13:08 13/07/2022

Mặc “bão” trừng phạt, thặng dư của Nga cao kỷ lục nhờ xuất khẩu dầu khí

An Huy

“Thặng dư thương mại lớn cho thấy nhiều diễn biến đang có lợi cho Nga, từ giá hàng hoá cơ bản cao cho tới nhu cầu vững chắc tại các thị trường xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, đó cũng là một dấu hiệu của sự căng thẳng"...

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) ở Moscow - Ảnh: Bloomberg.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) ở Moscow - Ảnh: Bloomberg.

Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga lập kỷ lục 70,1 tỷ USD trong quý 2 năm nay, khi doanh thu từ xuất khẩu năng lượng và hàng hoá cơ bản giúp bù đắp những thiệt hại gây ra bởi các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp lên Moscow liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Thặng dư tài khoản vãng lai - thước đo rộng nhất về thương mại hàng hoá và dịch vụ - của Nga trong quý vừa qua là cao nhất kể từ ít nhất năm 1994, hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) công bố mới đây cho hay.

Sự sụt giảm nhập khẩu do Nga bị trừng phạt cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến thặng dư tài khoản vãng lai của nước này tăng cao. Mức thặng dư lớn được coi là một “phao cứu sinh” kinh tế quan trọng đối với điện Kremlin giữa lúc Mỹ và các nước đồng minh tìm cách cô lập nền kinh tế Nga.

 

Từ khi nổ ra chiến tranh, Nga đã ngừng công bố dữ liệu chi tiết về xuất nhập khẩu, nhưng từ số liệu do các đối tác thương mại của Nga công bố, các nhà phân tích vẫn rút ra được các con số.

Trong 6 tháng đầu năm, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đạt 138,5 tỷ USD – theo CBR.

Trong quý 2, xuất khẩu của nước này đạt 153,1 tỷ USD, giảm nhẹ từ mức 166,4 tỷ USD trong quý 1. Nhập khẩu cũng giảm còn 72,3 tỷ USD từ mức 88,7 tỷ USD.

“Thặng dư thương mại lớn cho thấy nhiều diễn biến đang có lợi cho Nga, từ giá hàng hoá cơ bản cao cho tới nhu cầu vững vàng tại các thị trường xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, đó cũng là một dấu hiệu của sự căng thẳng, vì sự sụt giảm nhập khẩu đang gây ra những gián đoạn trong nền kinh tế”, chuyên gia về kinh tế Nga Scott Johnson của Bloomberg nhận định.

Nhờ giá dầu cao và nhu cầu gia tăng của các khách hàng châu Á đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 5 đạt khoảng 20 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với tháng trước và cao hơn nhiều so với mức bình quân 15 tỷ USD mỗi tháng mà Nga thu được trong năm 2021 từ xuất khẩu dầu. Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Nga có thể đạt 285 tỷ USD trong năm nay.

Dữ liệu mới công bố cũng cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của Nga trong tháng 6 tăng lên mức 28 tỷ USD, từ mức khoảng 14 tỷ USD trong tháng 5. CBR không đưa ra số liệu chi tiết cho từng tháng, nhưng những con số này có thể rút ra được từ việc đối chiếu với báo cáo của các kỳ trước.

Từ khi nổ ra chiến tranh, Nga đã ngừng công bố dữ liệu chi tiết về xuất nhập khẩu, nhưng từ số liệu do các đối tác thương mại của Nga công bố, các nhà phân tích vẫn rút ra được các con số chi tiết về Nga.

Trong tháng 5, có những dấu hiệu cho thấy nhập khẩu từ 5 nước đối tác thương mại chính của Nga đã ổn định. Nhóm nước này hiện đang chiếm khoảng một nửa thương mại của Nga trong bối cảnh nền kinh tế dần thích nghi và các doanh nghiệp bắt đầu tìm lối đi mới cho hàng hoá.

Mặc “bão” trừng phạt, thặng dư của Nga cao kỷ lục nhờ xuất khẩu dầu khí - Ảnh 1

Thặng dư tài khoản vãng lai tăng mạnh, cùng với các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt, đã giúp hạn chế bớt nhu cầu ngoại tệ. Nhờ đó, đồng Rúp Nga đã trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới năm nay trong số tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi.

Cuối tháng 6 vừa qua, tỷ giá đồng Rúp đạt mức cao nhất 7 năm so với đồng USD và tăng khoảng 2,7 lần so với mức đáy thiết lập khi chiến tranh mới nổ ra.

Cũng vào cuối tháng 6, Nga có vụ vỡ nợ trái phiếu quốc tế lần đầu tiên sau hơn 1 thế kỷ, mà nguyên nhân không phải nước này không còn tiền để trả nợ mà do các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, vụ vỡ nợ này hầu như không có ảnh hưởng gì đến thị trường tài chính toàn cầu.