Mất 5 nghìn tỷ USD vốn hóa, chứng khoán châu Á rơi vào “thị trường gấu”
Nối tiếp phiên giảm chóng mặt vào đêm qua của chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán châu Á sáng 25/10 “đỏ lửa” ngay từ đầu phiên
Nối tiếp phiên giảm chóng mặt vào đêm qua của chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán châu Á sáng 25/10 "đỏ lửa" ngay từ đầu phiên và rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) hay còn gọi là "thị trường gấu".
Từ đầu năm đến ngày 24/10, chứng khoán châu Á đã "bốc hơi" 4,9 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa, và phiên giao dịch ngày thứ Năm có thể đưa con số thiệt hại lên mức cao hơn - theo hãng tin Bloomberg.
Vào lúc gần 10h trưa theo giờ Việt Nam, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản sụt 2,1%, nâng tổng mức giảm từ đỉnh thiết lập vào tháng 1 năm nay lên 22%.
Tại Tokyo, chỉ số Topix trượt 2,9%, có khả năng sẽ đóng cửa phiên giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017. Chỉ số Nikkei 225 sụt 3,5%.
Tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi 100 giảm 2,6%, cũng rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống, sau khi thống kê cho thấy nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm hơn dự báo.
Chứng khoán Trung Quốc không nằm ngoài xu hướng giảm của thị trường toàn khu vực, với Shanghai Composite Index mất 2,5%. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông sụt 2,3%. Chỉ số S&P ASX 200 của chứng khoán Australia cũng giảm trên 2%.
Bloomberg cho biết mức độ biến động của chứng khoán châu Á đang tăng cao và nhà đầu tư lường trước khả năng thị trường sẽ còn gia tăng "sóng gió" trong những phiên sắp tới. Từ đầu tháng 10 đến nay, MSCI châu Á-Thái Bình Dương di chuyển với biên độ trung bình khoảng 0,9% mỗi ngày.
Trong phiên đêm qua tại Mỹ, chỉ số Nasdaq mất 4,4%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong hơn 7 năm, rơi vào địa hạt "thị trường gấu". Trong khi đó, hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 mất hết thành quả tăng từ đầu năm.
Lý do khiến chứng khoán châu Á sụt giảm gần đây đều là những vấn đề đã trở nên quen thuộc đối với nhà đầu tư trong khu vực: chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, những mối lo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, giá cổ phiếu công nghệ giảm nhanh, và lãi suất tăng do ảnh hưởng từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, theo ông Steven Leung, một nhà điều hành của UOB Kay Hian (Hong Kong), trong tuần này, điều khiến nhà đầu tư chứng khoán lo ngại nhiều hơn cả là sự tăng giá của đồng USD.
"Đồng USD mạnh lên nhiều trong năm nay, và tốc độ tăng giá của đồng tiền này có xu hướng được đẩy nhanh gần đây", ông Leung nói. "Dòng tiền có thể đang tiếp tục chảy về Mỹ và tình hình sẽ còn xấu đi hơn nữa đối với các thị trường mới nổi trong thời gian còn lại của năm".
Đồng USD tăng giá đã dẫn tới việc dòng vốn nước ngoài chảy khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán châu Á, buộc các ngân hàng trung ương trong khu vực phải nâng lãi suất để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ. Điều này càng gia tăng sức ép lên các thị trường chứng khoán châu Á, ông Leung nhấn mạnh. Ông dự báo thị trường chứng khoán trong khu vực sẽ còn tiếp tục biến động.
Những tuyên bố cứng rắn gần đây của FED về chính sách tiền tệ và việc chứng khoán Trung Quốc giảm tới ngưỡng nhạy cảm - Shanghai Composite Index đang ở gần mức thấp nhất kể từ tháng 11/2014 - sẽ càng gia tăng sức ép lên thị trường, theo ông Armand Yeung, Giám đốc điều hành Central Asset Investments ở Hồng Kông, nhận xét.
"Liệu chứng khoán châu Á có thực sự chống chọi được 4 đợt tăng lãi suất ở Mỹ trong năm tới? Mọi người nên thực sự suy nghĩ về điều này", ông Yeung nói. "Hầu hết mọi người đều đang rất thận trọng ở thời điểm hiện tại và đang giảm nắm giữ cổ phiếu, hoặc chỉ tập trung vào các cổ phiếu phòng thủ và mua trái phiếu".
Từ đầu tháng tới nay, MSCI châu Á-Thái Bình Dương đã giảm 11%. Tháng 10 có thể trở thành tháng giảm điểm tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ thời kỳ đỉnh cao của khủng hoảng tài chính các đây 1 thập niên. Hầu hết các chỉ số chứng khoán giảm tệ nhất thế giới năm nay đều là của khu vực châu Á.
Nếu các cổ phiếu tiếp tục suy yếu, nhà đầu tư sẽ phải đón nhận thêm nhiều biến động thị trường trong thời gian tới. Công nghệ là nhóm chiếm tỷ trọng khoảng 1/5 trong MSCI châu Á-Thái Bình Dương và là nhóm giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
"Chúng tôi vẫn chưa biết cuộc chiến tranh thương mại sẽ dẫn đến đâu, bởi Mỹ và Trung Quốc vẫn có những hành động và phản ứng khó lường", ông Jim McCafferty, trưởng bộ phận nghiên cứu chứng khoán khu vực châu Á của Nomura Holdings, nhận xét. "Các cổ phiếu công nghệ Mỹ đang có mức độ biến động cao, và chắc chắn biến động đó sẽ lan rộng tới chuỗi cung ở khu vực châu Á".