Mất cơ hội đầu tư vì “điệp khúc” giải phóng mặt bằng
Quy trình giải phóng mặt bằng và các thủ tục pháp lý để đảm bảo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư hiện vẫn là những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp…
Tại phiên thảo luận “Nhận diện xu hướng mới trong phát triển khu công nghiệp” thuộc Diễn đàn “Chủ động thích ứng và phát triển bền vững”, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/ VnEconomy /Vietnam Economic Times tổ chức ngày 20/9, đại diện các chủ đầu tư khu công nghiệp, doanh nghiệp đã chia sẻ những quan điểm về triển vọng của thị trường bất động sản công nghiệp trong thời gian tới cũng như những đề xuất kiến nghị giải quyết các “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để thu hút đầu tư.
Dưới góc độ của một doanh nghiệp bất động sản, bà Vũ Thị Thu Hằng, Giám đốc Kinh doanh, TNI Holdings Việt Nam, nhìn nhận xu hướng bất động sản công nghiệp đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư.
Hiện đang quản lý, vận hành và kinh doanh trên 3.000 ha đất của 14 khu công nghiệp tại 8 tỉnh, thành trên cả nước, bà Hằng cho rằng TNI Holdings là doanh nghiệp hiếm hoi có sự trải nghiệm về sức nóng của thị trường thời gian vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh điều tiết lại chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn, hiệu quả của các nhà đầu tư trên thế giới.
Theo bà Hằng, từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, thị trường bất động sản công nghiệp đã có rất nhiều biến động lớn dẫn đến sự phát triển “nóng” trong thời gian qua. Sự phát triển này trước hết thể hiện ở quy mô đất cho thuê tăng đột biến, do có sự tham gia của rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt đến từ: Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung, ngoài ra do việc hoàn thiện khâu giải phóng mặt bằng, pháp lý chưa theo kịp tiến độ của nhà đầu tư.
“Các doanh nghiệp của chúng tôi đóng tại địa bàn có sức hút về thu hút đầu tư như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên - những nơi có được rất nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, thời gian qua chính sự hạn chế từ quỹ đất sạch đã gây ảnh hưởng rất lớn để chúng tôi đáp ứng được các đơn hàng của họ”, bà Hằng dẫn chứng.
Đại diện doanh nghiệp này cũng thừa nhận, quy trình giải phóng mặt bằng và các thủ tục pháp lý để đảm bảo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư hiện là những thách thức và áp lực rất lớn. Cũng do quỹ đất lớn của khu công nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng phải đền bù theo giai đoạn, song vì hành lang pháp lý và quy trình đền bù giải phóng mặt bằng hiện còn rất nhiều vướng mắc, dẫn đến việc này phải kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình hoạch định kinh doanh của doanh nghiệp mà còn đánh mất các cơ hội.
Không chỉ quy mô thuê đất tăng, sự phát triển nóng của xu hướng bất động sản công nghiệp theo bà Hằng còn dẫn đến việc tăng giá trên toàn thị trường. Do nhu cầu tăng, các nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao để ký hợp đồng thuê đất, để đảm bảo nhanh chóng được cấp phép xây dựng và sớm đi vào hoạt động.
“Tuy nhiên với số lượng dự án mới được phê duyệt trong thời gian gần đây, theo thống kê từ đầu năm đến nay Chính phủ đã phê duyệt khoảng 35 dự án khu công nghiệp mới, thì trong vòng 2 - 3 năm tới, khi những dự án này được đi vào triển khai và vận hành sẽ là những điều kiện hết sức thuận lợi để có nguồn cung dồi dào hơn cho các nhà đầu tư”, bà Hằng nhận định.
Đại diện của TNI Holdings cũng đánh giá, mô hình bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển rất nhanh trong thời gian tới đây. Ngoài ra, với việc tại Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 82/2018 về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đã hoàn thiện bổ sung thêm các khái niệm về khu công nghiệp, ngoài khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp phụ trợ, khu công nghiệp đô thị dịch vụ thì còn có thêm các khu công nghiệp chuyên sâu, khu công nghiệp khoa học công nghệ.
“Có thể thấy điều này thể hiện sự phát triển và sẽ đi vào chuyên sâu hơn của các khu công nghiệp tới đây. Với quan điểm của một chủ đầu tư hạ tầng, sắp tới chúng tôi sẽ có nhiều nghiên cứu đánh giá để phát triển mô hình khu công nghiệp phù hợp với từng thị trường, nhằm gia tăng hơn nữa trải nghiệm cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự phát triển bền vững”, Đại diện của TNI Holdings nhấn mạnh.
Dưới góc độ doanh nghiệp đang có hoạt động đầu tư tại Hải Phòng, ông Ko Tae Yeon, Tổng giám đốc Công ty Heesung Electronics Vietnam, khẳng định: "Một điểm đến an toàn, các ưu tiên của Chính phủ, nhất là cơ sở hạ tầng là những giá trị rất lớn đối với một quyết định đầu tư, hiện Việt Nam là điểm đến an toàn, song Chính phủ sẽ cần có thêm nhiều chính sách tốt hơn để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp".
Với riêng Hải Phòng hiện có 12 khu công nghiệp, tuy nhiên ông Ko Tae Yeon đánh giá là chưa đủ với quy mô tại địa phương. Trên thực tế, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp tại Hải Phòng còn rất lớn. “Theo đánh giá của chúng tôi, trong một vài tháng tới, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, chúng ta sẽ thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư mới, vì vậy cần có sự chuẩn bị sẵn sàng ngay từ bây giờ”, ông Ko Tae Yeon nói.