06:04 21/04/2021

Margin đang ở mức nào qua báo cáo tài chính quý 1 của các công ty chứng khoán?

K.LINH

Thống kê sơ bộ với một số công ty chứng khoán lớn đã công bố báo cáo, tính đến thời điểm 31/3/2021, tổng dư nợ cho vay margin của các công ty này là 55.224 tỷ đồng. Tuy vậy các con số vẫn chưa đầy đủ

Tính đến thời điểm 31/3/2021, tổng dư nợ cho vay margin của các công ty này lên đến 55.224 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 31/3/2021, tổng dư nợ cho vay margin của các công ty này lên đến 55.224 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các công ty chứng khoán trên thị trường đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2021. Đáng chú ý, dư nợ cho vay margin tăng mạnh, theo thống kê từ 14 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường.

Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn SSI cho vay margin với dư nợ tính đến 31/3/2021 khoảng 10.878 tỷ đồng, tăng 20,7% so với con số đầu năm. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 245,6 tỷ đồng, tăng 69% so với quý 1/2020. Tổng cộng tài sản của SSI 37.282 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 11.167 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, SSI cũng đang vay nợ tài sản tài chính ngắn hạn 24.351 tỷ đồng từ các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Techcombank.

Với 8.876 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC) xếp thứ hai. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu của HSC đạt 222 tỷ đồng, tăng 91% so với quý 1/2020.

Ở vị trí tiếp theo là Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) với danh mục cho vay margin 5.664 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số đầu năm 4.026 tỷ đồng. Lãi từ cho vay và các khoản phải thu của TCBS cũng tăng 79% đạt 118 tỷ đồng. Trong đó, riêng lãi từ hoạt động margin là 39 tỷ đồng. 

Chứng khoán KIS cho vay marin 4.921,6 tỷ đồng; tăng 12% so với con số đầu năm. Lãi từ cho vay và các khoản phải thu 91 tỷ đồng; tăng gần gấp đôi so với con số quý 1/2020.

Trong quý 1/2021, Công ty CP Chứng khoán MBS cũng cho vay margin 4.072 tỷ đồng, tăng 9% so với con số cuối năm 2020. Lãi từ cho vay giao dịch ký quỹ của MBS đạt 104 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 68 tỷ đồng quý 1/2020; Chứng khoán Bản Việt cho vay 4.573 tỷ đồng.

Bốn công ty chứng khoán cho vay giá trị tương đương nhau gồm: Chứng khoán Yuanta cũng cho vay hoạt động margin 3.081 tỷ đồng; Chứng khoán FPTS cũng cho vay 3.062 tỷ đồng. Chứng khoán KB cho vay 3.355 tỷ đồng. Chứng khoán Tân Việt cho vay 2.910 tỷ đồng, tất cả đều tăng so với con số đầu năm 2021. 

Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cũng cho vay margin tăng mạng đạt 1.945 tỷ đồng, trong khi số đầu năm là 1.257 tỷ đồng. Lãi từ khoản cho vay và phải thu cũng tăng, đạt 57 tỷ đồng. 

Một số công ty chứng khoán khác trong kỳ cũng tăng cho vay margin như Chứng khoán Everest cho vay 588 tỷ đồng tăng 15%; Chứng khoán Agriseco cho vay margin 875 tỷ đồng; Chứng khoán Trí Việt cho vay hoạt động giao dịch ký quỹ 421 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số đầu năm. 

Như vậy, trong quý 1/2021, 14 công ty chứng khoán đã cho vay margin 55.224 tỷ đồng; tăng 21,3% so với con số của đầu năm 2021. Mặc dù vậy đây vẫn chỉ con số ước tính cuối kỳ và thường mang tính tương đối, khi nhiều khoản vay có thể được tất toán để trả lại nguồn. Mặt khác nguồn lực hỗ trợ từ các công ty chứng khoán còn đến từ các khoản ứng trước, giúp nhà đầu tư đẩy nhanh vòng quay vốn.

Lượng cho vay margin tăng nhanh chủ yếu do sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán từ đầu suốt từ đầu năm 2021 đến nay. VN-Index đã có được những phiên giao dịch đạt cỡ tỷ đô, thanh khoản tăng vọt trên cả 3 sàn HSX, HNX và UpCOM. Dự kiến, trong thời gian tới cho vay margin của các công ty chứng khoán sẽ còn tiếp tục tăng khi mà các nhà chức trách đã tìm ra lỗi để khắc phục Hose, kích thích tâm lý nhà đầu tư đổ dồn sự quan tâm vào thị trường.