09:45 16/03/2017

Lý do nào khiến FED tăng lãi suất lần thứ hai trong ba tháng?

An Huy

Chủ tịch FED Janet Yellen đã nhấn mạnh niềm tin ngày càng lớn vào sức khỏe nền kinh tế Mỹ

Chủ tịch FED Janet Yellen phát biểu trong cuộc họp báo ngày 15/3 tại Washington, Mỹ, sau khi FED tăng lãi suất - Ảnh: Reuters.<br>
Chủ tịch FED Janet Yellen phát biểu trong cuộc họp báo ngày 15/3 tại Washington, Mỹ, sau khi FED tăng lãi suất - Ảnh: Reuters.<br>
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 15/3 đã có động thái tăng lãi suất lần thứ hai trong vòng 3 tháng trở lại đây. Ngân hàng trung ương này nói rằng cơ sở cho việc tăng lãi suất là tăng trưởng kinh tế Mỹ diễn ra đều đặn, thị trường việc làm khả quan, và niềm tin rằng lạm phát đang tăng lên gần mục tiêu đề ra.

Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, FED nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25 điểm phần trăm, lên khoảng 0,75-1%. Đây được xem là một bước đi thuyết phục trong nỗ lực của FED nhằm đưa chính sách tiền tệ của Mỹ trở lại với trạng thái bình thường sau một thời gian dài nới lỏng tới mức chưa từng có tiền lệ nhằm vực dậy nền kinh tế lớn nhất thế giới hậu khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Chủ tịch FED Janet Yellen đã nhấn mạnh niềm tin ngày càng lớn vào sức khỏe nền kinh tế Mỹ.

“Chúng tôi đã nhận thấy sự tiến bộ của nền kinh tế trong mấy tháng vừa qua, đúng như những gì chúng tôi dự kiến trước đó”, bà Yellen nói trong một cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp FED. “Chúng tôi có sự tin tưởng vào hướng đi của nền kinh tế hiện nay”.

FED duy trì khả năng tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm nay và 3 lần trong năm 2018. Trong năm ngoái, FED chỉ tăng lãi suất một lần.

Các nhà hoạch định chính sách của FED nói rằng lạm phát ở Mỹ hiện đang tiến gần mục tiêu 2% mà FED đề ra, và hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp đã “tăng lên phần nào” sau vài tháng suy yếu.

Tuy nhiên, FED không phát bất kỳ một tín hiệu nào sẽ đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Ủy ban Thị trường mở (FOMC), bộ phận quyết định lãi suất trong FED, và bà Yellen cùng nhấn mạnh rằng các đợt tăng lãi suất trong tương lai sẽ diễn ra “từ từ”.

Với tốc độ tăng như hiện nay, lãi suất cơ bản đồng USD sẽ phải tới cuối năm 2019 mới về mức được xem là “trung tính” (neutral), được ước tính vào khoảng 3%. Ở mức như vậy, lãi suất được cho là có tác động “trung tính” đối với nền kinh tế Mỹ.

Tuyên bố của FED nói mục tiêu lạm phát hiện nay là “cân đối” - một dấu hiệu cho thấy rằng sau một thập kỷ lạm phát ở Mỹ luôn ở dưới mức mục tiêu, FED có thể chấp nhận để giá cả tăng với tốc độ nhanh hơn.

“Điều này đã giải tỏa một số lo ngại mà chúng tôi có trước đây về việc FED có thể tăng lãi suất nhanh hơn trong tương lai. Họ đã chọn không phát tín hiệu như vậy”, ông Brad McMillan, Giám đốc đầu tư của Commonwealth Financial, phát biểu.

Các tổ chức lao động ở Mỹ vẫn kêu gọi Mỹ tăng lãi suất ở mức chậm nhất có thể, để việc làm tiếp tục được tạo ra và các đợt tăng lương giữ được tác dụng.

Trong vòng 3 tháng qua, trung bình mỗi tháng nước Mỹ có thêm 209.000 công việc mới, vượt xa mức 75.000-100.000 công việc mới cần thiết để bắt kịp tốc độ tăng của số dân trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện là 4,7%, gần với mức được cho là việc làm đầy đủ.

FED dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ giảm xuống mức 4,5% trong năm nay và duy trì ở ngưỡng này cho tới hết năm 2019.

Các dự báo kinh tế mà FED đưa ra trong cuộc họp lần này gần như không có sự thay đổi so với dự báo đưa ra trong cuộc họp hồi tháng 12. Điều này cho thấy FED có thể vẫn chưa xác định được các chính sách của Tổng thống Donald Trump sẽ có ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế.

“Chúng tôi chưa thảo luận chi tiết về các thay đổi chính sách có thể xảy ra và chưa vạch ra phản ứng cho những thay đổi đó”, bà Yellen nói. “Chúng tôi còn nhiều thời gian để xem điều gì sẽ xảy đến”.

FED dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm 2017, không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái.