10:54 24/11/2020

Giảm thuế nhập khẩu trong RCEP: Hàng hoá trong nước trước sức ép cạnh tranh

Vũ Khuê

Các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ tạo ra không gian kết nối sản xuất, thương mại trong toàn ASEAN và các đối tác, giúp doanh nghiệp trao đổi nội khối mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa cũng trở nên khốc liệt hơn.

Bộ Công Thương đánh giá, với RCEP, các bên tham gia không cam kết trong lĩnh vực thuế xuất khẩu mà chỉ đưa ra các cam kết đối với thuế nhập khẩu. Hầu hết các bên sẽ thực hiện xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định RCEP có hiệu lực đối với lượng lớn số dòng thuế (từ 64%-82% số dòng thuế). 

GIA TĂNG CẠNH TRANH VỚI HÀNG NHẬP KHẨU 

Với lộ trình cam kết trong Hiệp định RCEP, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan Việt Nam dành cho ASEAN ở mức 90,3%, Australia và New Zealand đạt 89,6%, Nhật Bản và Hàn Quốc 86,7%, Trung Quốc là 85,6%. 

Theo Bộ Công Thương, do việc tự do hoá thuế quan với các nước ASEAN đã được thực hiện trong suốt hơn 20 năm qua nên cam kết xoá bỏ thuế quan nhập khẩu của Việt Nam trong RCEP dù không tạo cú sốc về giảm thuế nhập khẩu nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cạnh tranh đối với các ngành sản xuất kinh doanh trong nước vẫn lớn. 

Trong khi đó, nhiều nền kinh tế trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh tốt hơn. Hơn nữa, nhiều ngành sản xuất trong nước vẫn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu của Việt Nam còn khiêm tốn...

"Với việc giảm thuế nhập khẩu, hàng hoá các nước trong khối RCEP sẽ dễ dàng vào nước ta, khi ấy sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam sẽ gia tăng. Các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng tốt, được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài. Đây là thách thức lớn với "sân chơi" trong nước", chuyên gia Lê Đăng Doanh nhận định.

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cơ hội cũng đi cùng thách thức. Nếu doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội sẽ chịu sức ép cạnh tranh ở chính trên sân nhà. Nhất là khi các nước khác trong RCEP tận dụng được cơ hội của RCEP sẽ đẩy mạnh được sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam. "Do đó, ngoài các lợi ích, doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước về các tác động bất lợi mà RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa", bà Nga khuyến cáo.

Việc cần làm để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng như cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực là tăng cường nội lực cho doanh nghiệp. Bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động và tích cực tìm hiểu thông tin về các hiệp định FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép về cạnh tranh thành động lực để tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.

TẠO ĐIỀU KIỆN CHO SẢN XUẤT TRONG NƯỚC 

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, nhận thức được điều này, ngay từ giai đoạn đàm phán hiệp định, Bộ Công Thương đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp xử lý. Như tham vấn chặt chẽ các bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp liên quan nhằm đàm phán lộ trình phù hợp cho việc cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng nhạy cảm, giúp doanh nghiệp trong nước có thêm thời gian để chuẩn bị, thích nghi với sức ép cạnh tranh.

Ưu tiên các cam kết cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Theo thống kê, hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 30 tỷ USD nguyên liệu, thiết bị sản xuất từ các nước ASEAN. Đồng thời nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc đối với nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ôtô... Việc ưu tiên cắt giảm thuế quan đối với nhóm các mặt hàng này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, qua đó tăng sức cạnh tranh cho các hàng hóa sản xuất trong nước liên quan.

Ngoài ra, để phê chuẩn và thực thi Hiệp định RCEP, chúng ta cũng sẽ có thêm những đổi mới mạnh mẽ về thủ tục hành chính, tạo điều kiện hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và cải thiện môi trường đầu tư. Điều này cũng sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, tạo đà để Việt Nam tham gia sâu hơn và ổn định hơn vào các chuỗi giá trị mới thiết lập trong khu vực. 

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát sao tình hình xuất nhập khẩu sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực để có biện pháp phòng vệ phù hợp trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ đến sản xuất trong nước. 

NÂNG SỨC CẠNH TRANH HÀNG VIỆT

Trước thời cơ, thách thức từ RCEP, Bộ Công Thương cho rằng, đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước. Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các chương trình thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; các chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; xúc tiến thương mại trong nước...

Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa. Đó là tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền, quảng bá hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam; quảng bá các sản phẩm thực phẩm an toàn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thông qua các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm.

Tổ chức các hoạt động kết nối trực tiếp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối và người tiêu dùng; giữa các đơn vị sản xuất với nhau. Xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đặc sản vùng miền, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam" tại một số địa phương.

Ngoài ra, tổ chức các hội chợ, triển lãm để quảng bá các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tới người tiêu dùng; chương trình khuyến mại tập trung trên phạm vi toàn quốc, trong đó có những đợt với mức khuyến mại lên đến 100%.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đơn vị đầu mối triển khai cuộc vận động) để xây dựng và trình Ban Bí thư văn bản về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động trong tình hình mới. Trong đó tại dự thảo có nội dung "Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động trong tình hình mới"; đồng thời, tiếp tục tăng cường triển khai các nhiệm vụ tại Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng cuộc vận động hàng năm.

 "Cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh", ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương lưu ý. 

Cùng với đó, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất. Từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh vị thế "sân nhà".