hàng Việt Nam chất lượng cao chưa được người tiêu dùng Rumani biết đến nhiều, hơn nữa thuế nhập khẩu lại quá cao nên các doanh nghiệp Việt Nam cần kiên trì quảng cáo, tham gia hội chợ quốc tế và tăng cường quan hệ đối tác để khi Rumani trở thành thành viên EU, Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển thị trường xuất khẩu.

Hàng Việt Nam chất lượng cao trong lĩnh vực may mặc, đồ gỗ, mỹ nghệ, thuỷ sản, cao su, cà phê, gia vị..., được khách hàng Rumani rất quan tâm.

Vấn đề khó hiện nay là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa thành lập được mạng lưới đại lý tin cậy để quảng bá bán buôn và bán lẻ các mặt hàng này.

Bên cạnh đó, vấn đề quản lý các đại lý tại thị trường sở tại trở nên phức tạp khi cơ quan chủ quản, cơ quan đại diện của Việt Nam tại Rumani chưa có một công cụ pháp lý và tài chính nào để chống hiện tượng gian lận, quỵt nợ, đào tẩu khi trường hợp đó xảy ra.

Đã có rất nhiều chủ hàng mất tiền khi áp dụng cơ chế “giao hàng trước, trả tiền hàng sau” hay cơ chế “cho nợ tiền hàng có thời hạn”.

Vụ thị trường châu Âu nhấn mạnh các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần phải học hỏi cách thức quản lý người bán đại lý của Trung Quốc bởi cách quản lý của họ khá cứng rắn, có hiệu quả và thực tế cho thấy không còn phương pháp nào hiệu quả hơn.

Đó là việc người bán đại lý phải có hợp đồng thế chấp nhà cửa, bất động sản cho các chủ hàng, ký kết hợp đồng bồi thường giá trị tiền hàng với người thân của đại lý.

Các doanh nghiệp Trung Quốc còn có cơ chế kiểm tra giá bán ra của các đại lý, không cho phép bán phá giá, nâng giá để chiếm đoạt khách hàng và thu lợi riêng.

Đồng thời, các chủ hàng Việt Nam cũng phải xem xét một cơ chế quản lý các đại lý bán hàng mềm dẻo hơn, thấu tình đạt lý hơn.

Thương vụ Việt Nam tại Rumani sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt tình hình thị trường trong tuần, dự báo tình hình hàng tuần, thông báo những ngày lễ hội quan trọng tại địa bàn mà lúc đó khối lượng hàng bán ra sẽ tăng lên đáng kể, cũng như đôn đốc các đại lý tôn trọng cam kết với chủ hàng, đề đạt các phương thức xúc tiến thương mại, quảng cáo, tham gia hội chợ quốc tế...

Đánh giá về cơ cấu hàng xuất nhập khẩu chủ yếu của Rumani, Vụ Thị trường châu Âu cho biết, về hàng xuất khẩu của Rumani tương đối “đụng độ” với mỗi loại của Việt Nam như giày dép các loại và đồ da.

Còn về nhập khẩu của Rumani thì mặt hàng mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể mời chào họ nhiều, nhất lại là than đá, apatit, may mặc, dệt kim, phụ liệu may mặc, ta-nanh và tinh dầu các loại.

Đáng lưu ý là các nhà nhập khẩu Rumani khi nhận hàng tại cảng thường phải nộp ngay thuế nhập khẩu đối với mặt hàng đó và VAT 19% cho tất cả các mặt hàng.

Vì vậy, các đối tác Rumani thực sự “sốc” khi tra cứu thuế nhập khẩu đối với hàng Việt Nam.

Ví dụ, sản phẩm kẹo lạc trứng chim của Việt Nam được người tiêu dùng Rumani rất yêu thích nhưng thuế đánh vào mặt hàng này là 45% giá CIF (bao gồm giá xuất cảng, chi phí vận chuyển và bảo hiểm).

Như vậy, khi nhận hàng, người nhập khẩu phải trả thuế nhập khẩu 45% + 19% VAT = 64% tổng giá CIF của lô hàng. Đây thực sự là rào chắn hạn chế mặt hàng này vào thị trường Rumani.

Với cà phê hạt xanh, thuế nhập khẩu đồng loạt là 5% giá CIF đối với tất cả các nguồn hàng nên hàng Việt Nam có khả năng cạnh tranh và có vị trí vững chắc trên thị trường.

Lượng cà phê hạt xanh Robusta của Việt Nam đã có mặt trên thị trường Rumani từ lâu và hiện nay đang tăng dần, áp đảo cà phê của Indonesia, Ấn Độ, Brazil, Pakistan.

Việt Nam và Rumani đã ký nhiều hiệp định, văn bản tạo khung pháp lý cho hoạt động trao đổi hàng hoá giữa các đối tác hai nước. Người nhập khẩu xuất trình bộ chứng từ sạch và đúng sẽ nhận được hàng dễ dàng.

Khâu vận tải hàng hoá từ cảng về Thủ đô Bucarest và các địa phương trong cả nước tương đối thuận tiện vì hạ tầng cơ sở của Rumani khá tốt, đặc biệt là mạng lưới giao thông vận tải.

Tuy nhiên, giá cước vận tải 1 container 20 từ cảng Constantza về Bucarest (265 km) tương đối cao, vào khoảng trên 550 USD/container, không kể phí bốc dỡ cho từng lô hàng là tương đối lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp mới chập chững bước vào hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ còn phải trả thuế doanh lợi 16%, thuế doanh thu, thuế thu nhập hàng năm và hoạt động của các doanh nghiệp vì thế tổng chi phí cho kinh doanh của doanh nghiệp tại thị trường Rumani rất lớn.

Hiện tại, số lượng các mặt hàng trên vào Rumani chưa nhiều vì một lý do duy nhất là thuế quan của Rumani đối với hàng hoá có xuất xứ từ Việt Nam là quá cao so với mức thuế quan ưu đãi.

Vụ thị trường châu Âu khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm chắc kỹ năng kinh doanh và tôn trọng pháp luật của nước sở tại để được kinh doanh dài hạn.