Mặc thương chiến và đại dịch, Trung Quốc vẫn thống lĩnh xuất khẩu toàn cầu
Mức độ phụ thuộc của nền kinh tế toàn cầu vào Trung Quốc đang ngày càng trở nên rõ hơn, tờ báo Nhật Bản Nikkei nhận định
Mức độ phụ thuộc của nền kinh tế toàn cầu vào Trung Quốc đang ngày càng trở nên rõ hơn, tờ báo Nhật Bản Nikkei nhận định sau khi tiến hành một phân tích về lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc.
Theo Nikkei, khi đại dịch Covid-19 gây gián đoạn hoạt động logistics của thế giới, có nhiều ý kiến cho rằng đây chính là cơ hội để giảm phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Nhưng thực chất, tỷ trọng của Trung Quốc trong xuất khẩu toàn cầu vẫn đang tăng lên, và đến hiện tại thậm chí đã vượt mức trước khi thương chiến Mỹ-Trung nổ ra vào năm 2018. Một số chuyên gia dự báo, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết mới đây sẽ càng gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu.
TRUNG QUỐC "ĂN NÊN LÀM RA" TRONG ĐẠI DỊCH
Đầu tiên phải kể đến sự gia tăng của số sản phẩm mà Trung Quốc chiếm một tỷ trọng cao tại các thị trường xuất khẩu.
Nikkei đã phân tích dữ liệu về 3.800 sản phẩm được Trung tâm Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) theo dõi và phát hiện thấy vào năm 2019, có 320 sản phẩm mà Trung Quốc nắm tỷ trọng hơn 50% tại các thị trường xuất khẩu. Ở thời điểm năm 2001, khi Trung Quốc mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), con số này mới là 61 sản phẩm.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền, số sản phẩm mà Trung Quốc giữ tỷ trọng cao tại các thị trường xuất khẩu tạm dừng xu hướng tăng. Tuy nhiên, trong năm 2019, xu hướng tăng đã được nối lại.
Trong đó, phải kể tới các sản phẩm máy tính kích thước nhỏ sản xuất tại Trung Quốc chiếm thị phần 66% trên toàn bộ thị trường xuất khẩu trong năm 2019, đạt kim ngạch 95,6 tỷ USD. Thị phần linh kiện tinh thể lòng "made in China" dùng cho máy tính cá nhân và điện thoại thông minh (smartphone) cũng vượt ngưỡng 50%, thị phần điều hòa không khí đạt 57%, thị phần bồn rửa ceramic và bệ toilet đạt 80%…
Khi đại dịch xảy đến, nhu cầu của thế giới đối với những sản phẩm như vậy càng tăng mạnh do nhiều người phải học tập và làm việc tại nhà. Nhờ đó, xuất khẩu của Trung Quốc càng sôi động.
Tháng 2 năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc chiếm 14% tổng giá trị xuất khẩu của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cộng thêm Trung Quốc. Con số này không ngừng tăng lên sau đó: tháng 3 đạt 17%, tháng 4 đạt 24%, nhờ Trung Quốc kiểm soát tốt bệnh dịch trong khi các nước khác vẫn loay hoay ứng phó.
Từ sau tháng 4, tỷ lệ trên vẫn vượt ngưỡng 20%, cao hơn mức đỉnh cả năm 19% thiết lập vào năm 2015. Tiêu dùng khởi sắc ở châu Âu và Mỹ góp phần đẩy nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc lên cao hơn. Thống kê mới nhất cho thấy xuất khẩu của nước này hiện đã vượt mức trước khi thương chiến Mỹ-Trung bắt đầu.
Theo cơ quan hải quan Thiên Tân, thành phố cảng lớn nhất ở miền Bắc Trung Quốc, xuất khẩu đang tăng vững. Các chuỗi cung ứng tại Trung Quốc đã hồi phục sớm hơn so với ở các quốc gia khác, và các nhà sản xuất ở nước này đang đẩy mạnh hoạt động. Một công ty thương mại ở Thiên Tân tiết lộ với Nikkei rằng họ đang có trong tay lượng đơn hàng xe đạp và đồ nội thất cho hơn 2 năm tới.
CÁI KHÓ CỦA DOANH NGHIỆP NHẬT
Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng lớn vào hàng hóa Trung Quốc đặt ra rủi ro gia tăng đối với các nước nhập khẩu. Ở Nhật Bản, tình trạng khan hiếm khẩu trang và thiết bị tế trở nên nghiêm trọng vào mùa xuân năm nay do nguồn cung từ Trung Quốc không đủ để đáp ứng nhu cầu quá lớn của thế giới. Đã có những hành động để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhưng chưa đủ nhanh.
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định trợ cấp cho những công ty Nhật chuyển nhà máy từ Trung Quốc về nước, và chương trình này đã nhận được 1.760 hồ sơ, bao gồm từ những công ty sản xuất thiết bị bán dẫn, linh kiện tinh thể lỏng và các sản phẩm y tế.
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng sẽ không có lãi nếu sản xuất ở Nhật, nơi giá nhân công tương đối cao. Trung Quốc là nguồn hàng của khoảng 80% trang phục bảo hộ y tế nhập khẩu vào Nhật Bản trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7. Một công ty (đề nghị không nêu tên) đã bắt đầu sản xuất mặt hàng này tại Nhật phàn nàn về việc khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc trừ phi Chính phủ Nhật mua sản phẩm do công ty làm ra.
Chủ tịch của công ty hóa chất Mitsubishi Chemical Holdings, ông Hitoshi Ochi, nói rằng chi phí sản xuất và quy chế giám sát của chính phủ sẽ là những yêu tố quan trọng nhất mà doanh nghiệp Nhật cân nhắc khi đưa ra các quyết định chiến lược về sản xuất. "Chúng tôi sẽ không sản xuất hàng hóa tại Nhật mà không có sự đánh giá kỹ lưỡng", ông Ochi nói.
Ký kết hôm 15/11, RCEP có thể thúc đẩy xu hướng mà ở đó sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực ngày càng gia tăng. Theo một nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, xuất khẩu toàn cầu sẽ tăng thêm 500 tỷ USD vào năm 2030 nhờ những hiệu ứng tích cực như cắt giảm thuế quan. Trong đó, Trung Quốc sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất, với giá trị xuất khẩu được dự báo tăng thêm 248 tỷ USD.
"RCEP sẽ giải quyết được những lĩnh vực còn chưa được bao trùm, hay mới chỉ được bao trùm bởi những điều khoản không có tác dụng hỗ trợ những chuỗi cung xuyên quốc gia. Với những kết nối được tạo ra, RCEP sẽ thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau mạnh mẽ hơn", nghiên cứu của Peterson nhận định. Với thương chiến Mỹ-Trung còn chưa có hồi kết, Trung Quốc được cho là sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước châu Á, giành thị phần của Ấn Độ và Đài Loan - những nền kinh tế chưa tham gia RCEP.
Các công ty Nhật Bản muốn cải thiện năng suất bằng cách sản xuất trong nước những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Nhưng để duy trì cạnh tranh, sức mạnh chuỗi cung ứng của Trung Quốc là yếu tố mà doanh nghiệp Nhật không thể xem nhẹ, Nikkei nhận định.
Nhà nghiên cứu Naoto Saito thuộc Viện nghiên cứu Daiwa nhận định: "Các công ty Nhật cần tăng cường quan hệ với Trung Quốc, đồng thời chú ý đến sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc vào khu vực tư nhân và vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ".